YouTuber Thơ Nguyễn bị cộng đồng mạng phản đối về đoạn clip cho búp bê giống Kumanthong uống nước ngọt để 'xin vía học giỏi'(ảnh chụp màn hình).
Nuôi búp bê ma để 'xin vía' học giỏi
Những ngày gần đây, nữ Youtuber Thơ Nguyễn (khá nổi tiếng với trẻ em có gần 9 triệu người theo dõi kênh) đã bị chỉ trích dữ dội về đoạn clip cho búp bê giống Kumanthong uống nước ngọt để 'xin vía học giỏi'. Nhiều phụ huynh bức xúc cho rằng, clip này hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi trẻ em và góp phần lan truyền mê tín dị đoan, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ nhỏ. Cụ thể, trên kênh TikTok của mình, Thơ Nguyễn đã đăng tải một đoạn video dài gần 1 phút có nội dung về việc 'xin vía' học giỏi. Video có sự xuất hiện của một búp bê giống Kumanthong (1 loại búp bê có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người).
Trong video, Thơ Nguyễn ôm búp bê với tên gọi 'Cư Ma Mập', tự xưng 'mẹ' và gọi búp bê là 'con', cũng như nói về cách nuôi búp bê để được vía học giỏi... Ngay lập tức, video này nhận phải phản ứng trái chiều từ phía cộng đồng mạng cho rằng đây là hình thức nhảm nhí, tuyên truyền mê tín dị đoan... Sau đó, Thơ Nguyễn đăng tải thêm một số video nhằm đính chính lại nội dung đã chia sẻ trước đó và cho rằng đó chỉ là búp bê thường, không có tác dụng ban phép cho học giỏi... Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn không chấp nhận và tiếp tục lên tiếng chỉ trích, thậm chí một số còn kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay Thơ Nguyễn.
Bất bình khi xem đoạn clip 'xin vía học giỏi', phụ huynh Phạm Thị Huyền có con học lớp 8 (ở Hà Nội) cho biết: 'Xem đoạn clip đó mà tôi phát hoảng, bởi búp bê Kumanthong mang màu sắc ma quái trước đây được nhiều người lớn nuôi để mong buôn bán thuận lợi. Bây giờ có người dạy học sinh nuôi để học giỏi thì quá nguy hiểm bởi nó khiến cho học sinh tin vào điều mê tín mà bỏ bê học tập vì đã có búp bê phù trợ cho học giỏi. Cho dù Thơ Nguyễn có làm clip tiếp theo để khẳng định lại đây là búp bê thường và học giỏi từ chính bản thân. Nhưng với lứa tuổi học sinh, khó có thể phân biệt được thế nào là đúng sai và không phải ai cũng xem hết cả hai clip'.
'Tôi không ngờ, một người như Thơ Nguyễn mang khoe bảng điểm học đại học nhưng lại kèm theo cách nuôi búp bê theo kiểu mê tín dị đoan như vậy. Tôi đã chặn hết các kênh của cô gái đó và từ bây giờ sẽ tăng cường quản lý con cái, không để con tiếp cận, xem các clip độc hại như vậy nữa. Tôi cũng mong rằng, cơ quan chức năng cần phải mạnh tay dẹp các kênh, video nhảm nhí, độc hại trên mạng Internet, nhất là khi nó sản xuất cho lứa tuổi học sinh', phụ huynh Nguyễn Anh Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) nêu quan điểm.
Hành vi phi giáo dục, cổ súy mê tín dị đoan
Chia sẻ quan điểm trước clip 'xin vía học giỏi' của Thơ Nguyễn, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) cho biết: 'Là người quản lý giáo dục cũng như vai trò của phụ huynh, tôi cho rằng đây là vấn đề hết sức ghê gớm chứ không đơn thuần là một video nhảm nhí thông thường. Bởi, nó tiêm nhiễm về tinh thần của một đứa trẻ, dẫn dắt đứa trẻ vào ngõ cụt, mất phương hướng và tin vào vấn đề mang màu sắc ma quái. Trẻ em học đường mà tin vào vấn đề này là khó có thể dạy bảo, từ bỏ niềm tin mù quáng rất khó. Do đó, cần phải gỡ ngay đoạn clip đó trên môi trường Internet, xử lý nghiêm người sản xuất, đăng tải clip đó'.
Thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ, giáo dục dựa trên nền tảng của khoa học, chứ không phải là từ mê tín, ma quái, do đó nuôi búp bê (giống như Kumanthong) để xin vía học giỏi là phản khoa học, phi giáo dục và để học sinh tiêm nhiễm là phi đạo đức. Theo đó, để ngăn ngừa, nhà trường phải mở các buổi chuyên đề nói cho học sinh nắm được phòng trừ tệ nạn mê tín đang có xu hướng xâm nhập học đường, cần có sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên nhà trường. Dạy về an ninh mạng trong nhà trường là rất cần thiết, song cần phải áp dụng ngay từ khi học sinh đang học lớp 5, vì ở độ tuổi này nhiều em đã được cha mẹ cho sử dụng các thiết bị kết nối internet…
Từ thực tiễn trong nhà trường, theo thầy Huỳnh Thanh Phú, bên cạnh việc giáo dục, tuyên truyền, cũng cần phải rõ ràng hơn trong công tác xử lý kỷ luật học sinh trong bối cảnh mới, bởi việc sử dụng công nghệ cao để vi phạm hiện nay. Nhiều học sinh biết vi phạm nhưng cố tình làm chỉ vì muốn nhận các lượt like trên mạng xã hội mà lan tỏa những clip độc hại được hàng triệu người xem.
'Vai trò của gia đình là rất quan trọng, bởi ngoài giáo dục từ nhà trường, phần lớn thời gian là các em ở gia đình và xã hội. Số thời gian con ở nhà là rất nhiều, nền tảng gia đình rất quan trọng, cha mẹ phải dạy con cái mình trước. Phụ huynh phải quản lý việc sử dụng các thiết bị kết nối Internet của con cái mình, biết được mặt trái của môi trường mạng xã hội, từ đó quản lý, giáo dục con em mình. Phải đầu tư giáo dục cho con cái, không nên giao phó con cho người giúp việc, chiều chuộng con cho con những điện thoại, thiết bị thông minh mà con không dùng đúng mục đích', thầy Huỳnh Thanh Phú đưa ra lời khuyên.
Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT ban hành kèm Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã có hiệu lực từ ngày 11/1/2021. Theo đó, từ lớp 10, học sinh được học về Luật An ninh mạng. Học sinh phải đạt được các yêu cầu là: Nêu được một số khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng; hiểu rõ nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng; bảo mật được thông tin cá nhân, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả trên mạng.