Bức tượng 'A Slave' vào thế kỷ thứ 16. (Ảnh: Bảo tàng Victoria và Albert)
Họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư thời kỳ Phục hưng Italy Michelangelo được cho là đã tạo ra tác phẩm tượng sáp này trước khi sáng tác một tác phẩm điêu khắc lớn hơn mà ông dự kiến làm cho Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican. Tuy nhiên, tác phẩm điêu khắc lớn hơn đã không bao giờ được hoàn thành và hiện mô hình này thuộc về Bảo tàng Victoria và Albert (V&A) ở London, Anh.
Được đặt tên là 'A Slave', bức tượng sáp đã được đặt tại một phòng trưng bày. Tuy nhiên, trong mùa xuân ấm áp bất thường vào năm 2020, bức tượng này đã được chuyển từ một phòng trưng bày cấp cao đến một khu vực bảo quản mát hơn trong lúc bảo tàng phải tạm thời đóng cửa vì đại dịch COVID-19, theo báo The Times. Khoảng 5 tháng sau, những người phụ trách kiểm tra bức tượng đang được lưu giữ và họ nhận thấy có một dấu vân tay, hoặc dấu vân tay chưa từng được nhìn thấy trên bức tượng điêu khắc.
Các học giả nghệ thuật nói với tờ The Times, có lẽ tình trạng thay đổi nhiệt độ và độ ẩm đã dẫn đến sự thay đổi thành phần sáp của bức tượng, khiến dấu vân tay in lên bức tượng trở nên rõ ràng hơn. Họ cho rằng, Michelangelo đã tạo ra tác phẩm điêu khắc này và do đó, đây có thể dấu vân tay là của ông.
Bà Peta Motture, người phụ trách cao cấp của V&A, cho biết: 'Thật là một viễn cảnh thú vị khi một trong những dấu vân tay của Michelangelo có thể tồn tại trong sáp. Những dấu hiệu như vậy sẽ gợi ý sự hiện diện vật chất của quá trình sáng tạo của một nghệ sĩ. Đó là nơi mà trí óc và bàn tay bằng cách nào đó kết hợp với nhau'.
Michelangelo đã phá hủy nhiều mô hình tượng sáp của mình trước khi chết, bà Motture nói. Trên thực tế, ngay trước khi qua đời ở tuổi 88 tại Rome vào năm 1564, Michelangelo đã đốt nhiều bản vẽ và giấy tờ của mình. Ông đã đốt những bức vẽ khác vào năm 1518, theo tờ The New York Times. Hiện không rõ lý do tại sao ông lại ra lệnh đốt các tác phẩm của mình, nhưng nhà viết tiểu sử thời kỳ Phục hưng Giorgio Vasari cho rằng, có thể Michelangelo không muốn mọi người biết nỗ lực cao độ mà ông đã bỏ ra cho tác phẩm của mình, vì ông muốn bản thân xuất hiện trong mắt người khác như một thiên tài với các tác phẩm hoàn hảo. Bên cạnh đó, có lẽ Michelangelo đã đốt tác phẩm của mình để ngăn chặn việc đạo nhái.
Dấu vân tay in trên bức tượng. (Ảnh: Bảo tàng Victoria và Albert)
Bà Motture cho biết, có rất nhiều tác phẩm của Michelangelo đã bị phá hủy, do đó, 'dấu vân tay sẽ là mối liên hệ trực tiếp với nghệ sĩ' tài hoa này. Điều này có thể được thể hiện trên nhiều kiệt tác của Michelangelo, bao gồm bức tranh Nhà nguyện Sistine, bức tượng Pietà (tượng đức mẹ sầu bi) và tượng David hiện đang được trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng.
Khi ở Florence, Italy, Michelangelo đã nặn bức tượng cao 17,6 cm vào khoảng thời gian từ năm 1516 đến năm 1519. Sau đó, ông sử dụng bức tượng này làm hình mẫu để tạo ra bức tượng bằng đá cẩm thạch 'Young Slave', đang dang dở. Bức tượng lớn hơn này được thiết kế cho lăng mộ của Giáo hoàng Julius II. Tuy nhiên, thiết kế lăng mộ của giáo hoàng sau đó đã được thay đổi và cho đến nay, bức tượng chưa được hoàn thành. Bức tượng dang dở này có một vài điểm khác biệt so với mẫu trước đó hiện đang được lưu giữ tại phòng trưng bày Accademia ở Florence, theo V&A.
Tượng 'A Slave' được Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí tại Marlborough House mua lại vào năm 1854, sau này do V&A sở hữu. Vào năm 1924, một người tham quan đã ngã vào bức tượng, khiến tượng bị đổ và vỡ phần chân và tay. Nhân viên chuyên môn của bảo tàng đã cẩn thận ghép các mảnh vỡ lại với nhau và sửa chữa bức tượng 'khá tuyệt vời', Victoria Oakley, một nhà bảo quản tại V&A, nói với The Telegraph. Tuy nhiên, sau sự cố trên, các chất phụ gia mà nghệ sĩ, có lẽ là Michelangelo, ngâm trong sáp bắt đầu thấm ra, tạo ra một vết đen trên bề mặt tượng.
Để kiểm tra và xác nhận rằng dấu vân tay, có thể là ngón tay cái in trên mặt sau bức tượng liệu có thực sự là của Michelangelo hay không, nhân viên V&A dự định so sánh nó với dấu vân tay trên một bức tượng đất nung năm 1530 mang tên 'Hai đô vật', được cho là có dấu vân tay của Michelangelo.