Người ta thường gọi Hồng Nhung là một diva nhạc nhẹ Việt Nam, với giọng hát đẹp, kĩ thuật và truyền cảm. Cô luôn được đánh giá cao về giọng hát, cũng như cách xử lí ca khúc tinh tế của mình. Tên tuổi của cô cũng gắn liền với nhạc Trịnh và một số nhạc sĩ gạo cội như Phú Quang, Dương Thụ.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ngoài giọng hát trời phú đó, Hồng Nhung còn là một ca sĩ có tư duy, sáng tạo sâu sắc vượt ngoài biên giới 'âm nhạc' theo nghĩa hiểu thường thấy.
Nói cách khác, Hồng Nhung từ nhiều năm trước đã có tư duy âm nhạc phát triển. Từ đó, cô gây dựng một tầm ảnh hưởng không nhỏ tới nhạc Việt nói riêng và showbiz nói chung qua những thứ tưởng chừng không liên quan tới âm nhạc.
Một trong những dấu ấn đi trước showbiz hàng chục năm của Hồng Nhung chính là sự tài tình trong việc xây dựng MV (music video) âm nhạc.
Trong nhiều năm gần đây, hàng loạt MV khủng được ra đời, từ những MV dài hơi bằng cả một câu chuyện như Em gái mưa (Hương Tràm), Duyên mình lỡ (Hương Tràm), Đừng hỏi em vì sao (Mỹ Tâm), Thương em là điều anh không thể ngờ (Noo Phước Thịnh)…, tới những MV táo bạo như Mời anh vào team (Chi Pu), Chị ngả em nâng (Bích Phương)…
Có thể thấy, hầu hết ca sĩ trẻ Vpop đều chú trọng đầu tư MV một cách nghiêm túc, không đơn sơ như thời Thanh Lam, Mỹ Linh, Thu Phương (ca sĩ đứng giữa phố hoặc ra vườn hoa quay clip).
Tuy nhiên, đa số MV đều chạy theo trend, làm cho đẹp để kéo view, nội dung đơn giản, thiếu tính nghệ thuật.
Vậy mà cách đây hơn 20 năm, từ cái thời công nghệ còn sơ sài, thiếu thốn, Hồng Nhung đã đi trước cả showbiz khi làm được hẳn một MV dài tới hơn 10 phút cho ca khúc Đóa hoa vô thường. Đây là MV dài nhất nhạc Việt tính đến thời điểm 2016, trị vì gần 20 năm. Mãi sau này ca sĩ Việt mới dám làm MV dài.
Nhưng không chỉ dài về dung lượng, MV Đóa hoa vô thường còn vượt trội hơn tất cả MV khác trong showbiz từ trước đến nay ở việc truyền tải nội dung, nghệ thuật. Nó vô cùng tinh tế, sâu sắc và dùng hình ảnh để ẩn chứa nhiều mã nghệ thuật phong phú.
Làm MV cho ca khúc nhạc Trịnh rất khó so với các loại nhạc khác, vì nội dung của chúng thường biến ảo, đa nghĩa, trừu tượng, không có nhân vật, câu chuyện rõ ràng. Các MV làm về nhạc Trịnh trước giờ thường chỉ quay ca sĩ và những cảnh thiên nhiên, đời sống, không liên quan tới ca khúc.
Đóa hoa vô thường cũng là một ca khúc mang nội dung trừu tượng, khó hiểu, lại có dung lượng dài, nên việc làm MV cho nó cực kì khó. Thế nhưng, Hồng Nhung với sự sâu sắc trong cảm nhận, thông minh trong tư duy, đã làm được điều không tưởng này.
MV lấy hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm nhân vật chính để thể hiện trọn vẹn tâm tư, tình cảm và những trạng thái tư duy của ông trong ca khúc Đóa hoa vô thường. Đây là hướng phát triển hợp lí.
Đối tượng trữ tình trong nhạc Trịnh luôn là 'em', nên MV cũng sử dụng một diễn viên nữ có thân hình đúng nghĩa 'tìm em, tôi tìm mình hạc xương mai'. Diễn viên nữ này gầy và có chiếc cổ dài theo đúng nỗi ám ảnh thẩm mỹ của Trịnh Công Sơn về vẻ đẹp của người con gái Á Đông.
Một cảnh trong MV Đóa hoa vô thường
Không gian nghệ thuật trong MV theo sát âm hưởng nhạc Trịnh, khi lấy bối cảnh là làng quê Việt Nam, với mái đình, giếng làng, hồ sen…
Nếu không hiểu sâu sắc Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung sẽ khó lòng nắm bắt được những hình ảnh như vậy để làm MV.
Có thể thấy, MV này không chỉ bám sát nội dung của ca khúc Đóa hoa vô thường, thể hiện trực tiếp những mã nghệ thuật khó hiểu trong ca khúc thành hình ảnh sinh động, mà còn tự sáng tạo, phát triển thêm nhiều mã nghệ thuật mới.
Chẳng hạn, vì Đóa hoa vô thường là ca khúc mang đậm âm hưởng Phật giáo, nên MV cũng sử dụng những hình ảnh Phật giáo như những chuỗi tràng hạt có 108 hạt (biểu trưng cho 108 nỗi khổ của con người).
Trong MV, hình ảnh chuỗi tràng hạt xuất hiện liên tục và được Trịnh Công Sơn chủ động đeo lên cổ (để thấu hiểu nỗi khổ loài người). Nó cho thấy, Hồng Nhung thấu hiểu được nỗi đau đáu của nhạc sĩ họ Trịnh về nỗi khổ nhân sinh.
Nhưng điều đặc biệt là các chuỗi tràng hạt trong MV được kết lại từ hạt sen chứ không phải hạt gỗ như thường thấy. Đây là một sáng tạo độc đáo của Hồng Nhung. Hình ảnh hoa sen, hồ sen, lá sen cũng bao trọn MV từ đầu tới cuối.
Hoa sen cũng là biểu tượng của Phật giáo, được xem như dấu hiệu của sự tái sinh, liên tưởng tới sự giác ngộ. Việc hoa sen xuất hiện nhiều như vậy vừa khắc họa tính dân tộc của nhạc Trịnh, lại vừa thể hiện sự giác ngộ.
Hồng Nhung trong MV Đóa hoa vô thường
Hình ảnh thiếu nữ đội tràng hạt bằng hạt sen trên đầu trong MV là một biểu tượng đầy tính nghệ thuật về sự giác ngộ và tái sinh, hướng thiện và tĩnh tại.
Ngoài hoa sen, tràng hạt thì hình ảnh chuông chùa trong MV cũng diễn đạt rất sát suy tưởng triết học mà Trịnh Công Sơn đã dồn nén vào ca khúc này.
Trong Phật giáo, tiếng chuông chùa biểu trưng cho siêu thoát, nhắc mọi người buông bỏ để an yên, tìm đến vô thường. Chính vì thế, chiếc chuông chùa trong MV mới được đặt lên cỗ xe ngựa mà Trịnh Công Sơn đang lái.
Nó biến cỗ xe ngựa này thành cỗ xe vô thường, chở người lái (là nhạc sĩ họ Trịnh) về với 'chốn quê nhà'.
Trong nhạc Trịnh, 'chốn quê nhà' chính là 'chốn vô thường'. Theo quan điểm của Trịnh Công Sơn, con người khi sinh ra là đã rời bỏ 'chốn quê nhà' để vào 'ở trọ trần gian'. Trần gian này chỉ là chốn ở tạm, khi chết đi mới là lúc trở về nhà 'vô thường', nơi lưu giữ bản ngã linh hồn.
Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Một cõi đi về, Cát bụt và được nhắc lại trong Đóa hoa vô thường.
Bởi vậy, hình ảnh Trịnh Công Sơn đánh xe ngựa chở chuông chùa bỏ đi chính là một cách thể hiện sâu sắc về cái chết.
Nói cách khác, cái chết với Trịnh không phải điều đau đớn, mà là cách để giải thoát bản thân khỏi cõi tạm, trở về 'quê nhà'. Chỉ Hồng Nhung mới hiểu được suy tưởng này của Trịnh để làm thành MV.
Thậm chí, ngay sát cảnh Trịnh Công Sơn đánh xe ngựa bỏ đi (cái chết) là cảnh đứa trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ. Hai hình ảnh đối lập nhau đặt cạnh nhau thể hiện rõ hơn tư tưởng Phật giáo của Trịnh Công Sơn:
Trong sự sống có cái đang chết đi, trong cái chết có sự sống đang nảy nầm, sống chết ở trong nhau và nối tiếp nhau. Sinh ra đời chưa chắc đã sướng (có khi là khổ), chết đi chưa chắc đã khổ (có khi là sướng).
Hình ảnh đứa bé bú mẹ này cũng là một trong những táo bạo của Hồng Nhung ở thời điểm cách đây 20 năm.
Cuối MV là cảnh Trịnh Công Sơn biến mất, chỉ còn con ngựa kéo cỗ xe đầy hoa sen trở về, cho thấy cái chết ở đây chính là việc đi tìm sự giác ngộ và đã thành công. Tư tưởng này hơi bi quan.
Tuy nhiên, không bàn đến tính đúng sai của tư tưởng Trịnh Công Sơn, chỉ nhìn vào cách sắp xếp bố cục hình ảnh để thể hiện được triết lí sâu sắc như trong MV này, có thể thấy, hiếm ai làm được như Hồng Nhung.
Không chỉ chứa đựng nhiều mã nghệ thuật sâu sắc, các cảnh quay của MV cũng được kết nối rất ăn khớp với nhạc, ca từ nhưng không lộ liễu.
Chẳng hạn, mở đầu ca khúc là hình ảnh quay chậm trên nền slow tempo; khi giai điệu nhạc tươi sáng lên cũng là thời điểm những cảnh gặp gỡ, ái tình xuất hiện; càng về cuối, beat nhạc càng dồn dập ở đoạn ca từ nói về cái chết cũng là lúc cỗ xe ngựa lăn nhanh như vũ bão.
MV được quay rất đẹp, phối cảnh, ánh sáng, bài trí đều tinh tế, khó có thể chê.
Rõ ràng, với dung lượng lớn, hình ảnh đẹp và cách thể hiện nội dung đậm tính sâu sắc, nghệ thuật, phức tạp như vậy, MV Đóa hoa vô thường xứng đáng đứng đầu danh sách những MV hay nhất lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nó cho thấy một Hồng Nhung quá đẳng cấp từ cách đây 20 năm.
Cho đến tận bây giờ, làng nhạc Việt vẫn hiếm có một MV nào xuất sắc như vậy.