Trần Minh Khôi Nguyên tại trạm y tế lưu động phường Văn Chương
Có sức trẻ, không bệnh nền tại sao không tham gia?
Vừa kết thúc một ngày hỗ trợ công tác tiêm chủng, xét nghiệm tại Hà Nội, Trần Minh Khôi Nguyên, sinh viên Y4, lớp trưởng K1 - Răng Hàm Mặt, Chủ nhiệm CLB Răng Hàm Mặt OSC - Trường Đại Học Y Dược - ĐHQGHN lại vội vã 'cắm mặt' vào điện thoại trả lời những tin nhắn, kết nối các bạn sinh viên cùng tham gia tình nguyện của trường với nhau…
Hơn một tháng, chàng sinh viên trẻ này xung phong tình nguyện cùng các y bác sĩ tuyến đầu tham gia phòng chống dịch Covid - 19 là chừng ấy ngày 'mẹ em lo mất ăn mất ngủ'. Nhưng Khôi Nguyên luôn biết cách làm gia đình yên tâm.
'Em có sức trẻ, không bệnh nền trong khi nhiều nhân viên y tế lớn tuổi, chưa được tiêm vắc xin vẫn đang căng sức chiến đấu. Chẳng lý gì em không tham gia', Khôi Nguyên nói về lý do lao vào tâm dịch hết sức giản đơn như thế.
Em cho biết, khi trường thông báo gấp triệu tập sinh viên ở Hà Nội vào miền Nam hỗ trợ chống dịch, Khôi Nguyên đã ngay lập tức đăng ký. Thời điểm đó Khôi Nguyên chưa tiêm vắc xin. Cậu 'trượt' đi miền Nam vì tính an toàn cho sinh viên mà nhà trường đặt ra.
'Đúng thời điểm này, Hà Nội bùng dịch ở khu Văn Chương - Đống Đa. Phường bị phong toả với hàng ngàn hộ dân bị 'đóng băng', số ca bệnh tăng liên tục mỗi ngày. Địa phương phải lập trạm y tế lưu động ngay tại địa bàn, nhân lực thiếu trầm trọng. Một lần nữa, nhà trường lại huy động sinh viên, em đăng ký ngay lập tức', Khôi Nguyên kể.
Lúc này, Khôi Nguyên mới tiêm vắc xin mũi 1 được vài ngày.
Mẹ Khôi Nguyên là người làm nhiều công tác xã hội cũng như giúp đỡ bạn bè và hàng xóm nên luôn ủng hộ em mỗi khi em tham gia các hoạt động cộng đồng. Nhưng khi gia đình biết em đăng ký, mọi người đều phản đối vì lo cho sức khỏe của em.
'Mẹ em khóc và bảo: mình làm nhiều việc rồi con, hãy ích kỷ cho bản thân một lần có sao đâu con', lúc đó em hiểu rằng mẹ lo lắng cho em hơn tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Sau đó em đã phải dành thời gian để thuyết phục và làm yên lòng mẹ và gia đình em.
Em phải lấy dẫn chứng với cả nhà là những bạn sinh viên Hải Dương, các bạn ấy xung phong đến điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh khi chưa có vắc xin nhưng vẫn an toàn. Lý do là bởi các bạn có đồ bảo hộ và thực hiện đúng các biện pháp an toàn sinh học. Mà những điều này, sinh viên nào trước khi lên đường đều được tập huấn rất kỹ', Khôi Nguyên nhớ lại hành trình thuyết phục gia đình.
Những trải nghiệm vô giá
Những ngày đầu tiên, Khôi Nguyên giữ vai trò nhóm trưởng nhóm sinh viên Trường Đại Học Y Dược - ĐHQGHN hỗ trợ tiêm chủng tại nhà thi đấu Đại học Ngoại Ngữ - ĐHQGHN.
Sau đó ít ngày, Đống Đa xuất hiện ổ dịch, lần lượt các phường Văn Chương, Văn Miếu phải thực hiện cách ly y tế. Từ ngày 18/8- 10/9, gần một tháng trời, Khôi Nguyên tham gia chống dịch tại trạm y tế lưu động phường Văn Chương, Đống Đa.
'Em cùng các thầy cô, các cô chú tại quận xây dựng trạm y tế dã chiến với đầy đủ tối đa các trang thiết bị, vật tư y tế để chuẩn bị cho công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân khu vực phong tỏa', Khôi Nguyên nói.
Ngày nào bàn tay chàng sinh viên Hà Thành cũng sũng mồ hôi, da trắng bệch, nhăn nheo
Cũng chính từ ngày đó, Khôi Nguyên làm việc như một nhân viên y tế thực thụ, không còn thời gian nghỉ. Mỗi ngày em cho 30 bệnh nhân cai nghiện uống methadone, khám cấp phát thuốc BHYT cho hơn 40 bệnh nhân bị bệnh mãn tính, làm xét nghiệm.…Thậm chí em không ngại đi từng ngõ, gõ từng nhà truy vết F0, F1.
Chưa kể vô vàn những tình huống bất ngờ xảy ra, những ca cấp cứu đột ngột xuất hiện như: tai biến, đột quỵ, xuất huyết dạ dày, thai phụ đau đẻ.... bác sĩ trực tại trạm đang bận xử lý việc khác, chàng sinh viên lại kết nối với thầy cô ở trường 'chữa bệnh' từ xa.
Chàng sinh viên có gương mặt điển trai hài hước kể lại tình huống ngày đầu tiên vừa đến trạm y tế lưu động. Chưa có 1 thiết bị y tế nào thì bỗng 'xuất hiện' 1 bệnh nhân lớn tuổi tai biến. Bác sĩ chưa kịp đến.
Chỉ trong tích tắc bối rối, không ai bảo ai, chị thì đỡ bệnh nhân, chị thì gọi xe cấp cứu, chị thì hỏi thông tin để làm sẵn thủ tục nhập viện cho bệnh nhân. Còn Khôi Nguyên thì liên tục kiểm tra mạch và huyết áp cũng như đường thở của bệnh nhân… bằng tay để đảm bảo dấu hiệu sinh tồn cho bệnh nhân. Rất may bệnh nhân sau đó đã được chuyển viện kịp thời.
'Rất rất nhiều việc không tên khi cả phường phải phong toả mà bọn em nếu ngồi nhà sẽ không bao giờ trải qua. Đó là những kỷ niệm nhưng cũng là những trải nghiệm thực tế giúp ích rất nhiều đối với nghề mà bọn em đã lựa chọn', Khôi Nguyên cho hay.
Được biết, trước thời điểm hai ngày phường Văn Chương, Văn Miếu dỡ phong toả, Khôi Nguyên và các bạn lại được rút về hỗ trợ chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm toàn dân trên địa bàn Cầu Giấy, Hà Nội.
Dẫu cho gia đình, người thân lo lắng nhưng Khôi Nguyên nói 'đã xung phong' thì 'không có cảm giác sợ' mà 'chỉ lo cho những người xung quanh'. Nên em luôn cố gắng đảm bảo bản thân được an toàn để không ảnh hưởng đến những người thân của mình.
Chàng sinh viên trẻ cho biết sẽ chỉ dừng công việc thiện nguyện khi các nơi không còn cần. Dẫu luôn tâm niệm mang sức trẻ cống hiến nhưng Khôi Nguyên luôn mong một ngày không xa dịch bệnh được kiểm soát, em và các bạn tình nguyện viên 'thất nghiệp'.