Rapper B Ray vừa bị chỉ trích vì ca khúc có ca từ phản cảm (Ảnh: Facebook nhân vật).
Tràn ngập mạng xã hội
Mới đây, rapper B Ray (tên thật Trần Thiện Thanh Bảo) gây xôn xao với ca khúc mới 'Để ai cần'. Sản phẩm âm nhạc này có những ca từ dung tục, xúc phạm phụ nữ như 'Anh mong em đánh bại được ung thư/ Chỉ để bị ung thư thêm lần nữa/ Tính chuyện gì cũng không thành/ Chúc em khi bệnh không người thăm'...
Ngày 3-1, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã làm việc với rapper này và sẽ sớm đưa ra quyết định trong việc xử lý sai phạm. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, B Ray nhận lỗi vì đã biểu diễn ca khúc 'Để ai cần' trong show diễn tại thành phố Hồ Chí Minh. Bản rap này cũng được lưu hành trên mạng xã hội.
Trước đó, năm 2021, rapper Chị Cả bị xử phạt 45 triệu đồng vì sản phẩm âm nhạc 'Censored'('Mua cho con chiếc còng tay') có quan điểm lệch lạc, trái thuần phong mỹ tục gây phẫn nộ.
Cùng thời điểm, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xử phạt số tiền 45 triệu đồng đối với rapper Chí (tên thật Lê Vũ An) - thành viên nhóm Rap Nhà Làm vì lưu hành bản ghi âm 'Thích Ca Mâu Chí' trên mạng xã hội có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngoài ra, dù không nằm trong danh sách bị xử phạt, nhưng hàng loạt bản rap như 'Mẩy thật mẩy' của BigDaddy, 'Lái máy bay' của Bình Gold, 'Cypher nhà làm' của nhóm Rap Nhà Làm... cũng bị chỉ trích mạnh mẽ do các ngôn từ thô tục xuất hiện dày đặc. Không chỉ vậy, MV giới thiệu những sản phẩm này còn dày đặc hình ảnh 18+ khiến công chúng lo ngại.
Giải pháp nào?
Rapper Hà Lê cho rằng, các bản rap có nội dung dung tục, thiếu thẩm mỹ không phải vấn đề mới mà đã xuất hiện từ rất lâu trước đó. 'Một cách tổng quan, tôi cho rằng đó là câu chuyện về sự thích nghi của một loại hình văn hóa, nghệ thuật từ phương Tây khi du nhập về Việt Nam. Những người yêu thích, lĩnh hội loại hình văn hóa này sẽ phải tìm cách để thích nghi và phát triển nó sao cho phù hợp với nền văn hóa truyền thống của dân tộc'.
Còn theo các chuyên gia truyền thông, trong nghệ thuật, đặc biệt là rap, ngôn từ mạnh mẽ thường được sử dụng để truyền đạt thông điệp hoặc cảm xúc một cách mãnh liệt. Rap, với bản chất phản ánh văn hóa đường phố và cuộc sống thực tế, đôi khi không tránh khỏi sự thô ráp hoặc gai góc trong từ ngữ. Nhưng lằn ranh giữa thô ráp và thô tục rất khó phân định một cách chính xác. Các bài hát gây sốc hoặc tranh cãi thường thu hút sự chú ý, tạo ra tương tác mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này đôi khi trở thành một chiến lược truyền thông có chủ ý. Với đặc thù 'underground' của các rapper, họ sẽ tận dụng triệt để yếu tố này và coi nó như thế mạnh hơn hẳn nghệ sĩ ở lĩnh vực khác. Kiểu như, chúng tôi không định lên ti vi, báo đài và các chương trình truyền hình lớn nên chúng tôi không ngại va chạm với truyền thông.
Bên cạnh đó, có ý kiến cũng cho rằng khác biệt văn hóa là một yếu tố quan trọng dẫn đến rap dung tục, phản cảm xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Những gì bị coi là 'trái đạo lý' hoặc 'tục tĩu' có thể khác nhau giữa các nền văn hóa. Điều này dẫn đến sự đa dạng trong cách tiếp nhận và chấp nhận nội dung trên mạng xã hội. Đặc biệt với các bạn trẻ Gen Z vốn chấp nhận 'rap thế giới' một cách rộng rãi sẽ có xu hướng dễ đón nhận phiên bản 'nhẹ đô' hơn ở Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang bày tỏ, hiện tại chúng ta chỉ có chế tài hình sự trong việc đưa thông tin sai sự thật, chứ chúng ta chưa có chế tài hình sự đủ mạnh để ngăn chặn hành vi phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Đây chính là lỗ hổng để giới nghệ sĩ thời gian qua có nhiều sản phẩm chứa đựng ngôn ngữ dung tục, phản cảm, được sản xuất và phát sóng tự do trên mạng xã hội.
Bàn về giải pháp có thể hạn chế, thậm chí ngăn chặn rap dung tục, trái đạo lý xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng: 'Bên cạnh các biện pháp quản lý về văn hóa và pháp luật, thì việc 'dùng cái tốt đốt cái xấu' là vô cùng quan trọng với rap. Vì sự đón nhận của khán giả và cộng đồng rapper nói chung sẽ quyết định hướng đi rap Việt. Nếu các nội dung rap lành mạnh, trong sáng và có giới hạn được 'ươm tưới' để phát triển mạnh mẽ thì nó sẽ hình thành trào lưu rap sạch, và áp đảo rap bẩn. Đó là giải pháp căn cơ'.
'Đã đến lúc cơ quan chức năng cần ban hành các chế tài mang tính hình sự đối với những hành vi phát ngôn hoặc các sản phẩm mạng xã hội mang tính dung tục, kèm ngôn từ 'gây chiến', công kích, kích động sự thù hằn, bạo lực và phân biệt chủng tộc. Ở góc nhìn văn hóa, việc sử dụng ngôn từ tục tĩu, có tính công kích nhau cũng chẳng khác nào một thứ vũ khí vô hình có thể 'đoạt mạng' bất cứ ai về mặt tâm lý sức khỏe và danh dự' - ông Ngô Hương Giang thẳng thắn.