Bức ảnh hiếm hoi của ông Toàn và vợ thời son trẻ.
Món quà đặc biệt
Một lần, trong lúc trò chuyện với mẹ, chị Ngô Thị Hoàng Oanh (SN 1981, TP.HCM) xúc động khi nghe bà nói câu: “Hồi xưa ba mẹ nghèo, làm gì có ảnh cưới. Chỉ có tấm ảnh mặc áo sơ mi quần tây lúc đăng ký kết hôn”.
Câu nói cùng sự nghẹn ngào của mẹ khiến chị xót xa. Vợ chồng chị Oanh cùng chị gái của mình quyết định tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới cho bố mẹ.
Ảnh cưới tái hiện không gian 50 năm về trước của ông Toàn do vợ chồng chị Oanh thực hiện.
Buổi lễ diễn ra trong không khí ấm cúng với sự có mặt của bạn bè, hàng xóm, họ hàng con cháu của ông bà. Mặc dù buổi lễ không thật long trọng, xa xỉ nhưng những người có mặt đều rất vui.
Bố mẹ của chị Oanh, ông Ngô Toàn (85 tuổi), bà Trương Thị Đàn (75 tuổi) không giấu nổi niềm hạnh phúc trước món quà ý nghĩa của những người con hiếu thảo. Đặc biệt, trong lễ kỷ niệm này, ông bà còn nhận được món quà bất ngờ từ con gái, con rể.
Phông nền và họa tiết trang trí trên sân khấu gợi nhắc khung cảnh xưa.
Món quà đặc biệt này là bộ ảnh cưới tái hiện không gian thời bao cấp của ông bà. Đây là ý tưởng của chị Oanh với sự giúp sức của người chồng vốn là một nhiếp ảnh gia.
Chị Oanh không mất quá nhiều công sức cho buổi lễ kỷ niệm. Bởi, tiệc kỷ niệm đã được nhà hàng chuẩn bị chu đáo. Riêng bộ ảnh cưới, vợ chồng chị Oanh phải nghiên cứu, đầu tư rất nhiều.
Để tái hiện khung cảnh thời bao cấp, chị Oanh nghiên cứu những tấm ảnh cưới xưa. Vợ chồng chị cũng chuẩn bị đạo cụ từ áo cưới đến phông nền, bánh kem, phòng tân hôn… sao cho giống thời bao cấp nhất.
Ngôi nhà cổ khiến khung cảnh thêm xưa cũ...
Tất cả các đạo cụ này đều được vợ chồng chị đem từ TP.HCM ra TP.Nha Trang - nơi ở của ông bà Ngô Toàn để thực hiện bộ ảnh. Ngoài ra, bố mẹ chị Oanh vẫn giữ được căn nhà cổ. Xung quanh gia đình ông bà cũng còn nhiều nhà cổ.
Vì vậy, việc tái hiện khung cảnh xưa trở nên dễ dàng hơn. Chị Oanh quyết định thực hiện bộ ảnh cưới cho bố mẹ với bối cảnh thời bao cấp bởi đây là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của gia đình.
Chị nói: “Thời bao cấp là thời kỳ đáng nhớ nhất của chị hai tôi và bố mẹ. Thời đó còn dùng tem phiếu, chị hai của tôi còn phải kê cục gạch ngồi xếp hàng giúp bố mẹ lấy lương thực. Lúc ấy tuy nghèo nhưng rất vui.
Trong xóm có đám cưới là bọn trẻ con chúng tôi sẽ lại lượm pháo, ngó bánh kem, xem cô dâu… Cho đến bây giờ, gia đình tôi vẫn kể về những chuyện ngày xưa và khóc cười cùng bố mẹ”.
Ông Toàn và bà Đàn hạnh phúc trong khoảnh khắc kỷ niệm 50 năm ngày cưới.
Hạnh phúc viên mãn
Sau khi chuẩn bị xong các đạo cụ cần thiết, ngày 1/5, vợ chồng chị Oanh bắt đầu bấm máy. Do ông Toàn, bà Đàn đã có tuổi, sức khỏe yếu nên vợ chồng chị Oanh cố gắng chụp thật nhanh và hạn chế di chuyển nhiều, xa.
Trong khi đó, bố mẹ chị Oanh vốn là người vui tính, yêu đời nên rất tự nhiên trước ống kính. Ông bà vui vẻ cười, biểu lộ những tình cảm chân thật dành cho nhau để chàng rể ghi lại bằng máy ảnh.
Màu sắc của ảnh cũng mang phong cách hoài cổ.
Sau khi hoàn thành buổi chụp ảnh, ông Toàn và vợ rất vui. Đặc biệt, khi được cầm bộ ảnh trên tay, ông bà rất xúc động. Cả hai như sống lại ngày vui của mình từ 50 năm trước.
Bộ ảnh cưới đặc biệt của vợ chồng ông Toàn cũng khiến bạn bè, người thân thích thú. “Thấy bố mẹ hạnh phúc với bộ ảnh, mọi thành viên trong gia đình và bạn bè đều vui lây. Đó thực sự là một niềm hạnh phúc lớn lao của chúng tôi”, chị Oanh chia sẻ.
Các vật dụng, đạo cụ, không gian trong từng bức ảnh đều gợi nhắc thời kỳ bao cấp.
Ông Toàn và vợ kết hôn vào ngày 1/5/1973. Ông vốn là người Khánh Hòa và là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Trong khi đó, bà Đàn là người tỉnh Hà Nam. Cả hai gặp nhau vì cùng làm trong ngành xây dựng.
Sau khi thành vợ chồng, ông bà về TP.Nha Trang sinh sống đến bây giờ. Cuộc hôn nhân bền chặt của ông bà là tấm gương của chị em chị Oanh.
Sau 50 năm kết hôn, ông bà đã có bộ ảnh cưới đặc biệt cho riêng mình.
Chị bộc bạch: “Đã 50 năm trôi qua, bố mẹ tôi vẫn nói: “Đám cưới không quan trọng, cái quan trọng là về ở với nhau thế nào. Yêu chỉ lúc ban đầu, sống với nhau lâu dài thì phải có tình nghĩa. Vậy mới gọi là tình yêu đích thực'.
'Bố mẹ cũng dạy chúng tôi rằng, hôn nhân nào cũng có lúc này lúc khác. Nhưng chỉ cần đôi bên hiểu nhau, nghĩ cho nhau, vì nhau mà thay đổi cho tốt thì sẽ bền chặt. Một gia đình bình yên là mọi thành viên trong gia đình phải hiểu nhau, nghĩ đến nhau và thay đổi theo hướng tốt lên vì nhau.
Chúng tôi luôn ghi nhớ những lời dạy ấy của bố mẹ và áp dụng chúng trong cuộc sống, hôn nhân của mình. Sau cùng, tôi mong ba mẹ sống thật lâu bên nhau và cùng tiến đến kỷ niệm đám cưới kim cương với con cháu”, chị chia sẻ thêm.
Ảnh: Nhân vật cung cấp