Chương trình Góc nhìn văn hóa ngày 10/4 đề cập tới một vấn đề gây nhức nhối thời gian qua trên các nền tảng mạng xã hội, đó là sự hoành hành của những đối tượng giang hồ mạng. Các cơ quan chức năng xử lý nhóm giang hồ này thì nhóm khác xuất hiện trên không gian số với những hành vi phản văn hóa, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Trước đây, các đối tượng giang hồ mạng chủ yếu xuất hiện các nền tảng như Youtube, Facebook thì ba năm gần đây, những đối tượng này đã tràn lan trên Tiktok, nền tảng đang có hơn 50 triệu người dùng tại Việt Nam. Nền tảng này cho phép các chủ tài khoản livestream nhiều người, vì vậy nhiều giang hồ mạng đã liên tục livestream, cố tình tạo mâu thuẫn, kịch tính, công kích chửi bới nhau, thách đấu trên mạng để đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của người xem, đặc biệt là giới trẻ. Điều đáng lo ngại là những phát ngôn, hành vi phản văn hóa, cổ suy bạo lực, kiếm tiền bất chấp pháp luật lại thu hút hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt theo dõi, lượt yêu thích và được chia sẻ chóng mặt. Các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn khi xử lý những hiện tượng sai lệch này qua hình thức livestream.
"Những nội dung ngắn về những vấn đề phản cảm hay giang hồ mạng thì vẫn đang được chúng tôi xử lý theo hướng phát hiện, ngăn chặn kịp thời, đồng thời xử lý đối tượng cung cấp. Cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể đủ nhân lực, công cụ kỹ thuật để rà quét toàn bộ, nhất là trên các nền tảng có hệ thống livestream vì nó theo thời gian thực và rất nhiều", ông Lê Quang Tự DO – Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Trong khi cơ quan quản lý gặp khó khăn phát hiện và xử lý vi phạm, bản thân nền tảng Tiktok cũng chưa có biện pháp gì cụ thể thì hàng ngày, hàng giờ, các giang hồ mạng vẫn xuất hiện nhan nhản, phát tán nội dung xấu độc. Với người trưởng thành, nếu vô tình gặp phải các clip này thì họ có thể bỏ qua không xem, đó là quyền năng của người dùng mạng xã hội. Nhưng với các em nhỏ tuổi, tuổi mới lớn, tâm hồn còn non nớt, nhận thức chưa chín thì sao? Nhiều em giờ đã quen với những cái tên giang hồ mạng.
"Sự hiếu kỳ dẫn đến việc các bạn nhóm trẻ sẽ thường xuyên bắt chước và học theo các hành vi lệch chuẩn này. Nó tạo ra ranh giới mong manh giữa cái chuẩn và chưa chuẩn. Từ những việc lẽ ra chỉ là khác lạ một chút, nếu chúng ta chấp nhận nó hàng ngày thì vô hình chung nó sẽ trở thành lối sống, văn hóa của chính các bạn trẻ lúc nào không biết", bà Đỗ Thị Vân Anh – Trưởng khoa Công tác xã hội, Đại học Công đoàn cho biết.
Năm 2018, mạng xã hội xuất hiện Ngô Bá Khá (Khá bảnh). Trong nhiều video, Khá bảnh tỏ ra là một đại ca giang hồ trẻ tuổi, giàu có, đông đàn em và trở thành thần tượng của nhiều em nhỏ. Năm 2019, Ngô Bá Khá bị bắt vì hành vi vi phạm pháp luật và chịu án tù 10 năm. Thế nhưng, sau 4 năm, một bộ phận giới trẻ vẫn tỏ ra hâm mộ đối tượng này ở điệu múa hay phát ngôn. Câu chuyện này cho thấy một hiện tượng xấu trên mạng xã hội có thể gieo độc tố như thế nào. Từ cái tên như Khá Bảnh, Huấn hoa hồng hay Dương Minh Tuyền, hiện tượng giang hồ mạng xuất hiện trở lại, được một bộ phận người dùng mạng tung hô là thần tượng trên Tiktok. Đó là một mối lo ngại.
"Khá bảnh chỉ là đại diện của một trào lưu nhưng hết Khá bảnh sẽ lại đến một nhân vật khác, mặc dù có tên khác nhưng phong cách vẫn là giang hồ, chắc chắn sẽ tạo ra một lối sống hình thành trong nhóm giới trẻ. Các em sẽ trở thành nhóm bị rối nhiễu tâm lý trong quá trình hành xử, đối nhân xử thế ngoài xã hội. Chính nhóm giới trẻ đó cũng khó định vị đâu là giá trị tốt, đâu là giá trị tích cực. Trong khi đó, những giá trị xấu, lệch chuẩn lại được mọi người tung hô", bà Đỗ Thị Vân Anh cho biết thêm.
"Tôi thấy rằng truyền thông phi chính thức đang làm mưa làm gió, vì thế giang hồ mạng sẽ có cơ hội làm náo loạn xã hội. Nhiều bạn trẻ hiện nay thấy giang hồ mạng lạ, hay và làm theo nhưng không ý thức được đâu là đúng hay sai. Giang hồ mạng, giá trị ảo nhưng hậu quả là có thật".
Giang hồ mạng tô vẽ cho bản thân hình ảnh hảo hán, nghĩa hiệp, bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm, nói thẳng sống thật, không che dấu thân phận như những điều giới trẻ hay thấy trong các quyển tiểu thuyết, phim kiếm hiệp. Chính mạng xã hội đã trao công cụ để giang hồ mạng khuếch trương lối sống bạo lực, chà đạp đạo đức và pháp luật. Hàng ngày, hàng giờ các clip xấu độc đã gieo rắc virus, đầu độc tâm hồn, nhân cách, suy nghĩ của giới trẻ. Từ xem, theo dõi, thích, chia sẻ và thần tượng đến làm theo những điều sai trái, nguy cơ người trẻ bị lôi kéo, kích động những phần tối ẩn sâu trong góc khuất tâm hồn là rất cao. Chân giá trị có thể bị đảo lộn.
Đã từng có nhiều đối tượng giang hồ mạng phải trả giá đắt trước pháp luật, vì vậy cần có sự mạnh tay của các cơ quan chức năng, xử lý dứt điểm hiện tượng giang hồ mạng và cả những nền tảng xuyên biên giới đang dung túng cho hành vi này. Về phía người dùng, chính người lớn phải là bộ lọc giúp con trẻ không xem, không chia sẻ những nội dung xấu độc trên không gian mạng.