Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Quang Vinh.
Đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho thí sinh
Báo cáo của Bộ GDĐT cho hay, kỳ thi xét tuyển ĐH, CĐ năm 2022 có 5 phương thức xét tuyển số lượng thí sinh nhập học cao nhất gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng theo đề án của trường, xét theo bài thi đánh giá năng lực và phương thức khác. Cùng với đó, cũng có 5 phương thức xét tuyển với số lượng thí sinh nhập học thấp nhất gồm: Xét tuyển qua phỏng vấn, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT, thi văn hóa ở các trường.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, tổng hợp cho thấy năm 2022 có tới 20 phương thức tuyển sinh do các trường đề xuất lên, Bộ thấy cần phải xem xét vì có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. Khi nhìn phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể. Do đó, các trường hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau, để đảm bảo hiệu quả công bằng giữa các thí sinh trong quá trình tuyển sinh. Ông Sơn nhấn mạnh, các trường phải rà soát lại, phân tích kết quả tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên để có điều chỉnh trong năm 2023. Cố gắng làm thế nào để đơn giản hóa cho thí sinh, để đến năm 2023 trên phần mềm thí sinh không cần phải lựa chọn phương thức nữa, chỉ cần chọn ngành, chương trình đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) thông tin thêm, năm 2022 có 204 lượt phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo không có thí sinh xác nhận nhập học; 104 lượt phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo chỉ có dưới 10% thí sinh nhập học so với chỉ tiêu. Bà Thủy cho rằng, nhìn vào con số này có thể thấy nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả, gây nhiễu loạn thông tin cho thí sinh, do đó, năm tới đây sẽ kiên quyết loại bỏ các phương thức này.
Thống kê cụ thể việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp
Trước băn khoăn của người học về việc trong năm 2022, có nhiều ngành chỉ tuyển được rất ít thí sinh, tình trạng này sẽ được giải quyết như thế nào ở mùa tuyển sinh 2023? Bà Nguyễn Thu Thủy cho hay, Bộ GDĐT sẽ ban hành danh mục thống kê ngành thí điểm, lựa chọn chỉ đưa vào những ngành mới tuyển sinh tốt hoặc có dự báo tin cậy về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. Đồng thời, Bộ sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát lại các ngành tuyển sinh, loại bỏ những ngành đào tạo mà xã hội không còn nhu cầu và những ngành mới đào tạo thí điểm nhưng kém hiệu quả.
Theo phân tích của Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH: Sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong tuyển sinh buộc các cơ sở đào tạo phải nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học, đồng thời đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo; giúp toàn hệ thống giáo dục ĐH loại bỏ những cơ sở đào tạo, ngành đào tạo yếu kém, nâng cao chất lượng tuyển sinh và qua đó nâng cao chất lượng đào ĐH. Tới đây Bộ GDĐT sẽ kết nối cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội để thống kê tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp; phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin định hướng cho các cơ sở đào tạo về xu hướng thay đổi nhu cầu của thị trường lao động đối với các ngành đào tạo.
Bộ GDĐT cho biết, năm 2023 sẽ xem xét, có thể không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà quy định tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT- xét tuyển đợt 1, đồng thời Bộ cũng sẽ rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 để giảm căng thẳng cho thí sinh; yêu cầu các cơ sở đào tạo sớm hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.