Giáo viên ủng hộ, đồng tình cao
Trước ý kiến này, nhiều giáo viên đã đưa ra quan điểm đồng tình, ủng hộ cao. Đây được coi là hướng đi nhằm giải tỏa tâm lý cho nhiều giáo viên khi từ trước đến nay kết quả học sinh vốn là thước đo đánh giá hiệu quả dạy và học của các nhà trường. Tuy nhiên, cũng chính vì vấn đề này mà nhiều giáo viên gặp phải áp lực lớn khi kết quả của học sinh thấp tạo ra sự đánh giá sai lệch về trình độ của giáo viên.
Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh khiến nhiều giáo viên rất áp lực.
Cô Đinh Thị Thu Hà (50 tuổi, giáo viên Ngữ Văn trường THCS Lạc Viên, Hải Phòng) cho biết: 'Về vấn đề giáo viên bị đánh giá năng lực qua kết quả học tập của học sinh, người làm trong nghành giáo dục chúng tôi đều đã từng trải qua. Nhiều lúc điểm của các con kém, phụ huynh lại gọi điện hỏi mình sao lại kém thế. Tôi cũng chỉ biết cười trừ.
Nhà trường thì giải quyết tùy tình hình, nếu phụ huynh họ làm gắt quá thì phải làm sao cho họ bớt giận trước đã rồi tính. Nhiều lúc giáo viên cũng tủi thân, học sinh học kém lại lười học, điểm thấp, làm sao chúng tôi kiểm soát được. Nhưng tình trạng này diễn ra nhiều ở các trường mầm non và bậc tiểu học hơn, học sinh THCS đã biết tự giác nên phụ huynh cũng không quản nhiều'.
Các giáo viên đều đồng tình với quan điểm này của Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều giáo viên cho rằng, họ không những chịu áp lực từ phụ huynh mà còn phải đảm bảo các chỉ tiêu của nhà trường đề ra liên quan đến các chỉ số đánh giá kết quả của học sinh.
Cô Nguyễn Thu Ngọc (52 tuổi, giáo viên Tiếng Anh trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) bày tỏ ý kiến: 'Đề nghị này của TP.HCM là hoàn toàn hợp lý. Tôi mong rằng Sở GD-ĐT các tỉnh thành khác cũng có đề nghị này để giáo viên chúng tôi an tâm công tác. Giáo viên không thể kiểm soát toàn bộ kết quả học tập của học sinh. Trên lớp chúng tôi giảng bài thì có thể đốc thúc các em nghe giảng, nhưng về nhà các em không chịu ôn bài, làm bài tập thì có nghe giảng cũng không có tác dụng. Nghề giáo là nghề cao quý nhưng cũng là nghề chịu nhiều áp lực. Tôi mong nhà trường và phụ huynh sẽ hiểu và hợp tác'.
Với hoạt động dạy học, kết quả của học sinh rất quan trọng
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết: 'Thực ra, phụ huynh, giáo viên không nên nhìn nhận một chiều về vấn đề mà Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra. Bản chất, kết quả học sinh cũng phản ánh hiệu quả của hoạt động giảng dạy. Do đó, nếu bỏ qua việc sử dụng kết quả học tập của học sinh thì sẽ bỏ qua một chỉ số đánh giá vô cùng quan trọng. Đồng thời, nếu giáo viên không còn quan tâm đến hoạt động dạy và học thì sẽ khó có được hiệu quả trong hoạt động đào tạo'.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền.
Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, người giáo viên có ý thức trong việc phát triển chuyên môn, nghiệp vụ thì chất lượng bài dạy sẽ tốt, hình thức giảng dạy hấp dẫn, thu hút người học khiến học sinh học bài dễ hiểu hơn, hứng thú hơn, ham học hơn và nắm vững kiến thức hơn. Vì thế, năng lực học sinh trong lớp chắc chắn sẽ nâng cao.
Như vậy, nhìn vào năng lực học sinh trong lớp là tiêu chí quan trọng để đánh giá giáo viên. Tuy nhiên, trong 1 lớp, dù là giáo viên giỏi, không hẳn tất cả học sinh đều có năng lực rất tốt, vì năng lực học sinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: đánh giá năng lực học sinh, sự chủ động học của học sinh, tư chất của học sinh, các yếu tố liên quan ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh.
Bộ GDĐT đã có 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí để đánh giá giáo viên đạt chuẩn. Trong đó, không chỉ có tiêu chí về kết quả học tập của học sinh mà còn có tiêu chí về phẩm chất, phát triển mối quan hệ giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên... Do đó, các nhà trường nên cân nhắc kỹ theo quy định chung của Bộ GDĐT để tránh đánh giá sai năng lực của giáo viên.
Lĩnh vực giáo dục từ lâu vốn là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội, do đó các quy định ra đời cần được nghiên cứu kỹ lưỡng vì một khi được áp dụng sẽ tạo ra rất nhiều những hệ lụy bất cập cho học sinh, giáo viên, gây xáo trộn môi trường sư phạm.