Thông tin về Dự án cải tạo, tôn tạo chùa Trầm - chùa Trăm Gian đã được công bố tại Hội thảo Khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm – chùa Trăm Gian do thành phố Hà Nội và UBND huyện Chương Mỹ phối hợp tổ chức vào ngày 6/9 vừa qua.
Dự án này sẽ có tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, dự kiến được khởi công vào tháng 9/2024, hoàn thành vào năm 2026.
Hai ngôi chùa có giá trị đặc biệt về cảnh quan, kiến trúc
Cụm di tích quốc gia chùa Trầm và chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) là những di tích có lịch sử lâu đời, nằm trong 'Tứ đại danh thắng của xứ Đoài' được dân gian lưu truyền từ xa xưa, bao gồm: chùa Trăm Gian, chùa Trầm, chùa Thầy và chùa Tây Phương.
Các ngôi chùa được khởi dựng từ sớm và hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, tạo nên một sức hấp dẫn và giá trị đặc biệt về cảnh quan, kiến trúc.
1. Chùa Trầm còn có tên gọi là Long Tiên Tự, được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ bảy (1669). Ngôi chùa có địa thế rất đẹp, với các núi nhỏ bao quanh như: Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ.
Chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh của người dân Đồng bằng Bắc Bộ, là nơi lưu giữ và thờ tự đức Phật từ nhiều thế kỷ trước, là chốn linh thiêng mà bất cứ ai yêu mến Phật giáo đều dành sự tôn trọng và kính ngưỡng, mong muốn được đến thăm và chiêm bái.
Chính điện của chùa Trầm. Ảnh: Phạm Hoa - Vũ Đăng / Tạp chí Người Hà Nội Online.
Cụm di tích chùa Trầm tọa lạc trong một khu núi đá lớn với nhiều ngôi chùa nằm rải rác, trong đó chùa Vô Vi, chùa Trầm là kiến trúc chùa còn lại khá hoàn chỉnh cùng với Quan Âm viện, chùa Ba Làng, hang Trầm tạo thành kiến trúc hoàn chỉnh, độc đáo. Cụm di tích núi Vô Vi, núi Trầm vừa mang giá trị lịch sử, vừa mang giá trị nghệ thuật và danh lam thắng cảnh vốn có từ xa xưa.
Chùa Trầm còn là di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng về thăm và làm việc. Đặc biệt, trong những ngày tháng ác liệt nhất của chiến tranh, nơi đây Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch đã vang lên khắp bốn phương trong đêm 19, rạng sáng ngày 20/12/1946.
Đến đầu năm 1947, Chùa Trầm và Đài Tiếng nói Việt Nam lại vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và đọc thơ chúc Tết toàn thể quốc dân đồng bào trên làn sóng phát thanh của Đài giữa khung cảnh tĩnh mịch, không gian linh thiêng của Chùa Trầm. Hai lần sau đó Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm chùa Trầm, thăm các đơn vị bộ đội đóng quân ở núi Trầm.
2. Chùa Trăm Gian có tên chữ là “Quảng Nghiêm tự”, theo truyền thuyết chùa Trăm Gian có từ thời Lý Cao Tông (1185), trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều lần trùng tu, tôn tạo với những dấu ấn kiến trúc của các triều đại khác nhau, đến nay, chùa chủ yếu mang phong cách kiến trúc thời Lê, Nguyễn nhưng vẫn còn một số dấu tích kiến trúc thời Trần.
Tên gọi “Trăm Gian” của ngôi chùa xuất phát từ cách tính cứ 4 góc cột là một 'gian'. Theo cách tính này thì chùa có cả thảy 104 gian, nằm trong ba cụm kiến trúc chính. Đây là một trong những ngôi chùa cổ có quy mô bề thế nhất còn được bảo tồn ở Việt Nam cho đến nay.
Cảnh quan kiến trúc chùa Trăm Gian. Ảnh: Vũ Đình Luyến / Chùa Trăm Gian Facebook.
Dù là một ngôi chùa của làng, nhưng từ khi hình thành, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chùa Trăm Gian vẫn luôn giữ được sự tôn nghiêm, linh thiêng, được các triều đình phong kiến ghi nhận, sắc phong.
Bên cạnh những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật… chùa Trăm Giam còn có những giá trị văn hóa đặc biệt. Đây là ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh, một hình thức chùa đặc sắc chỉ có ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vị Thánh được thờ tại chùa là Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An, một vị thiền sư lỗi lạc từng tu hành tại chùa vào thời nhà Trần.
Nỗ lực phục hồi giá trị của hai “đại danh thắng xứ Đoài”
Hội thảo Khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm – chùa Trăm Gian được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện về giá trị của cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, chính quyền địa phương và các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Sử học Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội…
Hội thảo thảo luận về các nội dung chính gồm: Giá trị văn hóa vật thể; giá trị văn hóa phi vật thể; hệ thống các di sản tư liệu Hán - Nôm hiện lưu giữ tại di tích; giá trị về lịch sử cách mạng, kháng chiến tại di tích chùa Trầm; công tác tu bổ tôn tạo di tích và định hướng trong công tác tu bổ tôn tạo di tích.
Hội thảo cũng đánh giá thực trạng công tác quản lý, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả và nâng cao công tác quản, phát huy giá trị di tích; việc phát huy giá trị cụm di tích gắn với phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm trong chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, hiện tại các giá trị của di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian chưa được khai thác đúng mức, để lãng phí một tài nguyên văn hóa du lịch đặc sắc. Do ảnh hưởng của yếu tố lịch sử, cụm di tích Quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian đã xuống cấp khá trầm trọng.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, cho rằng, dù hàm chứa các mặt giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học hay kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thì cụm di tích chùa Trăm Gian và chùa Trầm cũng chỉ tồn tại dưới dạng tài nguyên du lịch. Muốn có được các sản phẩm du lịch, các tour du lịch có chất lượng, trước hết phải có quy hoạch hoặc dự án tổng thể bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành giá trị của cụm di tích chùa Trầm - chùa Trăm Gian.
GS. sử học Lê Văn Lan nhận xét, hai khu chùa này đang ở tình trạng bị phá hoại ngày càng nghiêm trọng, chưa chấm dứt được. Điển hình là hiện trạng của ngọn núi Trầm. Ngoài ra, cụm di tích này bị “mất tích” nhiều đơn vị (đơn nguyên), công trình, kiến trúc... vốn là tổ hợp làm nên cấu trúc của khu di tích.
GS. Lê Văn Lan đề xuất cần khẩn trương tiến hành việc chỉnh trang, khắc phục bước đầu tình trạng “xuống cấp”, “nhếch nhác” tại hai khu di tích trên. Cùng với đó, Hà Nội cần làm hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với chùa Trầm - chùa Trăm Gian, đệ trình để được xét duyệt có cơ sở chắc chắn được công nhận đúng vào lúc hoàn thành tôn tạo hai dự án, tức là vào năm 2026.