Sau nhiều ngày chiếu sớm, Em và Trịnh đã thành công thu về gần 25 tỷ và trở thành một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất thời điểm hiện tại dù chưa công chiếu chính thức. Được đánh giá cao với hình ảnh đặc sắc lấy bối cảnh thập niên những năm 1960-1990, âm nhạc đậm màu hoài niệm, khơi gợi cảm xúc và giúp đạo diễn cài cắm nhiều ẩn ý cũng là một điểm cộng lớn tạo ấn tượng cho khán giả.
Em và Trịnh tạo ấn tượng mạnh với hiệu ứng âm thanh và hình ảnh chuyên nghiệp, giàu cảm xúc - Ảnh: Nhà sản xuất
Âm nhạc của Em và Trịnh hay không hẳn vì nó là thứ âm nhạc bất hủ của Trịnh, mà đó là cách phối khí, cách hát và cách sắp xếp mới mẻ, hiện đại trong từng giai điệu theo diễn biến tình tiết. Khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ, âm nhạc của Trịnh Công Sơn được làm mới với những tiết tấu và giọng hát trẻ trung, gần với âm nhạc thị hiếu hiện đại của giới trẻ.
Ăn khớp với hình ảnh và diễn biến nội dung phim, có thể thấy Em và Trịnh không khai thác quá nhiều giá trị âm nhạc và gia tài âm nhạc đồ sộ của vị nhạc sĩ tài hoa, mà chủ yếu là khai thác về chuyện tình của Trịnh Công Sơn và những nàng thơ đi qua đời ông.
Từ gia tài hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn, đoàn làm phim đã có sự chọn lọc kỳ công để lấy được 40 bài để đưa vào phim. Từng giai đoạn trong cuộc đời nhạc sĩ sẽ gắn liền với những màu sắc âm nhạc khác nhau. Chút bay bổng lãng mạn trong tuổi thanh xuân nồng nhiệt, cuồng nhiệt và bình yên trong những ngày bom rơi đạn lạc,... Màu sắc âm nhạc đồng điệu với cuộc đời cố nhạc sĩ ở mỗi giai đoạn riêng.
Âm nhạc của Em và Trịnh được thể hiện theo từng giai đoạn trong cuộc đời Trịnh Công Sơn với những màu sắc khác nhau - Ảnh: Nhà sản xuất
Âm nhạc được cải biên giúp gần gũi với thị hiếu của khán giả trẻ - Ảnh: Nhà sản xuất
Tuy còn vài điểm trừ nhưng âm nhạc trong Em và Trịnh thực sự đã giúp bộ phim lấy được trọn vẹn cảm xúc của người xem - Ảnh: Nhà sản xuất
Tình ca là cầu nối đưa khán giả về vùng hồi ức của nhân vật Trịnh Công Sơn bên các 'nàng thơ'. Trong veo những rung động đầu đời, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã có dụng ý khi sử dụng Diễm Xưa làm bài hát đầu tiên trong bộ phim. Thể hiện bằng cả những giọng hát chuyên nghiệp như Bùi Lan Hương hay nghiệp dư như Avin Lu hay Nakatani Akari, các phối nhạc do Hữu Bách biên soạn pha chút hoài cổ, jazz,.. giúp chuyển hóa mượt mà các phân cảnh quá khứ - hiện tại.
Không chỉ sử dụng nhạc Trịnh, êkíp còn viết thêm nhiều đoạn nhạc không lời khác. Cảnh Michiko lần đầu đến TP HCM được lồng ghép giai điệu rộn ràng, gợi hoài niệm về bối cảnh đầu thập niên 1990. Trường đoạn Ngô Kha (Samuel An) diễn thuyết trước sinh viên để phản đối chiến tranh, nhạc sĩ sử dụng nhạc nền hào hùng, bi tráng rất có sức gợi với khán giả đang chìm trong diễn biến của bộ phim.
Tuy ấn tượng là vậy song ở một số phân đoạn, phim có thể khiến người xem cảm thấy ngột ngạt vì lạm dụng âm nhạc. Công thức nhạc quen thuộc lặp đi lặp lại theo với form đoạn đầu là tiếng hát diễn viên, sau đó là giai điệu không lời để 'mồi' cảm xúc, dễ khiến khán giả cảm thấy khuôn lệ và máy móc.