Ca khúc “See tình” của Hoàng Thùy Linh gây sốt tại nhiều quốc gia.
Âm nhạc Việt ra thế giới
Thời gian gần đây, ca khúc “See tình” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh đang nhận được sự quan tâm của người yêu nhạc trên khắp thế giới. Ca khúc “See tình” hiện đang tiếp tục gây sốt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Nhiều khán giả đánh giá, ca khúc “See tình” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh là một ca khúc hiện đại, trẻ trung. Phần MV và ca nhạc đã tao ra sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Đầu tháng 5 vừa qua, Sơn Tùng M-TP phát hành ca khúc “Making my way”, đánh dấu sự trở lại sau một năm vắng bóng. Việc ra mắt một ca khúc hoàn toàn bằng tiếng Anh được xem là động thái của Sơn Tùng nhằm hướng tới thị trường quốc tế.
Nhóm Ca Vũ biểu diễn tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô 2022.
Trước đó, với sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng số, nhiều nhà sản xuất âm nhạc đã nỗ lực kết nối, quảng bá các sản phẩm âm nhạc Việt trên các nền tảng số như album “The Tales” của 3 giọng ca Mai Khôi, Thủy Tiên, Lê Hiếu trên Amazon… Cùng với đó, nhiều giọng ca trẻ đã tận dụng các nền tảng số để phát triển sự nghiệp của mình và bắt đầu có dấu ấn trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những hiện tượng đơn lẻ. Doanh thu của nhạc Việt trên thị trường thế giới, kể cả với những bản hit vừa qua, cũng rất thấp.
Theo nhận định của một số chuyên gia, vấn đề quan trọng để âm nhạc Việt Nam có thể vươn ra thế giới và có chỗ đứng vững vàng thì cần phải có được sản phẩm tốt với chất lượng đúng “chuẩn quốc tế”. Bên cạnh đó, khi biểu diễn trước khán giả nước ngoài, ca sĩ cần trang bị kỹ năng truyền tải âm nhạc qua ngôn ngữ cơ thể, kỹ năng nói chuyện trước đám đông.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, để đưa tác phẩm âm nhạc ra thế giới nếu chỉ dựa vào khát vọng của người nghệ sĩ thì chưa đủ. Hiện thị trường âm nhạc Việt Nam vẫn còn khá khép kín, để đưa âm nhạc Việt ra thế giới thì nghệ sĩ cũng cần có những cầu nối và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.
Ngô Hồng Quang trong buổi biểu diễn cùng nhóm Saiyuki Trio tại Annecy (Pháp).
Cần có chiến lược dài hơi
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có nghệ thuật biểu diễn, trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, xuất khẩu âm nhạc là một trong những hướng đi đúng đắn, song vẫn còn những rào cản.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, việc tham gia vào đời sống âm nhạc thế giới chính là cách tốt nhất để nâng cao năng lực của nghệ sĩ và chỉ có năng lực sáng tạo mới là con đường duy nhất để hội nhập và phát triển. Và trước tiên, hãy mở cửa ra với thế giới để học hỏi, cọ xát nâng cao năng lực nghệ sĩ.
“Chúng ta có nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc, nhưng đó mới chỉ là nguồn lực, tài nguyên mà chúng ta chưa thể khai thác hay mài dũa thành các sản phẩm có chất lượng. Tôi nghĩ ngoài khát vọng vươn ra thế giới, cần có kế hoạch tỉ mỉ và nền công nghiệp âm nhạc cũng như đời sống âm nhạc Việt Nam phong phú" - nhạc sĩ Quốc Trung nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Phương Đông - nhà sáng lập và điều hành Hot Panda Media - đơn vị quảng bá và sản xuất âm nhạc hợp tác quốc tế, để xuất khẩu âm nhạc thì nghệ sĩ và sản phẩm của họ phải đặc sắc, có tố chất riêng, có triển vọng. Tiếp đó, họ phải được đầu tư về khả năng truyền tải tác phẩm để đạt chất lượng “chuẩn quốc tế”.
“Rào cản đối với việc nghệ sĩ Việt Nam bước ra thế giới vẫn là vấn đề ngôn ngữ và kinh phí. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam chưa xây dựng hình ảnh, chưa chứng minh được sức hút lâu dài sau một sản phẩm có tiếng vang…” – ông Đông nói.
Một số ý kiến cũng cho rằng, thực tế hiện nay có một số bài hát Việt Nam nổi tiếng trên thế giới, nhưng với nghệ sĩ Việt sau bài hát đó vẫn chưa bật lên được. Vì vậy, vấn đề ở đây không phải là một bài hát mà là chiến lược xây dựng hình ảnh, để sau bài hát đó người ta tìm đến nghệ sĩ và theo dõi họ.
Hiệu ứng một số ca khúc của Việt Nam thời gian qua đã mở ra cánh cửa để thế giới hiểu được nhiều hơn về thị trường âm nhạc Việt. Tuy nhiên để có vị trí vững vàng khi bước ra thế giới thì cần phải có chiến lược và tầm nhìn dài hơi của các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng cần chủ động tiếp cận các chương trình, quỹ, đơn vị phân phối, truyền thông quốc tế để hỗ trợ đưa âm nhạc của mình đến với khán giả thế giới.
Âm nhạc Việt Nam đang từng bước khẳng định tên tuổi trên bản đồ âm nhạc quốc tế. Nhiều nhạc sĩ trẻ nỗ lực đưa sáng tác của mình lọt vào các bảng xếp hạng toàn cầu. Tuy nhiên, việc chinh phục thị trường âm nhạc thế giới vẫn còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ từ phía cơ quan chức năng mà từ chính những nghệ sĩ.