Lên sóng vào đêm 30 Tết, chương trình Tết nghĩa là hy vọng được nối sóng từ 3 điểm cầu Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), đường hoa Tết TP. Đà Nẵng và đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM). Chương trình mang đến cho khán giả hình ảnh đón Tết trên khắp Việt Nam và thế giới, cùng những tiết mục đặc sắc, hoành tráng được ghi hình tại trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam.
Năm Nhâm Dần, Việt Nam đã phải đối mặt với những thách thức to lớn, bất ngờ. Chính trong hoàn cảnh đó, mỗi người dân đất Việt, bằng những việc làm nhỏ bé của mình, đã chung tay vun đắp, nuôi nấng cho hạt mầm hy vọng của đất nước. Tết là hy vọng đưa khán giả trải qua hành trình bằng chuỗi các từ khóa ý nghĩa: Sáng tạo - Đoàn kết - Kỷ cương - Yêu nước - Trung thực - Nghĩa tình - Tự cường - Trách nhiệm.
8 nhân vật ở nhiều độ tuổi, lĩnh vực ngành nghề, sinh sống tại Việt Nam hoặc nước ngoài cùng những câu chuyện về hành trình cống hiến gắn liền với chữ 'Tết': Tết của nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài, Tết của các ngư dân đang ngày đêm vươn khơi bám biển, Tết của các công nhân nơi công xưởng, Tết của những kỹ sư 'áo xanh' đem trí tuệ phụng sự Tổ quốc và nhân dân… Điểm chung của những câu chuyện này là đề cao giá trị phẩm chất con người Việt Nam, qua đó khơi dậy niềm tự hào, niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng, tốt đẹp của đất nước trong năm mới.
Hành trình của Tết nghĩa là hy vọng bắt đầu từ câu chuyện của GS.TS Trần Đăng Xuân (ĐH Hiroshima - Nhật Bản). Bắt nguồn sự trăn trở với hạt gạo Việt Nam, một loại lương thực truyền thống, nuôi nấng biết bao thế hệ, ông và các đồng nghiệp đã tìm ra chất ức chế tế bào ung thư từ chính hạt gạo, mở ra niềm hy vọng cho biết bao cuộc đời. Câu chuyện của giáo sư Đăng Xuân là đại diện cho từ khóa Sáng tạo của chương trình.
Xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ lâu đã nổi tiếng với nhiều danh xưng như làng chài tỉ phú, làng chài giàu nhất Việt Nam. Ở đây, có hơn 80% hộ dân đánh bắt xa bờ và được coi là địa phương làm giàu từ biển. Từ năm 2014, thu nhập bình quân đầu người ở đây đã ở mức trên 2.500 USD/năm. Niềm vui sung túc của họ được thể hiện từ câu chuyện của một tỉ phú ngư dân - anh Nguyễn Văn Nhỏ, vươn lên từ hai bàn tay trắng từ năm 1987 tới nay.
Năm 2020 - 2021, dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều ngư dân gặp khó khăn. Hải sản đánh bắt chỉ thu hồi được một phần nhỏ vốn, như cách anh Nguyễn Văn Nhỏ chia sẻ là '10 đồng chỉ thu về được 1 - 2 đồng'. 'Bán không được nên phải xúc đổ bỏ về biển. Đánh bắt đã vất vả mà xúc bỏ đi còn vất vả hơn. Cảm tưởng như con mình đẻ ra phải đem vứt bỏ nó, xót xa lắm', anh Nguyễn Văn Nhỏ cho biết. Trong hoàn cảnh ấy, các ngư dân đã cùng đoàn kết, hỗ trợ và chia sẻ để vượt qua khó khăn hoạn nạn. Câu chuyện của các ngư dân xã Phước Tỉnh cũng là một đại diện cho tinh thần đoàn kết của người dân Việt.
Câu chuyện về tinh thần tự cường của người Việt được chia sẻ qua hành trình tạo ra buồng lái mô phỏng máy bay Su của các kỹ sư người Việt. Sản phẩm không chỉ là mong muốn người Việt Nam sẽ không bị phụ thuộc vào nước ngoài, tự chủ tự cường.mà còn mang đến niềm tự hào cho người dân Việt Nam.
Không chỉ vậy, từ khóa 'tự cường' còn được cảm nhận đầy cảm xúc với câu chuyện của vận động viên bóng đá Chương Thị Kiều. Cô gái vàng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam là một người kiên cường. Sự nghiệp thăng hoa của cô luôn đi kèm với chấn thương. Cô tham gia đá vòng loại World Cup khi mới phục hồi được 60%. Mới đây, cô tiếp tục là vận động viên đầu tiên phải phẫu thuật cả hai chân. Nhưng vượt qua những khó khăn, Chương Thị Kiều vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê với trái bóng tròn, cống hiến hết mình cho đội tuyển Việt Nam.
Việt Nam được thế giới đánh giá là 'con hổ mới ở châu Á'. Mỗi người Việt, bằng những phẩm chất ưu tú của mình, đã là một mùa xuân nho nhỏ, góp phần dựng xây đất nước. Những phẩm chất ưu tú đó được xây dựng theo 8 từ khóa thể hiện Hệ giá trị con người Việt Nam, bao gồm: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị nhân văn cao đẹp đã giúp Việt Nâm vượt qua thử thách trong quá khứ phải được tiếp tục gìn giữ, bổ sung, phát huy trên con đường dựng xây cơ đồ đất nước ở những chặng đường tiếp theo.
Ngoài ra, trong chương trình, khán giả đã được hòa mình trong giai điệu cảm xúc của những khúc nhạc xuân vui nhộn như: Mùa xuân nho nhỏ, Lời tỏ tình của mùa xuân, Đường bốn mùa xuân, Tết là hy vọng, Mùa xuân trên quê hương, Ly rượu mừng, Khi vui xuân sang, Ô mê ly, Lắng nghe mùa xuân về..., qua giọng hát của nhiều nghệ sĩ từ Bắc vào Nam như ca sĩ Thu Phương, Phương Thanh, Đông Nhi, Đức Tuấn, Tùng Dương, Ngọc Khuê, Vũ Thắng Lợi, Bảo Trâm, Hồng Duyên, nhóm Oplus...