Tự sinh 4 người con trên sông
Đồng hồ điểm 12h, 2 người con Lê Văn Tuấn (SN 1993), Lê Văn Tú (SN 1996) của chị Nguyễn Thị Tịu (SN 1975) chèo thuyền đánh cá trở về. Chị Tịu đang cặm cụi nấu cơm liền cất tiếng: “Mẹ vừa nấu cơm, tí nữa mới được”.
Nghe mẹ nói vậy, 2 con vội chèo thuyền tới đoạn sông trước nhà, tranh thủ lặn tìm sắt vụn.
‘Xóm chài’ nép mình dưới chân cầu Cửa Tiền 1. Ảnh: TT
Nhìn về phía di ảnh người chồng ở góc thuyền, chị Tịu cho biết, chồng chị qua đời từ 4 năm trước vì mắc căn bệnh hiểm nghèo. Chị có 5 người con, 4/5 đứa con ấy được sinh nở trên thuyền, tất cả đều phát triển khoẻ mạnh.
“Ngày sinh thằng Tuấn (đứa con đầu lòng - PV), tôi nhờ chồng đến gọi bà đỡ gần nhà. Sau gần một tiếng ‘vượt cạn’, đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc của vợ chồng”, chị tâm sự.
Chị Tịu vui vẻ vì những đứa con của mình đều ngoan và khoẻ mạnh. Ảnh: QH
Theo chia sẻ của chị Tịu, đứa con đầu đẻ trên thuyền nên đứa thứ hai chị không sợ nữa. Trong một lần khác sinh con, không tìm được bà đỡ, thấy hàng xóm đi trên bờ, chồng chị liền gọi vào đỡ đẻ. Việc sinh con tại thuyền, tự đỡ đẻ cho nhau là việc đã quá quen của những người phụ nữ ‘xóm chài’.
Ở ‘xóm chài’ chuyện thất học của người lớn, kể hoài không hết. Đáng buồn là đám trẻ em ở đấy giờ cũng “nối nghiệp” mù chữ của cha ông. Chị Tịu đã chẳng thể nhớ 5 đứa con của mình học đến lớp mấy.
Trăm thiếu, nghìn khổ trên sông
“Xóm chài” có 7 hộ gia đình với hơn 30 nhân khẩu. Mỗi hộ đều sống trên một con thuyền được làm từ vật liệu đơn giản. Trên thuyền là những vật dụng thô sơ. Trong số 7 hộ đó, có 4 hộ là anh em, sống liền nhau, còn 3 hộ khác neo thuyền ở cách đó không xa.
Đón cô con gái út học lớp 1 trở về “ngôi nhà di động”, anh Hoàng Vựng (SN 1978) nhanh tay cùng vợ Nguyễn Thị Thành (SN 1980) chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình.
Trước lời đề nghị được tìm hiểu về cuộc sống của các hộ dân ‘xóm chài’, anh Vựng tỏ vẻ ái ngại và dè dặt, nhưng rồi câu chuyện cũng bắt đầu từ ngay chính gia đình anh.
Anh Vựng trải lòng về cuộc sống nơi đất khách. Ảnh: QH
Tổ ấm gia đình 3 thế hệ của anh Hoàng Vựng. Ảnh: TT
Chỉ tay về phía căn nhà dựng tạm trên bờ sông, Anh Vựng cho biết, nhà bị sập từ đợt lũ năm ngoái nên gia đình chuyển xuống ở hẳn dưới thuyền. Tổ ấm của anh Vựng đơn giản chỉ là con thuyền nhỏ rộng gần 20m2.
Nhìn quanh dễ dàng nhận thấy chiếc ti vi, tủ lạnh, quạt điện là tài sản lớn nhất của gia đình.
Bản thân anh Vựng không nhớ đã về ở đây từ năm bao nhiêu. Trong kí ức của anh, từ khi còn nhỏ, bố mẹ rời quê ở tỉnh Quảng Bình phiêu bạt khắp nơi và sinh sống bằng nghề đánh cá. Hơn 35 năm trước, gia đình quyết định neo thuyền lại trên dòng sông Vinh sinh sống.
Thời kỳ đầu, do chưa xin được dẫn điện từ các hộ dân hai bên bờ sông, buổi tối mọi sinh hoạt của 3 thế hệ trên thuyền phụ thuộc vào chiếc đèn dầu.
“Những năm 90 của thế kỷ trước, nơi đây chỉ là bãi đất trống, dân cư thưa thớt. Thời điểm đó, nước sông Vinh trong xanh, sạch lắm, tất cả mọi sinh hoạt từ ăn, uống đến tắm giặt đều sử dụng từ sông”, anh Vựng tâm sự.
Nguy cơ ô nhiễm, bệnh tật luôn rình rập ‘xóm chài’. Ảnh: QH
Trước sức ép của tốc độ đô thị hoá và mật độ dân cư sống hai bên bờ sông gia tăng nhanh chóng trong khi ý thức của người dân chưa cao, tình trạng vứt rác thải, nước sinh hoạt từ các phường đổ dồn về sông Vinh, dòng sông xanh ngày nào giờ đã đổi màu đen.
Đang nấu ăn trong bếp, chị Thành than thở, vào mùa hè khi nước sông cạn, mọi sinh hoạt đều trở nên khó khăn hơn do không có nước để tắm rửa, đó là chưa kể đến việc rác thải ứ đọng dưới lòng sông bốc mùi hôi thối, bệnh tật đeo bám.
“Con cá lớn đem bán, con nhỏ phục vụ trong gia đình. Lượng cá tôm đánh bắt hàng ngày của mỗi hộ trị giá chỉ trên dưới 200.000 đồng. Tiền dành dụm và thu nhập hàng ngày đều đổ hết vào thuốc thang và mua nước sạch sinh hoạt”, chị Thành nói.
Tương lai sẽ đi về đâu?
Tròng trành như chính con thuyền neo đậu trên sóng nước, qua bao năm tháng mưu sinh, cuộc sống của những hộ dân ‘xóm chài’ bám trụ nơi bờ bãi sẽ phải dời đi nơi khác để địa phương thực hiện dự án khu đô thị và cải tạo bờ sông Vinh. Tương lai đi đâu, về đâu với họ hiện vẫn là ẩn số.
Nhắc tới chuyện di dời, chị Tịu, anh Chức, anh Vựng cũng như các hộ dân nơi đây lòng nặng trĩu. Thế nhưng họ hoàn toàn nhất trí với chủ trương của địa phương, sẵn sàng dời đi khi có yêu cầu.
Tương lai những con thuyền này sẽ chẳng biết trôi dạt về đâu. Ảnh: TT
Chủ tịch UBND phường Vinh Tân (TP Vinh), Nguyễn Hoàng Mạnh cho biết, phường luôn quan tâm, hỗ trợ các hộ dân sinh sống dưới chân cầu Cửa Tiền 1 (thuộc khối Yên Hạ).
Năm nào, địa phương cũng thăm hỏi, tặng quà, tạo mọi điều kiện để các cháu đến trường. Vào các đợt mưa bão, phường vận động đưa họ đến nơi an toàn, cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết.
Theo ông Mạnh, năm 2005, tỉnh Nghệ An phối hợp với tỉnh Quảng Bình đưa họ về quê. Phía Quảng Bình đã cấp đất để họ ổn định cuộc sống, nhưng 1 năm sau đó, vì không biết làm gì để mưu sinh nên họ quay trở lại đây.
“Chúng tôi rất đồng cảm với hoàn cảnh của họ nhưng vì họ là người ở nơi khác đến, không có hộ khẩu ở đây nên không thể bố trí nơi ở. Phường đã đề xuất với chủ đầu tư dự án, đơn vị này đã hỗ trợ một khoản kinh phí cho người dân. Nhưng rồi không biết họ sẽ đi về đâu…”, ông Mạnh tâm sự.
Chỉ mong, những phận người trên sông Vinh đang hiện hữu sẽ chia sẻ hoặc đặc cách từ chính quyền tỉnh Nghệ An vào cuộc giúp đỡ những con người "trăm thiếu, nghìn khổ" ở trên.