Trung tâm Minh Hiếu lăng nhìn từ trên cao (Ảnh: 024qianzheng)
Minh Hiếu lăng là nơi hợp táng của vị Hoàng đế sáng lập triều Minh, Minh Thái Tổ (1328 – 1398) hay thường được biết đến với cái tên Chu Nguyên Chương, cùng vợ ông, Mã Hoàng hậu. Lăng mộ tọa lạc ở chân núi Tử Kim, ngoại ô thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Cái tên Minh Hiếu lăng gắn với thụy hiệu của vị hoàng hậu được chôn cất là Hiếu Từ Cao Hoàng hậu (Mã Hoàng hậu), ngoài ra, nhà Minh cũng chủ trương lấy chữ 'hiếu' bình thiên hạ nên chọn cái tên này cho lăng mộ.
Theo Baike, lăng mộ được khởi công năm Hồng Vũ thứ 14 (năm 1381), huy động 10 vạn người xây dựng liên tục trong 25 năm. Tới năm 1405, công trình hoàn thành với tổng diện tích 1,7 triệu mét vuông, trở thành một trong những lăng mộ hoàng gia lớn nhất Trung Quốc.
Lăng mộ được chia làm hai phần bao gồm: Các công trình lộ thiên và cung điệm ngầm nằm sâu dưới lòng đất.
Cổng chính của lăng mộ. (Ảnh: ZOL)
Theo Cổng thông điện tử Chính phủ Trung Quốc Gov.cn, phần Hiếu lăng trên mặt đất có quy mô tráng lệ với nhiều gian nhà nối liền nhau, cùng hưởng hương khói từ đại sảnh. Nơi đây xây dựng 70 ngôi chùa, trồng gần 100.000 cây tùng cổ thụ và nuôi 1.000 con hươu tượng trưng cho sự trường thọ của vị Hoàng đế nhà Minh.
Bao quanh khu vực là bức tường thành với tổng chu vi 22,5 km, tuy nhiên, trải qua nhiều cuộc chiến tranh những bức tường bao và công trình trên mặt đất bị tàn phá nghiêm trọng, duy chỉ còn hệ thống cung điện ngầm là còn nguyên vẹn.
Từ năm 1997, các nhà khảo cổ đã sử dụng phương pháp thăm dò từ để đo đạc cung điện dưới lòng đất của Hoàng đế Chu Nguyên Chương, kết quả cho thấy cung điện rộng 4.000 mét vuông được xây hoàn toàn bằng đá.
Lối vào cung điện ngầm được các nhà khảo cổ tìm thấy. (Ảnh: Sohu)
Theo Baike, công trình ngầm của Hiếu lăng được mệnh danh là 'thành phố kho báu' chôn cất nhiều vàng bạc, ngọc bích, áo hoàng bào, gấm lụa... Với vị thế của hoàng đế sáng lập một triều đại, các nhà sử học tin rằng báu vật trong được chôn theo ông phải tới hàng ngàn tấn.
Theo truyền thuyết, sau lễ an táng của Chu Nguyên Chương, 13 chiếc quan tài giống hệt nhau đã đi theo xe ngựa ra khỏi 13 cổng thành của Nam Kinh, không ai biết đâu mới là quan tài thật của ông. Hoàng đế làm điều này để tránh những kẻ mộ tặc xâm phạm nơi an nghỉ của mình.
Bảo vệ 'thành phố kho báu' dưới lòng đất
Trong hơn 600 năm tồn tại, quả thật, chưa một mộ tặc nào đột nhập thành công vào cung điện ngầm của Hiếu lăng. Để bảo vệ 'thành phố kho báu' chôn theo mình, Hoàng đế đã thiết kế kiến trúc cung điện ngầm cực kỳ phức tạp, đặt nhiều cạm bẫy thách thức mộ tặc.
Đầu tiên, Hiếu lăng có địa hình tựa núi. Phần chìm của lăng mộ được đào ngang ngọn núi đá cứng. Cách làm này cực kỳ khó khăn cho những người thợ nhưng lại tối đa hóa tính toàn vẹn của cung điện ngầm, đồng thời khéo léo giấu đi lối vào của phần lăng dưới mặt đất.
Nhìn vào sơ đồ lăng mộ được công bố năm 1998, người ta dễ dàng nhận ra lý do tại sao cung điện ngầm vẫn còn toàn vẹn tới ngày nay.
Sơ đồ lăng cung điện ngầm được lập bằng phương pháp thăm dò từ. (Ảnh: Toutiao)
Lối vào cung điện không chạy thẳng từ tòa nhà chính mà lệch sang phía tây, tạo thành một đường cong. Con đường này khác hoàn toàn với kỳ vọng của các mộ tặc. Nếu không có các thiết bị thăm dò tiên tiến thì khả năng tìm thấy đường vào cung điện ngầm là một số không tròn trĩnh.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lối vào được xây dựng như vậy không phải cố ý mà là do địa chất khu vực. Đất đá ở phía đông ngọn núi cấu tạo chủ yếu từ thạch anh trong khi phía tây là đá cuội.
Xét về độ cứng thì thạch anh cứng hơn đá cuội rất nhiều nên khi thi công, có thể những người thợ bắt đầu đào từ mặt đá thạch anh sau đó cảm thấy quá khó khăn nên đổi hướng sang phía tây để đào mặt đá cuội.
Ngoài ra, lăng mộ này còn tồn tại một 'vũ khí chống trộm' khiến các nhà khảo cổ trầm trồ với cái tên 'bẫy cát lún'. Bẫy thường được đặt ở cửa và các điểm bất kỳ trên đường vào trung tâm lăng mộ để ngăn mộ tặc xâm nhập từ nhiều phía.
Bẫy cát lún là vũ khí tối thượng chôn vùi bất kỳ kẻ nào đột nhập vào lăng mộ. (Ảnh: Sohu)
Khi tìm đường vào trong, mộ tặc dễ dàng đào nhầm vào bẫy cát. Lúc này, cát trộn cùng những viên đá nặng từ vài kilogam tới cả trăm kilogam sẽ ào ào chảy xuống như dòng nước, nhấn chìm mộ tặc.
Chỉ trong thời gian ngắn, lượng cát lưu động này sẽ lấp kín lối vào, đường hầm cũng có thể sập xuống và những kẻ cố ý làm phiền giấc ngủ Hoàng đế sẽ trở thành thi thể tuẫn táng cùng lăng mộ mãi mãi.
Bài viết tham khảo từ: 'Minh Thái Tổ thực ký' của tác giả Dương Sĩ Kỳ, Gov.cn, Baike.