Một cái nhìn lướt qua cũng đủ để cả đời thương nhớ
Lưu Quốc Giang và Từ Triều Thanh - một cặp vợ chồng người Trung Quốc rất đỗi bình thường nhưng họ đã dùng cuộc sống của mình để giải thích sự phi thường trong tình yêu. Bất chấp những lời đàm tiếu, độc mồm độc miệng của thiên hạ để một chàng trai trẻ với một góa phụ cùng nhau viết nên một câu chuyện tình đi vào huyền thoại.
Quay lại những năm 1940, khi Lưu Quốc Giang mới 6 tuổi và Từ Triều Thanh mới 16 tuổi. Cậu bé còn hơi sữa mẹ kết duyên với cô gái trẻ đến tuổi trăng tròn. Hai con người chưa từng quen biết đã gặp nhau trong một cơ duyên kỳ diệu.
Vào thời đó, trong làng có tục lệ rằng trẻ em bị mất răng cửa sẽ mọc răng mới, chỉ cần là được cô dâu chạm tay vào miệng. Khi ở làng có người tổ chức hôn lễ, cậu bé Lưu Quốc Giang đi theo sau kiệu rước dâu suốt chặng đường dài, để háo hức được cô dâu chạm vào miệng mình giúp răng mới mọc lên. Cô dâu đã đưa ngón tay qua rèm xe kiệu đưa vào miệng cậu bé. Cậu bé lo lắng nên đã cắn ngón tay, cô dâu giật mình vén rèm xe lên, đập vào mắt cô là một khuôn mặt thanh tú và có chút ngượng ngùng của cậu bé 6 tuổi.
Lưu Quốc Giang chưa từng nhìn thấy cô dâu nào xinh như vậy nên cứ ngây người ngắm nhìn. Cô dâu chính là Từ Triều Thanh, hôm đó là ngày trọng đại của cô ấy. Cũng từ ngày đó trở đi, khuôn mặt của Từ Triều Thanh luôn hiện lên trong đầu của Lưu Quốc Giang. Đối với thế giới, Từ Triều Thanh chỉ là một người bình thường nhưng với Lưu Quốc Giang, cô gái ấy là cả thế giới của mình.
Trong những năm tháng sau này, Lưu Quốc Giang dần trở thành một chàng trai cường tráng và khôi ngô, cậu đã đến tuổi lấy vợ. Khi được hỏi muốn lấy vợ như thế nào, anh nghiêm túc nói: 'Giống như cô Từ'. Người khác tưởng Lưu Quốc Giang nói đùa nhưng chỉ có anh biết rằng, bản thân mình đã đem lòng yêu Từ Triều Thanh sâu sắc, dù biết cô đã sinh 4 đứa con cho chồng.
Nghe có vẻ điên rồ nhưng những gì mà Lưu Quốc Giang ấp ủ nghiêm túc và chân thành thực sự. Mười năm sau, họ một lần nữa gặp nhau, khi Lưu Quốc Giang 16 tuổi và Từ Triều Thanh đã 26 tuổi.
Từ Triều Thanh đính hôn năm 13 tuổi, đến năm 16 tuổi thì cô kết hôn. Tuy nhiên cuộc đời cô thay đổi lớn trong năm này, do người chồng mất vì bệnh viêm màng não, cô đã trở thành góa phụ khi còn quá trẻ. Trong thời đại phong kiến lạc hậu ấy, phụ nữ bị góa chồng rất 'thảm khốc'. Mẹ chồng thường mắng nhiếc cô là 'khắc phu'.
Một mình nuôi 4 đứa con, có thể tưởng tượng được Từ Triều Thành vất vả như thế nào. Hàng ngày cõng các con lên núi kiếm miếng ăn, thậm chí không mua nổi 3 xu muối.
Có một ngày, Từ Triều Thanh đang cõng con đi lấy nước vô tình vấp và ngã xuống sông. Lưu Quốc Giang tình cờ đi ngang qua sông, thấy vậy đã nhảy xuống nước cứu sống mẹ con Từ Triều Thanh. Anh hiểu rằng mọi người đều coi thường Từ Triều Thanh, càng cảm thấy thương người phụ nữ này hơn, vì vậy thường ngày anh luôn giúp đỡ cô một số công việc nặng.
Việc làm của Lưu Quốc Giang đã khiến nhiều người bàn tán nhưng anh nhất quyết vẫn gánh nước, chặt củi, làm mọi việc cho Từ Triều Thanh. Trong gần 4 năm, anh đến nhà Từ Triều Thanh để chăm sóc người phụ nữ góa phụ và những đứa trẻ mồ côi cha. Cho dù Từ Triều Thanh cố tình không gặp, anh cũng không thể thay đổi tấm lòng kiên định 'bảo vệ cô cả đời'. Cuối cùng, vào năm 1956, Lưu Quốc Giang 19 tuổi, tỏ tình với Từ Triều Thanh, người hơn anh ta 10 tuổi.
Chàng trai 19 tuổi bỏ trốn cùng góa phụ 29 tuổi và 4 đứa con sống ẩn dật trên núi
Vì bị coi là 'đại loạn', Lưu Quốc Giang muốn đưa người mình yêu bỏ trốn. Từ Triều Thanh cũng đã rất mệt mỏi trước những lời đàm tiếu của người đời trong một thời gian dài. Vào một buổi sáng, cô đã đồng ý cùng Lưu Quốc Giang và 4 người con đi bỏ trốn. Thật khó để tưởng tượng họ đã quyết tâm, can đảm đến mức nào khi đánh cược mọi thứ và từ bỏ tất cả vì nhau.
Sau khi bỏ trốn, Lưu Quốc Giang và Từ Triều Thanh sống ẩn dật trên núi ở độ cao 1.500m, nơi mọi người không biết được. Có hai túp lều tranh được bỏ hoang ở nơi này, họ dần ổn định và bắt đầu cuộc sống mới. Cách xa sự quấy nhiễu của thế gian và sự chê bai của dân làng, họ có cuộc sống ở nơi dễ chịu như một thiên đường.
Lưu Quốc Giang đánh cá và Từ Triều Thanh trồng rau, họ nuôi 4 người con theo cách tự lập. Dần dần Lưu Quốc Giang biết cách nuôi ong và kiếm tiền bằng cách làm mật. Cả gia đình sống trên núi như thế, không bao giờ tách rời nhau. Nếu ai muốn xuống núi mua thứ gì đó, người kia sẽ đợi ở cây cầu ván dưới núi, rồi cả hai cùng trở về ngôi nhà ấm cúng, đầy ắp tiếng cười.
Lưu Quốc Giang làm cả 1 con đường cho vợ
Cuộc sống nơi đồng bằng với củi, gạo, dầu, muối đã khiến nhiều người không thể chịu đựng được sự cô đơn, huống hồ là tồn tại trong môi trường thiên nhiên tàn khốc. Khi nhiều cặp đôi chia tay trước thử thách nhỏ, Lưu Quốc Giang và Từ Triều Thanh chưa bao giờ nghĩ đến việc rời xa nhau. Trong cơn mưa, gió mạnh làm đổ túp lều tranh thì cả gia đình trốn vào hang, khi gió lặng, anh dựng lại ngôi nhà bằng bùn, cuộc sống đầm ấm lại tiếp diễn. Song điều khó khăn là chỉ có một con đường duy nhất để xuống từ ngọn núi cao 1.500m, hiểm trở và dốc cao.
Ban đầu vợ chồng Lưu Quốc Giang còn trẻ, khỏe mạnh không nghĩ có vấn đề gì lớn, nhưng năm tháng trôi qua, Từ Triều Thanh chân tay yếu dần, con đường xuống núi đối với bà vô cùng khó khăn. Một lần Từ Triều Thanh không may bị vấp ngã khi xuống núi, toàn thân đau nhức, Lưu Quốc Giang cảm thấy vừa đau khổ vừa tự trách mình, xấu hổ vì đã không bảo vệ được vợ. Để tai nạn không xảy ra một lần nữa và để vợ không bị tổn thương, ông quyết tâm tự tay làm một con đường cho vợ. Hàng ngày, sau khi hoàn thành công việc đồng áng, ông đi lại không mệt mỏi giữa các vách đá, cầm búa gõ để mở đường và đục đẽo cầu thang từng chút một.
Uống nước khi khát, ăn vài miếng khoai môn khi đói và tận dụng từng phút từng giây để tạo lối đi an toàn cho vợ - Một việc làm như vậy thật sự khó tin. Trong thời đại cơ giới hóa cực kỳ phát triển như hiện nay, đào một con đường trên núi cũng không dễ dàng, huống hồ Lưu Quốc Giang chỉ là người đàn ông bình thường nhỏ bé. Tuy nhiên, Lưu Quốc Giang đã làm được điều đó từ một đôi tay bằng xương bằng thịt - trải qua gần 50 năm để tạo nên con đường với 6208 bậc thang.
Và mỗi khi trời mưa, Lưu Quốc Giang đều lấy tay quét từng bậc để không bị rêu mọc và chống trơn trượt. Từ Triều Thanh luôn nắm lấy tay Lưu Quốc Giang mỗi khi ông trở về nhà sau khi sửa chữa cầu thang. Nhìn những vết sẹo lớn nhỏ và chạm vào những vết chai sần sùi dày đặc, bà xót xa đến phát khóc nhưng chồng bà đều mỉm cười. Hơn 6000 bước chân, mỗi bước chân đều chứa đầy tình yêu mãnh liệt nhất của ông dành cho vợ.
Họ trải qua 1 cuộc sống nhiều người mơ ước
Trái tim yêu nhau sẽ không bao giờ dừng lại
Vào Tết Trung thu năm 2001, một nhóm những người thích xê dịch từ Trùng Khánh đến khám phá và tìm thấy những bậc thang trên đường đi. Trên bậc đá có những vết đục đẽo nhân tạo, lại có cả cát chống trượt, tạo cảm giác tò mò. Khi họ đã lên đến đỉnh núi và thấy một bà lão đang ngồi may quần áo trước cửa nhà và một ông già đang đốn củi. Nếu không được tận mắt chứng kiến, ai mà ngờ được rằng có những con người sống trong núi sâu khuất nẻo, cuộc sống của họ còn quá sơ sài, đèn là đèn dầu và nhà làm bằng đất.
Nhìn thấy những vị khách lạ, Từ Triều Thanh tươi cười bước tới chào hỏi... Thời thế thay đổi dưới núi và họ cũng không hề hay biết. Sau khi hiểu rõ mọi chuyện, nhóm tham quan du lịch đã đưa câu chuyện xuống núi và đặt cho chiếc thang một cái tên rất thích hợp: Bậc thang tình yêu. Trong những năm sau đó, khi các phương tiện truyền thông tiếp tục lan truyền câu chuyện của Lưu Quốc Giang và Từ Triều Thanh.
Rốt cuộc, ai mà không khao khát một người như vậy trong thế giới mỏng manh này mãi mãi chiều chuộng mình? Tuy nhiên, có lẽ những điều tốt đẹp về tình yêu sẽ kết thúc khi cuộc đời dừng lại. Vào sáng sớm ngày 7/12/2007, Lưu Quốc Giang trở về nhà sau khi kiểm tra cây trồng như thường lệ và ngã xuống đất. Từ Triều Thanh vội vàng hét lên nhưng Lưu Quốc Giang lần đầu tiên không đáp lại lời của vợ.
Trong cơn tuyệt vọng, Từ Triều Thanh, đã hơn 80 tuổi, chạy xuống núi tìm kiếm sự giúp đỡ của người con trai thứ 3 bất chấp thân thể yếu ớt và đêm mưa gió. Đây là lần đầu tiên bà một mình bước xuống 6000 bậc thang: 'Chính ông ấy đã nắm tay dìu tôi xuống núi. Nếu không, ông ấy xuống núi làm việc vặt, còn tôi đợi ông ấy ở nhà. Ông ấy không bao giờ để tôi đi bộ đường núi một mình'.
Bà Từ như người mất hồn trong đám tang chồng
Sau 6 ngày cấp cứu, Lưu Quốc Giang đã qua đời do vỡ mạch máu não. Trong lúc hấp hối, ông đã vắt kiệt sức lực cuối cùng của mình để nói những lời yêu thương với người vợ yêu thương của mình rồi thanh thản ra đi. Cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn nắm chặt tay vợ.
5 năm sau, Từ Triều Thanh - người đang chìm trong những suy nghĩ miên man, cuối cùng cũng có thể đuổi theo 'chàng trai' coi bà như sinh mệnh của mình. Theo nguyện vọng cuối cùng, bà sẽ ngủ mãi bên cạnh Lưu Quốc Giang, để cả đời yêu thương. Năm 2007, Lưu Quốc Giang ra đi ở tuổi 71. Năm 2012, Từ Triều Thanh từ giã còi đời ở tuổi 87. Tuy nhiên, từ năm 1956 đến năm 2007, họ đã có 51 năm hạnh phúc và đáng trân trọng nhất, thế là đủ. Dù cả hai đều đã qua đời nhưng họ tin rằng trái tim yêu nhau sẽ không bao giờ dừng lại.
Nguồn: Sohu, Aboluowang