Các nhà làm phim đã ở “lì” hàng giờ cửa hàng truyện tranh
Khi bạn làm bộ phim về Spider-Man, siêu anh hùng có hàng triệu fan hâm mộ trên thế giới thì truyện tranh chính là chất liệu bắt buộc bạn không thể bỏ qua để nghiên cứu. Justin K. Thompson – một trong các đạo diễn của Spider-Man: Across the Spider-Verse từng tiết lộ rằng: “Tôi học vẽ bằng cách xem truyện tranh và bắt chước chúng. Công việc đầu tiên của tôi là ở lì một cửa hàng truyện tranh trước khi có thể nghĩ tới làm phim như thế nào”.
Các yếu tố màu sắc chính của truyện tranh phương Tây được dựa trên mô hình màu CMYK – viết tắt của một tổ hợp bao gồm các loại màu: xanh lơ, hồng cánh xen, vàng và xanh lam. Justin K. Thompson cho biết, ông đã loại bỏ hẳn những thứ thường thấy trong phim hoạt hình và điện ảnh nói chung và dựa vào CMYK để chỉnh màu cho Spider-Man: Across the Spider-Verse. Chính vì thế, người xem có cảm giác như đang chứng kiến một cuốn truyện tranh chuyển động.
Mất 2 năm chỉ để thống nhất ngoại hình và cách di chuyển của nhân vật
Spider-Man: Across the Spider-Verse đặt ra một thách thức rất lớn đó là số lượng nhân vật nhiều hơn phần trước, mỗi nhân vật đều có ngoại hình và cách di chuyển riêng biệt. Giả dụ nhân vật chính Miles Morales sẽ di chuyển như những Người Nhện thông thường, nhưng riêng nhân vật Miguel O'Hara lại giống như một con quái thú. Ê-kíp tiết lộ mất 2 năm để định hình phong cách riêng biệt cho từng nhân vật trong phim.
Bên cạnh đó, Spider-Man: Across the Spider-Verse cũng phá đi quy chuẩn của cách làm phim hoạt hình với 24 khung hình/giây. Theo như ê-kíp tiết lộ, họ chỉ để khoảng 12 khung hình/giây với mục đích để chuyển động nhân vật thêm “sắc nét” hơn.
Bất ngờ đằng sau thước phim bằng LEGO
Trong cảnh phim ác nhân Spot vô tình khám phá ra khả năng du hành đa vũ trụ thông qua những chiếc lỗ trên cơ thể. Trong lúc thử nghiệm siêu năng lực mới, gã đã ghé qua Vũ trụ LEGO mang số hiệu Earth-13122 và bị Spider-Man ở đây báo cáo cho Miguel O’Hara.
Sự xuất hiện của Vũ trụ LEGO tuy ngắn nhưng khiến fan vô cùng thích thú vì LEGO Marvel là một thương hiệu vô cùng nổi tiếng với cả truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử riêng. Thú vị hơn nữa là trong kịch bản ban đầu của bộ phim, Vũ trụ LEGO không hề xuất hiện. Các nhà làm phim thêm vào chi tiết này chỉ vài tháng trước khi tác phẩm ra rạp.
Trong một bài phỏng vấn, đồng đạo diễn Joaquim Dos Santos tiết lộ người đứng sau Vũ trụ LEGO là một cậu bé 14 tuổi tên Preston Mutanga chứ không phải các nghệ sĩ đồ họa chuyên nghiệp. Preston vốn là chủ kênh YouTube tên là LegoMe_TheOG chuyên thực làm lại những trailer, cảnh quay trong phim điện ảnh và truyền hình dưới định dạng LEGO.
Màu sắc mang nặng tính ẩn dụ
Màu sắc sử dụng trong phim dĩ nhiên không phải để đẹp, mà còn mang tính ẩn dụ rất cao. Điển hình như để biểu hiện quan hệ phức tạp của Gwen Stacy và cha cô bé, các đạo diễn luôn sử dụng sự đối nghịch của hai màu xanh dương và đỏ. Hai màu này có thể được giải thích đơn giản là sự tách biệt và xa cách giữa 2 cha con.
Tùy từng cảnh, màu xanh giống như sự lạnh lùng của người cha và cảnh ở bảo tàng màu đỏ còn là cách ông nhìn nhận con gái mình: một mối nguy hiểm. Nhưng sau cùng khi cả 2 đã thấu hiểu và xóa được rào cản thì cả hai màu sắc đã được hòa làm một.
Ý tưởng về chủ đề của câu chuyện
Spider-Man: Across the Spider-Verse ra mắt cách đây 6 năm kể từ phần đầu tiên Spider-Man: Into the Spider-Verse, thế nên khán giả theo dõi phần 1 đã có sự trưởng thành nhất định. Điều đó bắt buộc khiến bộ phim phải thay đổi cách khai thác.
Peter Ramsey, một đạo diễn khác của bộ phim, nói rằng: “Nhân vật chính Miles Morales dù có cha mẹ yêu thương cậu ấy, cậu ấy đang gặp khó khăn ở trường, cậu ấy hơi vụng về, cậu ấy đang có một bước chuyển mình trong cuộc đời... Có rất nhiều vấn đề trong thế giới thực mà chúng tôi cảm thấy rằng những đứa trẻ theo dõi phim từ năm 2018 có thể nắm bắt được, và tự cảm nhận mình cũng đã trải qua chuyện đó”.
2D vẫn là cốt lõi!
Còn nhớ hồi Spider-Man: Into the Spider-Verse trình làng, đó là giai đoạn hoạt hình 2D thoái trào và phim hoạt hình 3D vẫn đang thống trị. Một phần bộ phim của Sony được khen ngợi nhiều như vậy, chính là có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 2D và 3D. Tuy nhiên theo như Bob Persichetti – một trong những đạo diễn của phim thì 2D vẫn là cốt lõi: “Tôi đã thực hiện các bản vẽ hoạt hình của mình trong Photoshop và sau đó chơi với chúng trong After Effects”. Khi thực hiện Spider-Man: Across the Spider-Verse, Justin K. Thompson vẫn đi theo tôn chỉ này để không biến tác phẩm của mình trở thành 3D khô cứng.
Ê-kíp bị tố “bóc lột” sức lao động
Chính vì Spider-Man: Across the Spider-Verse là một bộ phim quá đỗi hoàn hảo, nên điều đó cũng phải đánh đổi sức lao động không ngừng nghỉ của người làm đồ họa. Một họa sĩ VFX của của phim đã kêu than mình làm việc trong môi trường tồi tệ.
Cụ thể, có hơn 100 họa sĩ đã nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực làm việc 11 tiếng/ngày, 7 ngày 1 tuần trong suốt 1 năm trời. Những người trụ lại đa số vì tiếc công vẽ và không muốn tác phẩm của mình bị loại bỏ. Ngoài ra, từng cảnh trong 140 phút phim đều phải qua kiểm duyệt của Phil Lord - nhà sản xuất kiêm biên kịch duy nhất.
Tuy nhiên, nhà sản xuất Amy Pascal và bà Michelle Grady - Phó Chủ tịch của Sony Pictures Imageworks đã phủ nhận các cáo buộc trên. Bà Amy Pascal nói rằng đoàn làm phim lên tới hơn 1.000 người nên việc 100 người nghỉ việc trong quá trình sản xuất không phải điều gì bất thường. Đối với Michelle Grady dù thừa nhận tiến độ làm việc căng thẳng khi sản xuất bộ phim, bà cho rằng đây là điều bình thường trong ngành công nghiệp điện ảnh: “Mọi bộ phim đều xảy ra chuyện này. Thành thật mà nói các nhân viên tức giận cũng đúng nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng giải thích quy trình như vậy”. Bên cạnh đó, bà cũng phủ nhận các cáo buộc nhắm tới nhà sản xuất Phil Lord. Bà Michelle nói rằng. Phil Lord chỉ là người phát ngôn chính, thông báo những thay đổi của các đạo diễn và studio đến nhân viên. Vì thế, Phil Lord bị cấp dưới hiểu lầm và chỉ trích.
Spider-Man: Across the Spider-Verse tiếp tục hành trình của Miles Morales – Người Nhện da màu buộc phải đứng trước lựa chọn mất đi người bố thân yêu, hoặc là phá nát đa vũ trụ. Hiện tại bộ phim đã thu về hơn 500 triệu USD toàn cầu và trở thành ứng cử viên sáng giá cho giải Oscar năm sau.