Nhà cổ sinh vật học người Đức G.H.R. von Koenigswald lần đầu tiên xác định được loài vượn Gigantopithecus blacki khoảng một thế kỷ trước từ những chiếc răng lớn được bán làm “xương rồng” tại một hiệu thuốc ở Hồng Kông.
Khoảng 2.000 chiếc răng hóa thạch và 4 xương hàm của loài vượn bí ẩn này đã được khai quật trong các hang động ở miền Nam Trung Quốc.
Giờ đây, nghiên cứu mới về hóa thạch và các hang động nơi chúng được tìm thấy đã làm sáng tỏ kịch bản tuyệt chủng của loài Gigantopithecus.
Giáo sư Renaud Joannes-Boyau (Đại học Southern Cross, Australia), đồng tác giả của nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư trên tạp chí Nature, cho biết: “Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều muốn biết về những sinh vật tuyệt vời này và điều gì đã xảy ra với chúng”.
Các tác giả tin rằng loài vật khổng lồ này đã tuyệt chủng từ 295.000 đến 215.000 năm trước, sau khi khí hậu biến đổi rõ rệt theo các mùa và loài linh trưởng ăn thực vật phải vật lộn để thích nghi với sự thay đổi của thảm thực vật.
Trước khi quần thể Gigantopithecus suy giảm do biến đổi khí hậu, loài này đã phát triển mạnh mẽ bắt đầu từ khoảng 2 triệu năm trước trong môi trường rừng phong phú và đa dạng, chủ yếu ăn trái cây, theo giáo sư Kira Westaway (Đại học Macquarie, Australia).
“Khoảng 700.000 hoặc 600.000 năm trước, có những thay đổi lớn về môi trường và trong thời gian đó, chúng ta thấy sự suy giảm về nguồn cung cấp trái cây”, bà Westaway chỉ ra. Loài Giganto đã ăn những thực phẩm ít dinh dưỡng hơn. Chúng tôi có bằng chứng từ việc xem xét cấu trúc răng. Các vết rỗ và vết xước trên răng cho thấy chúng đang ăn thức ăn dạng sợi như vỏ và cành cây từ nền rừng”.
Dòng thời gian chi tiết
Trong gần một thập kỷ, nhóm các nhà khoa học Trung Quốc và Australia đã lấy mẫu trầm tích từ 22 hang động trên một khu vực rộng lớn thuộc tỉnh Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu thu được niên đại chính xác của hóa thạch và trầm tích bằng một số kỹ thuật. Các phương pháp tiên tiến đã giúp nhóm nghiên cứu đưa ra dòng thời gian chi tiết về sự tồn tại của loài 'dã nhân' này.
“Những hang động đầu tiên cách đây 2 triệu năm có hàng trăm chiếc răng, nhưng những hang động mới hơn vào thời kỳ tuyệt chủng chỉ có 3 - 4 răng', giáo sư Westaway nói.
Không có hóa thạch Gigantopithecus nào từ cổ trở xuống được tìm thấy.
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu phân tích dấu vết phấn hoa trong các mẫu trầm tích để hiểu thực vật và cây cối nào chiếm ưu thế trong cảnh quan. Phân tích đồng vị của các nguyên tố như carbon và oxy có trong răng của Gigantopithecus đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu được chế độ ăn của loài vật này có thể đã thay đổi như thế nào theo thời gian.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng loài vượn khổng lồ này không thích nghi tốt với việc thay đổi điều kiện môi trường và biểu hiện căng thẳng mãn tính cũng như số lượng ngày càng suy giảm.
“Chúng tôi có một mốc thời gian chắc chắn hơn nhiều về cuộc đời của chúng và khi chúng tuyệt chủng thay vì dựa trên bằng chứng từ một hoặc hai hang động, chúng tôi đã lấy mẫu tại 22 hang động trên một khu vực rộng và sử dụng 6 kỹ thuật xác định niên đại để đảm bảo rằng mốc thời gian đó chính xác', bà Westaway cho biết.
Giáo sư Westaway và các cộng sự đã đưa ra nhận định rằng loài Gigantopithecus đã lang thang khắp châu Á trong khoảng 2 triệu năm.
Theo các tác giả nghiên cứu, loài vượn khổng lồ chưa bao giờ sống trong hang động. Giáo sư Wang Wei (Viện Di sản Văn hóa thuộc Đại học Sơn Đông, Trung Quốc), cho biết có thể các loài gặm nhấm đã tha xương của loài vượn khổng lồ vào hang.
“Răng hoặc hàm dưới của loài vượn lớn dựa trên bằng chứng hóa thạch đã được tìm thấy đã trải qua một quá trình phân hủy, phong hóa, vận chuyển và lắng đọng cực kỳ phức tạp trước khi chúng được nhúng vào trầm tích hang động', giáo sư Wang giải thích. “Kết quả là, chỉ một số lượng rất nhỏ những phần cứng nhất trên cơ thể Gigantopithecus trở thành hóa thạch trong lịch sử địa chất'.
Do thiếu các hóa thạch không thuộc sọ nên thật khó để biết chính xác Gigantopithecus sẽ trông như thế nào. Răng hàm trên của chúng lớn hơn khỉ đột 57,8% và răng hàm dưới lớn hơn 33%, cho thấy trọng lượng cơ thể của nó là từ 200 đến 300 kg.
Kích thước khổng lồ của loài vượn này cho thấy rất có thể nó sống trên mặt đất, di chuyển bằng nắm tay giống loài khỉ đột. Một phân tích vào tháng 11 năm 2019 về các protein được tìm thấy trong hóa thạch Gigantopithecus cho thấy họ hàng gần nhất còn sống của chúng là đười ươi Bornean.
Homo erectus, tổ tiên đầu tiên của loài người, đã sống ở miền Bắc Trung Quốc và xa hơn về phía nam ở Indonesia, cùng thời điểm loài vượn khổng lồ sống trong các khu rừng mà ngày nay là miền Nam Trung Quốc.
Ông Wang lưu ý rằng tại Bose Basin, gần hang động nơi tìm thấy hóa thạch Gigantopithecus, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một số lượng lớn công cụ bằng đá có niên đại khoảng 800.000 năm trước.
Mặc dù các nhà khoa học không có bằng chứng hóa thạch trực tiếp về việc Homo erectus và loài vượn khổng lồ cùng tồn tại trong khu vực, nhưng có thể tổ tiên loài người này đã có cuộc chạm trán với loài vượn khổng lồ.