TRONG MỘT PHẦN NGHÌN GIÂY vào ngày 28/4/2020, một đợt sóng vô tuyến mạnh đã quét qua Trái Đất, thắp sáng các kính viễn vọng vô tuyến ở Bắc Mỹ. Giờ đây, các nhà thiên văn đã truy ra nguồn gốc của tín hiệu kỳ lạ này - và kết quả có thể tiết lộ nguyên nhân được tìm kiếm từ lâu của một số tín hiệu vũ trụ bí ẩn nhất từng được ghi lại.
Trong ba nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã xác định vụ nổ là một vụ nổ vô tuyến nhanh (fast radio burst - FRB), một tia sóng vô tuyến cực mạnh kéo dài không quá vài mili giây.
Các kính thiên văn đã từng nhận được những vụ nổ như vậy trước đây, nhưng luôn luôn từ bên ngoài thiên hà của chúng ta. Các nhà nghiên cứu đã tự hỏi trong nhiều năm điều gì có thể gây ra những vụ nổ trong thời gian cực kỳ ngắn nhưng lại có năng lượng khủng khiếp đến vậy, với nhiều suy đoán khác nhau, từ các ngôi sao phát nổ đến các công nghệ của người ngoài hành tinh.
Hiện tại, các nhà khoa học biết được ít nhất một nguồn có khả năng phát ra FRB, đó là một vật thể sao kỳ lạ gọi là sao từ (Magnetar): Một dạng sao neutron trẻ còn sót lại sau khi một ngôi sao lớn phát nổ, với từ trường mạnh đến 10^11 Tesla.
'Khi xem dữ liệu lần đầu tiên, tôi thực sự bất ngờ và về cơ bản là bị 'tê liệt' vì phấn khích', Christopher Bochenek, tác giả chính của một trong những nghiên cứu, cho biết trong một cuộc họp báo.
Sao từ (Magnetar) được cho là một trong những nguồn gốc của FRB. Ảnh: Internet
Tín hiệu mới là chùm sóng vô tuyến nhanh đầu tiên được xác định từ một nguồn cụ thể, mang đến cơ hội duy nhất để nghiên cứu chi tiết một trong những tia chớp vũ trụ năng lượng cực cao này. Nhà vật lý thiên văn Amanda Weltman của Đại học Cape Town (Nam Phi), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: 'Điều này mở ra cơ hội hoàn toàn mới để nghiên cứu những bí ẩn xoay quanh FRB'.
Được phát hiện vào năm 2007, các vụ nổ vô tuyến nhanh (FRB) cực kỳ khó nghiên cứu vì chúng kết thúc quá nhanh. Trong những ngày đầu, một số nhà khoa học nghi ngờ rằng chúng thực sự đến từ không gian chứ không phải là tín hiệu nhận dạng sai từ một nguồn trên Trái Đất, chẳng hạn như lò vi sóng.
Đến năm 2013, việc phát hiện thêm 4 vụ nổ đã xác nhận nguồn gốc vũ trụ của chúng - và làm sâu sắc thêm bí ẩn của chúng. Ba năm sau, các nhà thiên văn công bố phát hiện ra một nguồn lặp lại mà họ có thể lần theo nguồn gốc từ một thiên hà cách Trái Đất hơn 2,6 tỷ năm ánh sáng. Giờ đây, các nhà thiên văn học đã tìm thấy hơn một trăm vụ nổ vô tuyến nhanh, trong số đó có 20 vụ nổ lặp lại.
Bởi vì các vụ nổ quá ngắn, và vì nguồn của chúng quá xa, các nhà vật lý thiên văn đã phải vật lộn để tìm ra nguyên nhân gây ra những vụ nổ vô tuyến dữ dội này.
Và vào ngày 27/4/2020, hai kính viễn vọng không gian của NASA đã thu được các vụ nổ tia X và tia gamma phát ra từ một sao từ (Magnetar) trong Dải Ngân hà có tên SGR 1935 + 2154. Ngày hôm sau, 28/4, kính thiên văn vô tuyến trên mặt đất ở Tây Bán cầu thu được tín hiệu từ cùng một vật thể.
Ảnh minh họa sao từ.
Kính thiên văn CHIME của Canada - được tạo thành từ hơn một nghìn ăng-ten vô tuyến được sắp xếp giống như các ống kim loại khổng lồ - là chiếc đầu tiên phát hiện ra vụ nổ vô tuyến phát ra từ cùng một vùng trời. Nhân viên CHIME ngay lập tức gửi cảnh báo tới những người yêu thiên văn trên toàn thế giới.
Tín hiệu cũng lan truyền qua STARE2, một loạt các kính viễn vọng vô tuyến công nghệ thấp — mỗi kính được làm từ một ống kim loại và hai chảo bánh — trải khắp California và Utah (Mỹ). Bochenek, người thiết kế STARE2 và là người dẫn đầu phân tích STARE2, nói rằng vụ nổ vô tuyến quá dữ dội, về mặt lý thuyết, bộ thu sóng của điện thoại di động 4G có thể đã thu được.
Tín hiệu từ sao từ SGR 1935 + 2154 là vụ nổ vô tuyến năng lượng mạnh nhất từng được ghi lại diễn ra trong thiên hà (Dải Ngân hà) của chúng ta. Nhưng so với các vụ nổ vô tuyến nhanh khác trong vũ trụ, vụ nổ này thực sự yếu, với năng lượng bằng khoảng một phần nghìn của vụ nổ điển hình từ bên ngoài Dải Ngân hà.
'Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể kết luận rằng tất cả các vụ nổ vô tuyến nhanh đều đến từ các sao từ, nhưng chắc chắn, các mô hình của chúng ta có được đến nay thì nhận định: Sao từ là nguồn gốc của các vụ nổ vô tuyến nhanh là rất có thể xảy ra,' Daniele Michilli thuộc CHIME, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ cho biết trong cuộc họp báo.
Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic