Không phải đợi tới miniseries của đài HBO, thảm họa hạt nhân Chernobyl mới được truyền thông khai thác. Trước loạt phim này đã có vô số hồi ký, phim ảnh và tư liệu phỏng vấn và phỏng đoán nạn nhân của sự cố nổ nhà máy hạt nhân khủng khiếp năm 1986 tại Chernobyl, Ukraine. Cái khó của Chernobyl là làm sao đưa đến một câu chuyện khách quan, gần với sự thật nhất có thể sau quá nhiều năm che đậy và tẩy xóa lịch sử của Liên Xô.
Trailer Chernobyl (2019)
Trong khi bộ phim của biên kịch Craig Mazin và đạo diễn Johan Renck đã xuất sắc phác họa bức tranh thảm họa với đầy đủ phe thiện - ác, nạn nhân - tội phạm với độ chính xác lịch sử đáng kinh ngạc, Chernobyl vẫn gặp phải một số lỗi cố hữu của truyền hình Mỹ mà nếu không nêu ra ở đây, sẽ thật khó để đánh giá khách quan giá trị của series này.
Giá trị để lại
Với 5 tập phim, Chernobyl đã đưa tới cho người xem câu trả lời một cách ngắn gọn và đầy đủ về những gì rất có thể đã xảy ra trong và sau cái đêm định mệnh 26/4/1986. Những diễn biến từ việc làm thế nào mà một thử nghiệm hạt nhân với năng lượng cực thấp lại dẫn đến vụ nổ thổi bay cả nắp tấm thép hàng nghìn tấn, rồi tại sao phải mất tới vài ngày người dân tại đây mới được thông báo để rồi vội vã di tản, cuộc chiến với những hậu quả trực tiếp và lâu dài cam go ra sao, tất cả được gói gọn trong khoảng 5 tiếng phim. Thậm chí cả quá trình phản ứng hóa học diễn ra trong lò hạt nhân cũng được nhân vật Valery Legasov thuyết trình cực kỳ dễ hiểu mà vẫn ám ảnh khôn nguôi.
Series có điểm IMDb cao nhất lịch sử 'Chernobyl' đúng và sai chỗ nào?
Như đã nhắc đến ở trên, Chernobyl khiến người xem bất ngờ với độ chính xác về bối cảnh, trang phục, ánh sáng cho tới ngôn ngữ. Chúng ta như được trở về thập niên 80 tại Liên Xô, trong những ngày đen tối nhất của thảm họa hạt nhân. Nếu xem lại những bức ảnh tư liệu của các nhân vật lịch sử có thật, có thể thấy HBO đã đầu tư thế nào cho hóa trang và chọn lựa diễn viên. Các nạn nhân bị bỏng phóng xạ được hóa trang chân thực tới mức khán giả phải rùng mình. Nhân vật Tổng bí thư của David Dencik trông cứ như phiên bản clone của Mikhail Gorbachev ngoài đời thực.
Những bộ quần áo của lính cứu hỏa nhiễm xạ vẫn bị bỏ lại trong bệnh viện Chernobyl và cho đến ngày nay vẫn cực kỳ nguy hiểm nếu tiếp xúc.
Chất liệu văn hóa dưới thời Liên Xô được khắc họa với quy mô và độ chính xác chưa từng được thấy trong truyền hình hoặc điện ảnh Tây phương. Sự quan liêu, trì trệ của giới lãnh đạo ngày đó đã được chỉ ra là nguyên nhân gián tiếp gây ra thảm họa và làm trầm trọng hóa ảnh hưởng của nó. Dĩ nhiên ở vấn đề này, Chernobyl đã được lòng khán giả Mỹ.
Chernobyl quy tụ hàng loạt diễn viên tên tuổi châu Âu, nhất là Anh quốc như Jared Harris, Stellan Skarsgård, Emily Watson, Paul Ritter. Sự lão luyện và chuyên nghiệp của dàn diễn viên đã đem tới sự chân thực trong từng cảnh quay, nhất là Jared Harris và Stellan Skarsgård trong vai hai người đàn ông 'gánh show' đứng mũi chịu sào chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả của thảm họa lò phản ứng: nhà khoa học Valery Legasov và phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng Boris Shcherbina.
Những hạt sạn còn để lại
Là một series của Mỹ, Chernobyl khó tránh khỏi những điểm yếu cố hữu mà Hollywood từ lâu đã (cố tình) mắc phải. Trong quá trình đi tìm câu trả lời cho sự thật nào đằng sau vụ nổ hạt nhân, Chernobyl đã tạo ra hai khối thiện - ác rõ rệt. Nhân vật trợ lý kỹ sư trưởng tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl Anatoly Dyatlov trong tập cuối phim được mô tả như một kẻ mù quáng vì danh vọng, điên rồ, hung bạo và hành động thiếu lý trí.
Trong khi điều này còn gây tranh cãi, việc đổ tất cả trách nhiệm lên đầu Dyatlov và khắc họa các nhân vật còn lại như những người thiếu kinh nghiệm nhưng tốt bụng đã áp đặt cái danh phản diện cho nhân vật này. Giây phút cuối cùng trong buồng điều khiển đã không còn ai sống sót mà kể lại, thế nhưng động cơ để Dyatlov hành động như vậy có vẻ còn chưa thuyết phục.
Tương tự, chính quyền Xô Viết cũng được nhìn qua lăng kính của Tây phương là một bộ máy chính trị chậm chạp, quan liêu đến mức đáng sợ. Sự thật là, những chuyện như thanh trừng bằng cách bắn bỏ như các nhân vật vẫn dọa nhau trong phim không phải là điều phổ biến tại Liên Xô sau những năm 1930. Nhiều chi tiết được tin là đã được thêm thắt để tăng thêm phần kịch tính và hạn chế những nỗ lực thực tế của liên bang này trong thảm họa. Ví dụ như chi tiết chiếc máy bay bị rơi trong phim theo nhiều báo cáo là do bị va vào một thanh sắt, chứ không phải là do bay quá gần cột khói phóng xạ như trong phim mô tả.
Một trong những nhân vật mạnh mẽ và đáng kính trọng nhất phim, nữ khoa học gia Ulana Khomyuk hóa ra lại là sản phẩm hư cấu của miniseries. Một mặt, các nhà làm phim muốn qua Khomyuk, 'thay mặt toàn thể đóng góp của những nhà khoa học đã làm việc không ngừng nghỉ và đối mặt với hiểm nguy để tìm ra chân tướng'.
Mặt khác, dầu vậy, sự hư cấu của Khomyuk lồ lộ ngay từ những tập phim đầu tiên. Trong khi các nhân vật khác bị theo dõi, dọa bắn giết, giam cầm, một mình bà thản nhiên qua lại từ Minsk tới Chernobyl, phỏng vấn các nạn nhân, gặp mặt ban điều hành và dấn thân vào vùng nhiễm xạ nặng nề mà không gặp vấn đề gì. Ở nhân vật Khomyuk là sự xông xáo tìm kiếm sự thật, luôn tìm ra được sự thật và đòi hỏi cải cách - một thông điệp rất 'Mỹ' mà đáng lẽ nên tiết chế lại khi làm về một series có tính khách quan như Chernobyl.
Toàn bộ phiên tòa chất vấn nơi Khomyuk, Valery và Boris lần lượt mô tả lại những gì đã xảy ra cũng được biến tấu để khán giả quay ngược thời gian hiểu tường tận vấn đề. Trong khi cố gắng giải trình những phản ứng hóa học, phân tích hành động của các nhân vật trước giờ phút định mệnh ấy, khán giả nhận ra sự 'diễn' trong kịch bản bởi thực tế không có một phiên tòa nào như vậy.
Bộ phim kết thúc mà thiếu vắng góc nhìn của nhiều nạn nhân. Trừ anh lính cứu hỏa và cô vợ bầu, trừ bà già vắt sữa bò không chịu di tản thì hầu hết Chernobyl được kể dưới con mắt của Valery, của Boris, của Khomyuk (nhắc lại, đây là một nhân vật hư cấu). Ngay cả cảnh đi giết thú nuôi bị nhiễm xạ cũng được quay từ phía người lính cầm súng. Chúng đã có thể trở nên bi thương hơn nhiều, nếu như nhiều nạn nhân được lên tiếng hơn.
Xây dựng từ thảm họa có thật, Chernobyl là hiện tượng truyền hình xứng đáng được học hỏi về nghệ thuật kẻ chuyện, dựng phim, bối cảnh lẫn diễn xuất. Ngay cả khi mắc phải những hạt sạn về tính lịch sử lẫn thông điệp thì 5 tập phim của HBO vẫn chứng minh rằng người xem ngày nay có thể không cần tới kỹ xảo hoành tráng lẫn cốt truyện kỳ ảo để thích thú với màn ảnh.