Lam Trường là một trong những thần tượng đầu tiên của Vpop, sở hữu một sự nghiệp rực rỡ, sáng chói. Tại chương trình Bài hát đầu tiên tuần này, anh đã chia sẻ về thời đỉnh cao của mình.
Một đêm hát 8 vũ trường, hai tay phải ghì chặt mic để không gục ngã
Lúc mới vào nghề, tôi đứng trên sân khấu hát mà hai đầu gối run cầm cập, phải lấy tay ghì chặt cột mic để hát vì sợ mình sẽ gục xuống, không làm chủ được bản thân. Chính vì thế, tôi không dám nhận hát ở sân khấu lớn, chỉ dám đi hát trong các vũ trường, quán bar.
Một đêm, tôi đi hát những 8 vũ trường. Mỗi vũ trường tôi hát 8 bài, tổng cộng một đêm hát đến 32 bài.
Nhiều người hay hỏi tôi một đêm 8 chỗ thì hát kiểu gì, nhưng ở Sài Gòn các vũ trường gần nhau lắm, nội trong quận 1 đã có mấy vũ trường rồi và vũ trường nọ đối diện vũ trường kia. Tôi cứ thế hát chạy vòng vòng quanh các vũ trường đó.
Bây giờ nhu cầu âm nhạc giảm đi nên không có chuyện các địa điểm âm nhạc gần nhau mướn một ca sĩ cùng một đêm nhưng ngày xưa lại khác. Thời đó, nhu cầu âm nhạc của khán giả rất cao, nên chuyện ca sĩ đi hát nhiều địa điểm một đêm là chuyện bình thường.
Tôi cũng là ca sĩ đầu tiên tại Việt Nam làm liveshow, tiên phong cho việc ca sĩ làm show riêng. Thời điểm đó, việc ca sĩ trên thế giới và trong khu vực làm liveshow là chuyện bình thường nhưng Việt Nam thì chưa có.
Dòng nhạc đầu tiên tôi hát là Canto Pop (nhạc Hoa ngữ), nên tôi phải xem rất nhiều clip nhạc bên nước ngoài, đặc biệt ở Hong Kong.
Tôi thấy 'tứ đại thiên vương' Hong Kong (gồm Trương Học Hữu, Quách Phú Thành, Lưu Đức Hoa, Lê Minh) làm liveshow hoành tráng quá nên dự đoán đây sẽ là xu hướng sắp tới tại Việt Nam.
Với đầu óc khá nhạy bén như vậy, tôi quyết định sẽ làm một liveshow riêng cho mình tại Việt Nam.
Liveshow đầu tiên tôi làm là Lời trái tim muốn nói, do cố đạo diễn Phúc Điền chỉ đạo. Tiếp đến, tôi làm liveshow Cho bạn cho tôi.
Cô phóng viên người Nhật gọi thẳng cho Trương Học Hữu để tôi nói chuyện
Tôi cũng là ca sĩ Việt Nam đầu tiên ra nước ngoài làm liveshow, đó là show Chuyện hôm qua. Sau khi tổ chức tại Việt Nam, tôi tiếp tục đưa nó sang Singapore. Tôi tổ chức hẳn tại sân khấu Esplanade, một địa điểm cực kì nổi tiếng ở Singapore.
Tôi đưa hẳn một ekip gần 70 người sang Singapore để làm. Đây là điều vô cùng khó khăn. Ngay cả bây giờ, để một nghệ sĩ làm được điều này đã cực kì khó, huống hồ ở thời điểm ngày xưa.
Trước khi làm show đó, tôi phải sang Sing trước hai tháng để giao lưu cùng sinh viên Việt Nam tại các trường đại học rồi thông báo. Tôi thấy các bạn trông đợi và háo hức lắm nên quyết định làm.
Tôi tiếc một điều là lúc làm liveshow đó chỉ nhắm tới sinh viên Việt Nam, không hướng tới Việt kiều tại Singapore. Tôi không ngờ lúc show diễn ra, cả rạp hát đầy ắp người. Khán giả người Việt mình tới xem rất đông.
Sau đó, tôi còn tổ chức một show diễn nhỏ tại Nhật Bản, hát 6 bài. Trong 6 bài đó, tôi chọn một bài của Trương Học Hữu.
Một phóng viên tạp chí âm nhạc danh tiếng ở Nhật Bản tới phỏng vấn tôi mới hỏi sao tôi là người Việt mà lại chọn hát nhạc ngoại quốc. Tôi trả lời rằng mình bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Trương Học Hữu, dòng nhạc của anh ấy ảnh hưởng rất nhiều tới tôi.
Cô phóng viên đó thấy thế mới bảo cô ấy rất thân với Trương Học Hữu, hỏi tôi có muốn nói chuyện với anh ấy không.
Tôi bất ngờ quá, đồng ý luôn. Thế là cô ấy gọi điện thẳng sang Hong Kong cho Trương Học Hữu giới thiệu tôi rồi chuyển cho tôi nói chuyện.