Sau gần 2 tháng ban hành, Thông tư 32 về Điều lệ trường THCS, THPT và trường Phổ thông có nhiều cấp học của Bộ GD&ĐT đã chính thức đi vào thực hiện (có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2020) để thay thế cho Thông tư số 12/2011 ngày 28/3 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Điểm đáng chú ý trong Thông tư 32 đó là quy định những điều mà học sinh không được làm. Cụ thể, không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác. Không gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh. Cấm mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây nổ.
Thông tư cũng quy định rõ: 'Học sinh không được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp nếu không phục vụ cho việc học và được không giáo viên cho phép'. Như vậy, khác với trước đây là học sinh không được sử dụng điện thoại thì bây giờ quy định mới của Bộ GD&ĐT có phần 'mở' và linh hoạt hơn, đó là cho phép sử dụng thiết bị, điện thoại trong lớp miễn là phục vụ học tập và được giáo viên cho phép.
Sau khi Thông tư 32 được ban hành, nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh, giáo viên, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục… cho rằng, quy định này có thể phát sinh những hệ quả xấu như học sinh sử dụng không vào mục đích học trên lớp, giáo viên khó quản lý vì lớp học đông… Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến đồng tình, cho rằng áp dụng công nghệ thông tin trong dạy và học cần được áp dụng nhằm tăng chất lượng giáo dục.
Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học từ năm 2016. Ảnh: H.T.P
Là 1 trong 3 trường tại TP.HCM theo mô hình trường học tiên tiến hội nhập quốc tế, từ năm 2016 đến nay, Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP.HCM) đã cho phép học sinh dùng điện thoại thông minh trong lớp học và thu được kết quả tích cực. Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại, chủ yếu là điện thoại thông minh, từ 5 năm nay. Việc này hoàn toàn phải được sự đồng tình của giáo viên cho phép, nếu không học sinh sẽ bị thu điện thoại đến cuối học kỳ sẽ trả.
Từ thực tiễn của nhà trường, thầy Thanh Phú cho biết: 'Việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học rất hiệu quả. Những bài học mà tranh ảnh, lời nói của giáo viên chưa lột tả được thì qua truy cập trên internet thông qua điện thoại thông minh sẽ sinh động hơn về bài học. Chẳng hạn, về phản ứng hóa học diễn ra thế nào; cấu trúc thành phần hóa học, gen; tính cách nhân vật trong văn học… Tôi thấy ngạc nhiên khi quá nhiều người phản đối quy định này, trong khi với tôi là tin mừng, còn trường tôi đã áp dụng rất hiệu quả, phụ huynh hoàn toàn đồng tình'.
Liên quan đến quy định học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, đại diện Bộ GD&ĐT giải thích, tuy không cấm nhưng không đồng nghĩa là các em học sinh được dùng điện thoại trên lớp vào việc gì cũng được mà không có sự giám sát, cho phép của giáo viên. Đây cũng chính là phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực giáo viên phải sử dụng để đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Căn cứ từng bài học cụ thể, nếu thấy không nhất thiết cần đến điện thoại, thầy cô giáo có thể yêu cầu học sinh không được dùng điện thoại.