Di chứng chất độc da cam khiến thầy Đào Thanh Hương (sinh năm 1976), Trường THCS Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa bị khuyết đôi bàn chân và một phần cánh tay trái. Thế nhưng, thầy Hương đã nỗ lực vượt nghịch cảnh, chinh phục ước mơ đến với nghề giáo, có một tổ ấm hạnh phúc nhiều người mơ ước và còn lập quỹ khuyến học giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hành trình vượt khó và lan tỏa yêu thương này sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương, chủ đề 'Vấp ngã đừng gục ngã' lên sóng lúc 10h00 ngày 26/11/2022 trên kênh VTV1.
Xuất hiện trên sân khấu Trạm yêu thương với nụ cười hiền từ, thầy Đào Thanh Hương tự tin giới thiệu về bản thân với đôi chân 'đặc biệt'. Anh cho biết: 'Khi sinh ra cơ thể mình đã khuyết đi đôi bàn chân và một phần cánh tay trái do di chứng chất độc da cam mà bố mắc phải khi chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Đặc biệt, cái tên Thanh Hương cũng là do bố mình đặt cho trước khi ra chiến trường với mong muốn cuộc đời của mình sẽ thanh bình yên ả'.
Dù vậy, cuộc sống của anh Hương không hề dễ dàng. Không có chân nên việc đi lại rất khó khăn. Để đi được xe đạp, bố anh phải tìm mua cho cậu con trai đôi bàn chân giả để gắn vào phần đế chân. Khi bắt đầu tập đi xe, cứ leo lên là ngã nhưng vẫn một mực quyết tâm: 'không học đi xe được thì con không làm được gì nữa'.
Ngoài việc phải đi được, anh Hương còn tự nhủ bản thân phải học thật giỏi. Do ngoại hình không giống bạn bè cùng trang lứa, anh Hương thường xuyên bị bạn bè trêu đùa. Anh tâm sự những lúc như thế lại cố gắng học thật giỏi để bạn bè nhìn mình bằng ánh mắt khác. 'Năm 1990 - 1991, mình có tác phẩm đạt giải thơ văn toàn quốc. Tên mình, tên trường, tên lớp hiện trên mặt báo, mình nổi tiếng cả trường. Bạn bè khâm phục lắm', anh Hương vui vẻ nhớ lại.
Chia sẻ về công việc hiện tại, anh Hương cho biết: Hình ảnh mẹ là giáo viên ngồi bên chiếc đèn dầu chấm bài cho học sinh luôn khiến cậu con trai xúc động. Chính vì vậy mà anh đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành thầy giáo'. Năm 1994, tốt nghiệp PTTH, anh Hương thi vào khoa Sư phạm Ngữ văn của trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa (nay là trường Đại học Hồng Đức). Kỳ thi năm ấy anh đỗ với số điểm tương đối cao. Nhưng do đặc thù tuyển sinh của ngành sư phạm, nên anh Hương không đáp ứng được tiêu chuẩn của trường. Sau một tuần suy nghĩ bản thân không thể từ bỏ ước mơ, anh Hương đã viết tâm thư gửi lên ban giám hiệu trình bày mong muốn được đi học. 'Khi nhà trường thông báo cho phép nhập học, tôi vỡ òa trong sung sướng', thầy giáo Hương kể lại.
Tốt nghiệp Đại học, anh Hương được nhận vào giảng dạy tại trường THCS Đa Lộc. 'Ngày đầu tiên đi dạy là ngày 5/9/1998, bước vào lớp học sinh không chào. Có thể các bạn không tin là mình đến dạy học. Nhưng khi vừa hết tiết, cả lớp đứng lên chào mình với một tràng vỗ tay rất dài. Đến ngày hôm nay mình vẫn không quên khoảnh khắc ấy, đó cũng là tràng vỗ tay khích lệ mà mình thấy ấn tượng nhất trong cuộc đời này', anh Hương xúc động kể lại. Suốt quãng thời gian gắn bó với nghề giáo, anh liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Để có được như ngày hôm nay, anh Hương không thể quên được 'hậu phương' vững chắc đó là người vợ, người đồng nghiệp - cô giáo Trần Thị Hương: 'Ngày đó mình cũng chỉ là anh giáo làng, mới ra nghề, chưa nói đến bản thân là người khuyết tật thì làm gì nghĩ đến chuyện ai yêu hay lấy được vợ. Năm đó là năm 2003, trong một chuyến đi tập huấn thay sách giáo khoa cách nhà hơn 10km, mình tình cờ gặp một cô sinh viên mới ra trường cũng đang đi thực tập tại đây. Rất có duyên là cô giáo lại trùng tên với mình. Tháng 10 năm đó, cô Hương được cử về công tác cùng tổ với mình và cả hai nảy sinh tình cảm với nhau từ đó'. Dù gặp không ít khó khăn nhưng đến nay mái ấm của hai vợ chồng anh Hương đã có trái ngọt là hai người con trai (con lớn lớp 11 và con nhỏ lớp 5).
Gần 25 năm công tác trên giảng đường, không chỉ là những người thầy giỏi, tận tâm với nghề, vợ chồng thầy Hương còn lập quỹ khuyến học Song Hương để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng nhân tài trên quê hương Đa Lộc. Sự xuất hiện bất ngờ của các học sinh do chính tay anh dìu dắt trên sân khấu Trạm yêu thương đã khiến người thầy khuyết tật vô cùng cảm động.
Chia sẻ về tương lai, anh Đào Thanh Hương mong muốn tiếp tục sự nghiệp trồng người và giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn viết tiếp ước mơ của chính mình. Món quà của Trạm yêu thương sẽ tiếp thêm sức mạnh trên hành trình lan tỏa yêu thương đầy nhân văn này.
Hành trình vượt qua khó khăn và câu chuyện tình yêu cổ tích của anh Đào Thanh Hương sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương, chủ đề 'Vấp ngã đừng gục ngã' lên sóng lúc 10h00 ngày 26/11 trên kênh VTV1.