Trong Tam Quốc, so với Lưu Bị và Tôn Quyền, Tào Tháo luôn là người có dã tâm lớn, mưu lược, kỹ tính và đa nghi. Tuy nhiên, cuộc đấu trí giữa Tào Tháo và Lưu Bị diễn ra rất sống động. Cả hai là minh chứng cho thấy tham gia vào vũ đài chính trị và xây dựng cơ đồ trong bối cảnh thiên hạ đại loạn là không hề dễ dàng.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Lưu Bị từng lừa được 50.000 quân khỏi tay Tào Tháo và số lượng quân đông đảo này tại sao lại không phản kháng? Rốt cục Lưu Bị đã dùng cách nào để có thể qua mặt Tào Tháo như vậy?
Tào Tháo là người giỏi mưu lược và trọng nhân tài.
Tào Tháo được coi là người giỏi sắp xếp, cực kỳ trọng người tài và rất quan tâm đến điều kiện sống của các quân sĩ dưới trướng của mình. Trong khi đó, Lưu Bị từ tay trắng lập nghiệp, từng phải nương nhờ nhiều nơi và cũng thu phục được không ít nhân tài, trong đó có người kiệt xuất như Gia Cát Lượng.
Nhờ có vị quân sư không những trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, mà còn rất giỏi trong việc thấu hiểu lòng người và binh pháp, nên giúp Lưu Bị từng bước đánh thắng nhiều trận, gây dựng cơ đồ nhà Thục Hán. Đây cũng được coi như là đền đáp tấm chân tình khi Lưu Bị từng 3 lần đích thân đến mời Gia Cát Lượng về giúp mình.
Trong khi đó, đối với Tào Tháo, Gia Cát Lượng trở thành chướng ngại lớn khi không ít lần khiến ông bại trận. Cụ thể, mưu kế 'thuyền cỏ mượn tên' của Gia Cát Lượng từng khiến binh lực của Tào Tháo bị tổn thất nghiêm trọng, đồng thời để lại một nỗi sỉ nhục lớn đối với vị quân chủ này.
Sở dĩ chiến thắng trận này là do Gia Cát Lượng đã nắm được điểm yếu của Tào Tháo, đoán được tiếp theo Tào Tháo sẽ làm gì, từ đó mới thành công khiến vị quân chủ này rơi vào bẫy.
'Vũ khí' giúp Lưu Bị qua mặt được Tào Tháo
Lưu Bị có thể qua mặt Tào Tháo nhờ tài ăn nói.
Xét về sự đa mưu túc trí, Lưu Bị có thể thua xa Gia Cát Lượng. Nhưng xét về tài ăn nói, Lưu Bị quả thực có phần vượt trội hơn vị quân sư kiệt xuất của mình. Chính nhờ tài ăn nói đặc biệt này đã giúp Lưu Bị không ít lần hóa nguy thành an và từng bước có được những thành tựu vững chắc trong sự nghiệp.
Năm xưa, Lưu Bị vốn là người ở dưới trướng của Tào Tháo. Chính vì là người có tài ăn nói, kiểu gì cũng có thể nói được, nên khiến Tào Tháo tin rằng Lưu Bị có thể làm được việc cho mình. Bởi Tào Tháo vốn là người rất trọng nhân tài.
Tuy nhiên, tham vọng của Lưu Bị quá lớn, nên dù ngoài mặt làm việc cho Tào Tháo, nhưng thực chất lại ngầm lên kế hoạch cho riêng mình. Cuối cùng, Lưu Bị gây dựng lực lượng và trở thành vật cản lớn để có thể đối đầu với Tào Tháo. Đến đây có thể thấy năng lực và tài năng của Lưu Bị là không thể xem thường.
Năm 197, Viên Thuật, một vị quan nhà Đông Hán, chính thức xưng làm hoàng đế, tự xưng là Trọng Gia, đóng đô ở Thọ Xuân, thuộc quận Cửu Giang. Vì Viên Thuật xưng đế trong khi nhà Đông Hán vẫn còn, nên trở thành mục tiêu thảo phạt của rất nhiều chư hầu. Đương nhiên Tào Tháo cũng không nằm ngoại lệ.
Lưu Bị từng lừa được 50.000 quân khỏi tay Tào Tháo.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, đến năm 199, Tào Tháo cử Lưu Bị mang 50.000 quân, cùng Chu Linh và Lộ Chiêu ra đón đánh Viên Thuật ở đường lớn Từ Châu. Do thực lực rất yếu nên Viên Thuật bị Lưu Bị đánh bại và phải quay về. Sau đó, trên đường về, Viên Thuật lâm bệnh nặng rồi qua đời.
Tuy nhiên, sau khi thấy Viên Thuật đã chết, Lưu Bị trình báo cho triều đình và đưa thư cho Tào Tháo biết, đồng thời sai Chu Linh, Lộ Chiêu trở về Hứa Đô, còn số lượng binh lính thì cho lưu lại để giữ Từ Châu.
Lưu Bị đã quyết định phản bội Tào Tháo. Đương nhiên, khi hay tin, Tào Tháo cũng phái người đến ám sát Lưu Bị. Thế nhưng, trước khi phản bội, Lưu Bị cũng đã khéo léo thiết lập quan hệ thân thiết với các tướng lĩnh của Tào Tháo.
Bằng sự khéo léo trong ăn nói, Lưu Bị thuyết phục thành công những thuộc hạ xung quanh Tào Tháo, khiến họ tin rằng mối quan hệ của ông và Tào Tháo vẫn rất tốt. Điều này khiến họ từ bỏ việc ám sát, Lưu Bị vì thế mà cũng thoát chết trong gang tấc.
Những binh sĩ của Tào Tháo khi ấy đều tưởng rằng Lưu Bị là tông thất của nhà Hán. Hơn nữa họ không thực sự làm việc cho Tào Tháo, thay vào đó là phục vụ cho triều đình nhà Hán. Do đó, đương nhiên những binh lính này sẽ không lật đổ Lưu Bị.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Lưu Bị và Tào Tháo chính là việc Tào Tháo dùng uy thế của mình để khiến những người hầu cận phải phục tùng mình và không dám chống lại. Trong khi Lưu Bị giương cao ngọn cờ nhân nghĩa để thu phục nhân tâm và khiến họ phải phục tùng.