Theo đó, các nhà nghiên cứu mới đây đã phục dựng thành công chân dung của người đàn ông sống cách đây hàng chục nghìn năm dựa trên bộ hài cốt được tìm thấy tại một hang động ở Pháp.
Cụ thể, năm 1908, một nhóm tu sĩ Thiên Chúa giáo đã phát hiện ra hài cốt của một người đàn ông được chôn cất ở bên trong hang động tại tỉnh La Chapelle-aux-Saints, thuộc vùng trung nam của nước Pháp.
Bộ xương này gần như hoàn chỉnh khi chỉ thiếu vài chiếc răng và được giới nghiên cứu đặt biệt danh là 'ông già'. Tuy nhiên, sau khi tiến hành kiểm tra, các nhà khoa học tiết lộ bộ hài cốt nà không phải là người hiện đại (Homo sapiens). Thay vào đó, đây là hài cốt của người Neanderthal, loài người cổ xưa đã tuyệt chủng cách đây khoảng 40.000 năm.
Theo trang eFossils.com của Khoa nhân chủng học thuộc ĐH Texas ở Austin (Mỹ), bộ hài cốt này có nhiều đặc điểm nổi bật của người Neanderthal, chẳng hạn như cung lông mày lớn quá cỡ, nền sọ phẳng, hốc mắt to.
Đến nay, sau 115 năm, các họa sĩ pháp y đã tạo ra ước đoán gương mặt kỹ thuật số của người đàn ông Neanderthal này là khoảng 40 tuổi. Điều này giúp hình dung về diện mạo của ông khi sống vào khoảng từ 47.000 – 56.000 năm trước. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành công bố về hình ảnh phục dựng ở một hội thảo do Bộ Văn hóa Italy tổ chức vào hồi tháng 10.
Người Neanderthal có nhiều đặc điểm nổi bật như đầu to, lông mày rậm... Ảnh: Nature
Hình ảnh người đàn ông cách đây 47.000 năm vô cùng chân thực
Để ước tính gần đúng khuôn mặt, họa sĩ pháp y đã sử dụng bản chụp cắt lớp vi tính (CT) có sẵn của hộp sọ và sau đó nhập các số đo dọc theo mặt phẳng nằm ngang Frankfort (đây là một đường chạy từ đáy hốc mắt tới đỉnh lỗ tai) dựa trên một hộp sọ lấy từ cơ sở dữ liệu của người hiến tặng. Điều này đã cung cấp cho các chuyên gia bộ khung cần thiết để tạo ra hình dáng của khuôn mặt.
Các họa sĩ pháp y đã sử dụng điểm đánh dấu độ dày mô mềm ở người hiến tạng còn sống nhằm xây dựng làn da và cơ của người đan ông Neanderthal. Các chuyên gia làm nổi bật hình ảnh phục dựng để trông sống động hơn bằng cách thêm các chi tiết như màu sắc cho da và tóc.
Hình ảnh phục dựng người đàn ông sống cách đây 47.000 năm. Ảnh: Cícero Moraes
Đồng tác giả nghiên cứu Cícero Moraes, một chuyên gia đồ họa người Brazil, cho biết: 'Chúng tôi tạo ra hai hình ảnh, một hình ảnh khách quan hơn với phần ngực có tông màu nâu đỏ. Một hình ảnh khác có tính suy đoán nhiều hơn với bộ râu và tóc. Hình ảnh phục dựng cho thấy rằng người Neanderthal trông khá giống con người, nhưng đồng thời họ cũng khác biệt với nhiều đặc điểm kỳ lạ chẳng hạn như không có cằm'.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia cố gắng mô phỏng khuôn mặt của người Neanderthal. Nhưng các bản phục dựng không chính xác trước đây cho thấy hình ảnh giống với loài linh trưởng.
Điều mới lạ là các nhà nghiên cứu đã sử dụng kết quả đo kỹ thuật số ảnh scan CT để giúp tăng độ chính xác khi phục dựng. Phương pháp này cũng cung cấp hiểu biết mới về người Neanderthan, họ hàng gần gũi với người hiện đại.
Người Neanderthal đã tuyệt chủng cách đây 40.000 năm. Ảnh: NHM
Theo các nhà khoa học, hóa thạch của người Neanderthal được phát hiện lần đầu tiên tại thung lũng Neanderthal (Đức). Giới khoa học từng cho rằng người Neanderthal chỉ sinh sống ở khu vực châu Âu trong kỷ băng hà cuối cùng. Tuy nhiên, một nghiên cứu của ĐH Washington vào năm 2015 chỉ ra rằng, người Neanderthal có thể đã di chuyển xa hơn về phía đông và họ chung sống cùng với người hiện đại ở đó lâu hơn so với những gì mà các nhà khoa học từng nghĩ.
Đặc biệt, các bằng chứng khảo cổ cho thấy rằng, người Neanderthal có thân hình săn chắc, khỏe mạnh, đồng thời có nhiều kỹ năng như bện sợi và đan lưới, săn bắt…
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences vào tháng 5/2021, người Neanderthal còn có hộp sọ to hơn cả người Homo sapiens. Nghiên cứu chỉ ra rằng chính việc tiêu thụ nhiều tinh bột đã khiến bộ não của người Neanderthal phát triển một cách nhanh chóng và thực tế là đã tăng gấp đôi kích thước chỉ trong 200.000 năm. Thói quen ăn nhiều tinh bột này cũng được duy trì ở loài người hiện đại.