Ở thời điểm hiện tại, bộ phim Hương vị tình thân thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhiều khán giả. Nhân vật bà Xuân - diễn viên Quách Thu Phương đóng được bầu chọn là một trong bốn nhân vật đáng ghét nhất phim. Thế nhưng trong những diễn biến mới của bộ phim gần đây, nhân vật này lại nhận được nhiều sự đồng cảm.
Bà Xuân là một người mẹ, người vợ và người con dâu với quá nhiều tính cách phù phiếm, bộp chộp, trẻ con. Bà từng tiết lộ ngày trẻ đã hi sinh tuổi xuân, sự nghiệp để ở nhà chăm sóc con cái, vun vén cho gia đình. Thế giới của bà chỉ quanh quẩn ở nhà bên chồng con, mẹ chồng và một vài người bạn. Có lẽ vì vậy mà nhận thức của bà bị hạn chế, cả tin.
Sau nhiều năm dành cả cuộc đời cho chồng, con, bà Xuân rơi vào trạng thái tủi thân, cô độc trong chính gia đình của mình. Bà cảm thấy mọi người 'coi thường' mình khi chẳng có tiếng nói. Ra sức ngăn cản tình yêu của con trai mình với Phương Nam nhưng bà cảm thấy bất lực khi mẹ chồng, chồng quyết định cho 2 người đó đến với nhau. Không bảo được con, bà lại bị chồng tỏ thái độ lạnh nhạt. Từ vị trí người mẹ và người vợ, bà cảm thấy mình chẳng khác người ở trọ trong nhà. Đỉnh điểm là bà stress tìm đến tự vẫn sau những việc làm cố chứng minh sự quan trọng, nhìn nhận của mọi thành viên trong gia đình mà không được.
Nhân vật bà Xuân phản chiếu hình ảnh của nhiều phụ nữ ở nhà nội trợ trong thực tế. Bi kịch của bà Xuân không cá biệt mà khá phổ biến ở những người phụ nữ quanh quẩn nơi xó bếp.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, tâm lý của người phụ nữ Á Đông thường có suy nghĩ hi sinh tất cả cho gia đình, 'cá chuối đắm đuối vì con'… Đây là đức tính tốt của người phụ nữ. Thế nhưng, có những phụ nữ chấp nhận ở nhà nội trợ, vì mải hi sinh cho gia đình mà 'xuề xòa' với bản thân. Họ quên đi việc chăm chút cho ngoại hình của mình, quên đi việc mình cần giao tiếp với bên ngoài, cập nhật và học tập…Thậm chí, có người lại sống quá phụ thuộc vào nửa kia của mình, dần dần những người ở xung quanh tự động quên và coi nhẹ.
Một người phụ nữ chỉ quanh quẩn ở nhà, không biết gì về thế giới ngoài kia ở xã hội hiện đại rất dễ tụt lùi. Họ cũng dễ trở thành tâm điểm chỉ trích. Nếu cứ sống mãi trong môi trường không công việc, ít giao lưu và lại không nhận được sự tôn trọng của đối phương, dần sẽ sinh ra trầm cảm, stress, xấu tính, tầm nhìn hạn hẹp...
Tuy nhiên cũng có những trường hợp phụ nữ chấp nhận ở nhà làm nội trợ vẫn có được hạnh phúc. Họ không ra ngoài làm việc nhưng vẫn duy trì được một đời sống tinh thần phong phú, có đam mê và sở thích riêng của mình… Điều quan trọng chính là người phụ nữ tôn trọng chính mình. Việc từ bỏ sự độc lập của mình là nguyên nhân dễ dẫn tới các bi kịch.
Theo chuyên gia tâm lý, với người phụ nữ khi trở thành người vợ, người mẹ ắt có nhiều việc phải làm. Nhưng đằng sau ý thức hi sinh, điều quan trọng là người mẹ không được từ bỏ chính mình, sẵn sàng quay lại làm việc bất cứ lúc nào. Thời gian sẽ chứng minh, chỉ quanh quẩn nơi xó bếp và lại phụ thuộc kinh tế sẽ là điều sai lầm mà người phụ nữ lựa chọn.
Thực tế, không ít trường hợp phụ nữ ở nhà làm quật quận suốt ngày với bao việc không tên. Nhưng tất cả việc đó không ai trả lương mà vô hình còn bị coi là 'ăn bám'. Nếu người đàn ông lại thiếu đi sự sẻ chia, người phụ nữ ở nhà dần khó có được sự tôn trọng. Chúng ta vẫn thường gặp những câu nói của người chồng với người vợ ở nhà rằng: 'cả ngày ở nhà mà có mỗi chăm con không xong' hay cả ngày nay cô làm gì ở nhà; không phải đi làm kiếm tiền chỉ ở nhà tiêu tiền sướng quá còn gì… là vậy.