1. Gấu koala có vân tay giống người
Chính xác, dấu vân tay của koala giống con người đến nỗi các chuyên gia cũng gặp khó khăn khi phân biệt. Theo Live Science, koala không phải loài duy nhất có dấu vân tay, tinh tinh và khỉ đột cũng có. Nhưng, dấu vân tay của koala dường như phát triển độc lập với các loài cùng tổ tiên. Những loài thú có túi khác như kangaroo (chuột túi) và wombat (gấu túi mũi trần) lại không hề có vân tay.
Koala không phải loài duy nhất có dấu vân tay, tinh tinh và khỉ đột cũng có. (Ảnh: Pixabay)
Các nhà khoa học đã tranh cãi nhiều lần về mục đích của việc ngón tay có dấu vân tay ở gấu koala. Sau đó, các nhà giải phẫu học tại Đại học Adelaide (Australia) đã đưa ra câu trả lời cho băn khoăn này. Họ cho rằng koala thường leo lên các nhánh cây để tìm thức ăn, chúng thường có động tác như vươn ra, túm lấy nắm lá rồi đưa chúng vào miệng. Do đó, dấu vân tay hình thành là cách thích ứng cơ sinh học tốt nhất để giúp chúng nắm bắt dễ dàng hơn.
2. Rái cá nắm tay nhau khi ngủ
Loài vật được nhắc đến ở trên đây là loài rái cá biển, thế nhưng tại sao chúng lại làm như vậy? Rái cá biển thường nắm chặt tay nhau tạo thành 1 'cái bè' để tránh bị sóng biển cuốn trôi và tách rời khỏi đàn khi chúng ngủ trên mặt nước. Một cái 'bè' như vậy thường có từ 2 cho đến cả trăm chú rái cá cùng nắm tay nhau kết lại. Ngoài việc tránh bị sóng biển cuốn xa bờ, rái cá nắm tay nhau còn xuất phát từ nỗi sợ mất đi các thành viên gia đình trong lúc ngủ và lúc nằm thư giãn trên mặt biển.
Rái cá biển thường nắm chặt tay nhau tạo thành 1 'cái bè' để tránh bị sóng biển cuốn trôi. (Ảnh: Pixabay)
Một lý do khác mà rái cá thích nắm tay nhau là bởi rái cá đực sợ rằng con đực khác sẽ cướp mất bạn tình của mình. Đặc biệt, sự cạnh tranh tìm bạn tình sẽ tăng cao nhất là vào mùa sinh sản. Lý do cuối cùng, rái cá nắm tay nhau là một cách để bảo vệ trước sự tấn công của các loài săn mồi và con người. Lông rái cá được cho là rất đắt đỏ nên chúng thường bị săn bắt ở nhiều nơi. Vì vậy, chúng nắm tay thả trôi xa bờ biển nhằm gây khó khăn cho các tay thợ săn bắt chúng.
3. Bò càng nhiều bạn thì càng vui
Trong thế giới tự nhiên, các loài động vật xu hướng chọn 2 loại hình thức sinh sống chủ yếu nhất là: Sống đơn độc và sống theo bầy đàn. Bò là một loài vật sống bầy đàn. Chúng càng có nhiều bạn thì càng ít bị căng thẳng.
Bò càng có nhiều bạn thì càng ít bị căng thẳng. (Ảnh: Pixabay)
Ngoài ra, tập tính sống theo đàn của bò là để giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau. Bò cũng giống như con người, chúng có nhu cầu kết giao với các thành viên trong đàn và tránh những động vật lạ mặt ở bên ngoài tấn công. Khi gặp kẻ thù, những con cái và con non dễ bị thường tập trung lại một chỗ, còn những con đực khỏe mạnh đứng vòng ngoài nhằm thách thức kẻ thù.
4. Gấu trúc Bắc Mỹ rửa đồ trước khi ăn
Gấu trúc Bắc Mỹ có thói quen rửa thức ăn trước khi ăn. (Ảnh: Pixabay)
Gấu trúc Bắc Mỹ có thói quen hết sức kỳ lạ là rửa thức ăn trước khi ăn, nếu không tìm thấy nước chúng sẽ dùng tay lau sạch món ăn đó. Các nhà khoa học cho biết chúng rửa thức ăn để loại bỏ những nguy hiểm có trong thức ăn như xương hay những thứ sắc nhọn.
5. Cá heo gọi nhau bằng tên
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, thì trừ con người, cá heo là loài động vật duy nhất có thể gọi 'tên' nhau. Sự khác biệt giữa cá heo và con người là chúng liên lạc bằng những tiếng kêu riêng biệt. Cá heo sẽ kêu đáp lại khi nghe đồng loại nhại tiếng kêu của mình.
Trừ loài người, cá heo là loài động vật duy nhất có thể gọi 'tên' nhau. (Ảnh: Pixabay)
Tác giả Stephanie King đến từ Đại học St. Andrews và các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu âm thanh của nhiều con cá heo hoang dã xung quanh vịnh Sarasota, Florida, nước Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 1984-2009. Họ cho biết, mỗi con cá heo phát ra tiếng kêu để thông báo sự hiện diện của nó, tiếng kêu giúp những cá thể phát hiện ra nhau trên ở khoảng cách lên tới 20 km tùy thuộc vào độ sâu của nước biển và tần số của âm thanh chúng phát ra. Cá heo cũng chỉ đáp lại khi nghe tiếng kêu đặc trưng của bầy đàn của mình.
*Bài viết được tổng hợp từ NewScientist, Euronews, The Needling.