Nhạc Trịnh là kho tàng đồ sộ chưa bao giờ cạn kiệt, để các ca sĩ nhiều thế hệ cùng nhau khai thác, tìm tòi.
Từ trước tới nay, đã có vô số ca sĩ tìm đến nhạc Trịnh và coi nó như mảnh đất màu mỡ để thể hiện tài năng, tâm hồn mình. Trong đó, Hồng Nhung và Thanh Lam là hai tên tuổi khá nổi bật, gây dấu ấn lớn và cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều nhất.
Rất nhiều người khen ngợi Hồng Nhung và Thanh Lam hát nhạc Trịnh hay, thể hiện được đúng điệu hồn của nó và truyền tải dấu ấn cá nhân. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, cả hai diva đều hát chưa tới, thậm chí là 'phá nát' nhạc Trịnh. Vậy, thực sự thì Hồng Nhung và Thanh Lam hát nhạc Trịnh thế nào?
Hồng Nhung – những sáng tạo tuyệt vời và được Trịnh Công Sơn yêu thích
Hồng Nhung bắt đầu hát nhạc Trịnh khi còn rất trẻ, từ lúc cô gặp Trịnh Công Sơn. Khi ấy, cô Bống còn chưa đầy 20 tuổi.
Năm 22 tuổi, Hồng Nhung thực hiện bản thu âm đầu tiên cho ca khúc Diễm xưa. Đó cũng là bản thu nhạc Trịnh sớm nhất của cô.
Vì hát từ rất sớm như vậy nên hiển nhiên Hồng Nhung sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, do tuổi đời còn quá trẻ. Hơn nữa, cách hát của Hồng Nhung lại rất mới, gần như đối lập hoàn toàn với tượng đài Khánh Ly, vốn đã ghi dấu quá lớn trong lòng khán giả.
Chính vì thế, việc Hồng Nhung hát nhạc Trịnh đã bị không ít người chê bai. Họ cho rằng, cách hát của Hồng Nhung không thể hiện đúng chất nhạc Trịnh và chưa đủ sâu sắc, trải nghiệm. Đa số các ý kiến này đều so sánh Hồng Nhung với Khánh Ly.
Tuy nhiên, người ta đã quên mất rằng, giống như Khánh Ly, Hồng Nhung từng có thời gian dài quen biết Trịnh Công Sơn và được ông dìu dắt, giải nghĩa từng câu chữ và hướng dẫn cặn kẽ đường đi lối lại trong nhạc của mình.
Không những vậy, Hồng Nhung còn là bạn tri kỷ của Trịnh Công Sơn, nên ắt hẳn phải có sự đồng điệu, giao cảm về tâm hồn.
Bởi thế, nói Hồng Nhung chưa hiểu nhạc Trịnh, hay hát không ra chất nhạc Trịnh là hoàn toàn sai lầm. Bản thân Trịnh Công Sơn cũng từng nói: 'Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích có người không thích.
Tuy nhiên tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới phù hợp với thời hiện đại - một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được một chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải là kẻ nhắc tuồng từ quá khứ' (Nguồn: Vnexpress).
Đến ngay cả tác giả còn thích Hồng Nhung hát nhạc Trịnh, thì không có lẽ nào khán giả lại chê bai rằng cô hát không ra chất hay thiếu sâu sắc được.
Thực sự, Hồng Nhung hát nhạc Trịnh không những hay, mà còn rất hay, rất mới, rất sáng tạo. Có thể nói, cô là một hiện tượng độc đáo, đã đem đến cho nhạc Trịnh một trường phái mới, không kém cạnh gì những tượng đài nhạc Trịnh trước như Khánh Ly, Ngọc Lan.
Cách hát của Hồng Nhung có thể hợp với người này, không hợp với người kia, nhưng không thể phủ nhận, nó mang màu sắc rất mới và riêng biệt.
Nói cách khác, chỉ từ khi Hồng Nhung xuất hiện, nhạc Trịnh mới được khoác lên mình tấm áo mới. Nó không còn buồn, sầu như trước, mà trở nên vui tươi, trong sáng, trẻ trung hơn, dương tính hơn.
Nhạc Trịnh của những ca sĩ trước đó giống như một cố nhân nửa đời phiêu bạt, đầy chiêm nghiệm suy tư, còn qua tiếng hát Hồng Nhung, nó trở thành người con gái xuân thì đang trỗi dậy đầy sức sống, thấm nhuần gió thanh xuân.
Hồng Nhung hát nhạc Trịnh vô cùng trong sáng, thanh khiết, nhưng không hề thiếu sự tinh tế, sâu sắc, được thể hiện qua từng cách nhấn nhá, bỏ nhỏ, nâng niu con chữ của cô. Có thể thấy rõ điều này qua những ca khúc như Tuổi đá buồn, Như cánh vạc bay…
Hồng Nhung có một chất giọng hiếm có đặc biệt, thuộc loại Dugazon (lai giữa mezzo soprano và soprano), âm sắc vô cùng đẹp, sáng như chuông khánh, êm như nhung và vang xa. Và độ đẹp này được thể hiện rõ nhất khi cô hát nhạc Trịnh. Nó rất nữ tính, nhẹ nhàng, đậm tính legato và thuần Việt.
Không những vậy, Hồng Nhung còn rất sáng tạo khi hát nhạc Trịnh, mà vẫn vừa đủ. Các sáng tạo ấy được thể hiện qua sự phong phú, đa dạng về kĩ thuật.
Chẳng hạn, Hồng Nhung có thể phiêu head voice legato cả một đoạn dài trên B5 với các speed khác nhau, hay kéo dài đoạn belting trên A4 tới tận 18 giây vang lồng lộng. Tất cả những điều này đem đến cho nhạc Trịnh một đẳng cấp học thuật mới, khác hẳn với nét mộc mạc trước đây.
Đặc biệt, Hồng Nhung còn tạo nên những bài hit của riêng mình khi hát nhạc Trịnh, mà chưa ai vượt qua được. Chẳng hạn, các ca khúc như Đóa hoa vô thường, Thưở Bống là người, Bống Bồng ơi… đã đóng đinh dấu ấn của cô, mà đến tượng đài Khánh Ly hát cũng không hay bằng.
Một số bản phối nhạc Trịnh được Hồng Nhung sử dụng cho album riêng bỗng trở thành chuẩn mực mới, khiến ai ai cũng làm theo. Chẳng hạn, đoạn nhạc dạo đầu cho ca khúc Ru em từng ngón xuân nồng được rất nhiều ca sĩ (trong đó có cả Khánh Ly) sử dụng để phối lại.
Thanh Lam – sự mãnh liệt, phá cách độc đáo
Trong số những ca sĩ từng hát nhạc Trịnh thì Thanh Lam là cái tên gây nhiều ý kiến trái chiều nhất.
Với quan điểm đã hát lại bài cũ là phải thể hiện được cá tính, thổi dấu ấn cá nhân của mình vào tác phẩm, cộng thêm bản năng mạnh mẽ, Thanh Lam dường như sáng tạo nhạc Trịnh theo lối rất riêng, không giống ai.
Cô hát nhạc Trịnh với sự hừng hực, bùng cháy của ngọn lửa đam mê, khí thế, đầy dữ dội, với những đoạn belt cộng minh căng lồng lộng, cộng thêm cách đãi chữ, lả lơi đúng phong cách của mình.
Chính vì điều này, Thanh Lam đã khiến công chúng phải xôn xao. Nhiều người còn cho rằng, cô đang 'vác cày leo núi', 'cày nát nhạc Trịnh'.
Việc Thanh Lam hát nhạc Trịnh hay hay dở tùy thuộc vào cảm nhận cá nhân của người nghe, nhưng không thể phủ nhận, cô rất có ý thức trong việc thể hiện lại nó.
Thanh Lam không hề bị ảnh hưởng hay đi theo những lối mòn có sẵn, mà luôn tìm tòi, khai phá cái mới. Đó là điều đáng trân trọng.
Nếu khán giả Việt tiếp nhận âm nhạc trên tinh thần tôn trọng cái mới và sự sáng tạo, không bị lệ thuộc vào những giá trị xưa cũ như khán giả nước ngoài, họ sẽ có cách phản ứng khác.
Tuy nhiên, Thanh Lam không chỉ biết 'cuồng nộ', cô cũng hát nhạc Trịnh rất tinh tế, dịu dàng, có hồn và hơn người ở khoản xử lí giai điệu rất khéo, giàu nhạc tính.
Đặc trưng của Thanh Lam là đem lại sự khắc khoải, cháy bỏng, đầy khát vọng sống cho nhạc Trịnh. Nó rất động, chứ không phải sự tĩnh lặng, u hoài.
Thậm chí, Thanh Lam còn xử lí được nhạc Trịnh trên các thể loại khác. Nhờ đó, cô cũng đem đến cho nhạc Trịnh một màu sắc hoàn toàn mới.