40 năm trước, vào ngày 27/7/1983, Madonna đã cho ra mắt album đầu tay mang tên chính mình với nhiều bản hit, trong đó có ca khúc ăn khách Lucky Star. Ở thời điểm đó, Madonna vẫn chỉ là một cô gái 24 tuổi tràn đầy hi vọng và đam mê với âm nhạc, để rồi nhiều năm sau đó, Madonna đã mang về cho mình danh xưng Nữ hoàng nhạc Pop.
Nhắc lại câu chuyện của 40 năm trước, guitarist Paul Pesco - người góp phần làm nên thành công cho cả hai bản hit Lucky Star và Burning Up - tiết lộ: 'Madonna đã thực sự tìm tới một nhà ngoại cảm. Bà ấy nói với tôi rằng hãy cứ chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Bà ấy có vẻ như đã biết điều gì đó'.
Madonna và guitarist Paul Pesco trong những năm đầu sự nghiệp. (Ảnh: Paul Pesco)
Dù chỉ mới 24 tuổi và bắt đầu bước vào nghề, Madonna vẫn giữ vững niềm tin mãnh liệt rằng bản thân sẽ trở thành một ngôi sao. Sự tự tin này được thể hiện rõ ràng trong ca khúc I Know It - một trong 5 ca khúc mà Madonna từng viết ở Michigan, làm nên tên tuổi của một thế hệ diva thể loại dance-pop.
Không sở hữu giọng hát nội lực của Aretha Franklin hay giai điệu dân gian như Joni Mitchell, Madonna vẫn tạo ra con đường âm nhạc của riêng mình. Ở thời điểm đó, sau sự suy sụp của nhạc disco thập niên 70, bà được coi là người tái tạo lại âm nhạc pop và 'cướp' lại sàn nhảy theo một cách hoàn toàn mới.
Michael Rosenblatt - người phụ trách ban đầu của Madonna tại Sire Records cho biết: 'Chúng tôi thực sự cảm thấy rằng nếu chúng tôi kết hợp disco với R&B và làn sóng mới, chúng tôi sẽ có một thứ gì đó thực sự tuyệt vời. Chúng tôi đã phát minh ra một định dạng âm nhạc mới'.
Thực tế là Madonna ban đầu mong muốn trở thành vũ công. Bà từng theo học tại trường khiêu vũ Martha Graham và Alvin Ailey American Dance Theater. Vì vậy, khi nhìn lại quãng đường sự nghiệp của bà, khán giả có thể nhìn thấy niềm đam mê khi bà khiêu vũ, cách bà đón nhận âm nhạc thông qua những điệu nhảy uyển chuyển như thế nào.
Sau khi chuyển từ Detroit đến New York vào năm 1978, 'với đôi giày đinh và 30 đô la' như Rosenberg mô tả, Madonna đã có một bước đột phá lớn tại câu lạc bộ có tầm ảnh hưởng Danceteria, nơi bà gặp DJ Mark Kamins vào năm 1982.
Michael Rosenblatt đã chú ý vào Madonna từ đám đông trên sàn nhảy và mời bà tới văn phòng để chơi thử vài bản nhạc demo, trong đó có những giai điệu do bà tự viết như Everybody và Burning Up. Ông thừa nhận rằng những ca khúc này không phải điều kì diệu, nhưng điều kì diệu đến từ chính con người Madonna.
Madonna cùng đội ngũ sản xuất âm nhạc trong phòng thu âm ca khúc 'Holiday' vào năm 1983. (Ảnh: Getty Images)
'Tôi luôn hỏi những nghệ sĩ tôi làm việc cùng rằng họ muốn gì, họ tìm kiếm điều gì. Câu trả lời hay nhất mà tôi từng nhận được tới từ Madonna, bà ấy nói rằng bà ấy muốn thống trị thế giới', người phụ trách của Madonna nhớ lại.
Vài tuần sau, Madonna kí hợp đồng cho 3 ca khúc, bao gồm khoản tạm ứng trị giá 15.000 USD cho mỗi bài hát và một album. Ở thời điểm đó, tất cả những người trong Sire Records đều nhận thấy rằng Madonna là một người đặc biệt, rằng họ đang được gặp gỡ một ngôi sao mới chớm nở.
Sau khi thỏa thuận về album đầy đủ được ký kết, Madonna muốn có một nhà sản xuất có kinh nghiệm hơn Kamins. Bà chọn Reggie Lucas, người đã từng làm việc với những nữ ca sĩ R&B như Stephanie Mills và Phyllis Hyman. Tuy vậy, Madonna cho rằng album vẫn còn thiếu điều gì đó.
Bìa album đầu tay của Madonna. (Ảnh: Sire Records)
Lúc này, Michael cho rằng cần một ca khúc hit để hoàn thành album và đó là lúc Holiday được tìm thấy thấy. Quả đúng như dự đoán, khi Everybody và Burning Up thất bại trong việc lọt vào BXH Billboard Hot 100 thì Holiday lại trở thành bản hit đột phá. Ca khúc đạt vị trí thứ 16 vào tháng 1/1984.
Bốn mươi năm sau, nhiếp ảnh gia Gary Heery - người đã chụp bìa album Madonna chỉ vài tuần trước khi album được phát hành - tỏ ra vô cùng tự hào khi được trở thành một phần trong sự ra đời của một huyền thoại nhạc pop. Cho tới thời điểm hiện tại, album vẫn được cho là mang tính biểu tượng, tạo nên một Nữ hoàng nhạc Pop như Madonna hiện nay.