Hợp đồng theo kiểu “mua đứt bán đoạn”
Khi dịch vụ phát hành phim trên mạng internet Netflix ra mắt tại Hàn Quốc (HQ) vào năm 2016, nó đã mang luồng gió mới đến cho các hãng sản xuất phim đang mệt mỏi trước một ngành công nghiệp khét tiếng về lạm dụng sức lao động và kinh phí sản xuất eo hẹp. Netflix giải quyết những âu lo này theo một cách khác. Gã khổng lồ phát trực tuyến không can thiệp vào quá trình làm phim và nội dung mà chỉ đưa ra một khoản tiền đầu tư đáng kể và gợi ý một số cách để tác phẩm khi hoàn thành có thể đến với khán giả nước ngoài. Giờ đây, khi Netflix đã trở thành nền tảng phát hành phim trên mạng thống trị ở HQ, các nhà biên kịch, đạo diễn và diễn viên địa phương bắt đầu nhìn lại chính mình và sự hào phóng của Netflix để… thay đổi thái độ! Nhiều người không còn xem Netflix là “cứu tinh tài chính” mà đang công khai bày tỏ lo ngại về những “mờ ám” liên quan đến các hoạt động của Netflix ở đất nước họ. Mờ ám ở đây là các khoản doanh thu phát sinh không có trong hợp đồng sản xuất mà các biên kịch và diễn viên HQ cho rằng, lẽ ra họ phải được chia một phần.
Cuộc đình công ở Hollywood đang là tâm điểm của ngành điện ảnh
Theo dõi sâu sát cuộc đình công lớn nhất của các biên kịch và diễn viên Hollywood trong sáu thập niên qua họ hy vọng thắng lợi của cuộc đình công sẽ là “chỉ dẫn” để họ có nhiều quyền thương lượng với Netflix hơn về ăn chia khoản lợi nhuận phát sinh. “Chúng tôi có mối quan hệ yêu-ghét với Netflix. Netflix đã mang đến cho những người làm phim địa phương cơ hội tốt hơn nhưng công ty lại… quên trả thêm tiền bản quyền mà các đạo diễn, biên kịch và diễn viên đáng được hưởng khi bộ phim họ tham gia được trả tiền để xem tại nhiều quốc gia”, Justin Byung-in Kim, người đứng đầu Hiệp hội Biên kịch HQ (Screenwriters Guild of Korea) bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại văn phòng của Hiệp hội Đạo diễn HQ (Directors Guild of Korea).
Nếu cuộc đình công ở Hollywood đình công thì Netflix có thể sẽ gặp khó trong việc thương lượng thù lao với các nhà làm phim xứ Hàn
Các bộ phim và chương trình truyền hình HQ là nguồn kiếm tiền không nhỏ cho những gã khổng lồ phát trực tuyến Mỹ: Chỉ riêng loạt phim Squid Game đã đóng góp ước tính 900 triệu USD vào tổng doanh thu của Netflix và việc quay các phần tiếp theo của loạt phim siêu bạo lực từng đoạt giải Emmy này vẫn chưa kết thúc. Trước những thành công bất ngờ, Netflix đã lên kế hoạch đầu tư thêm hơn 2,5 tỷ USD vào việc sản xuất các nội dung HQ. Nhưng trong khi những gã khổng lồ phát trực tuyến của Mỹ được hưởng lợi từ sự phổ biến của các sản phẩm Bollywood và “hallyu” (làn sóng Hàn), thì bất kỳ sự nhượng bộ nào mà các nhà biên kịch và diễn viên đang đình công ở Hollywood nhận được sẽ không đến với các đồng nghiệp ở HQ nói riêng và châu Á nói chung. “Trong nhiều năm trước khi có Netflix, các đài truyền hình HQ đã thuê các hãng phim sản xuất phim truyền hình với giá rẻ. Rẻ có nghĩa là các hãng phim phải bóc lột sức lao động của đội ngũ làm phim thời vụ nhận lương ít, thậm chí có lúc không trả gì cả (chỉ cần có mặt trong phim). Sau đó Netflix xuất hiện và công ty Mỹ này đã ký hợp đồng với các công ty sản xuất phim của HQ. Khoản thanh toán một lần trong hợp đồng bao giờ cũng lớn hơn chi phí sản xuất, nghĩa là Netflix chấp nhận lỗ nếu bộ phim thất bại trong khi lợi nhuận của các hãng sản xuất phim nội địa được đảm bảo, điều mà trước đây hiếm có đối với các bộ phim truyền hình ở HQ”, Kim giải thích.
Nhưng không có gì là miễn phí. Đổi lại, Netflix sẽ sở hữu tất cả bản quyền của những gì họ đã trả tiền một lần, kiểu “mua đứt bán đoạn”. Điều đó có nghĩa là Netflix không phải chia số doanh thu phát sinh ngoài hợp đồng. Netflix lập luận, các khoản thanh toán của họ cho các hãng phim địa phương luôn vượt xa những gì hãng phim nhận được từ các đối thủ cạnh tranh nội địa và nước ngoài.
Rất khó gây áp lực như các nghiệp đoàn Hollywood
Năm 2021, nhà sản xuất HQ Hwang Dong-hyuk than với tờ The Guardian: “Khi Netflix thanh toán theo hợp đồng cho Squid Game, không ai dự đoán được thành công toàn cầu của nó. Quá trình quay bộ phim này làm chúng tôi kiệt sức cả thể chất, tinh thần lẫn cảm xúc”. Về phần mình, Netflix cho biết đã chủ động “thưởng” cho Hwang một khoản thanh toán bổ sung cho phần 2 của Squid Game vì thành công của phần 1.
Nhà sản xuất Hwang Dong-hyuk
“Phức tạp chính là khoản thanh toán bổ sung này và tính pháp lý của nó” - Kim nói. Theo thông lệ, Netflix thường thuê các hãng phim địa phương sản xuất phim HQ. Điều đó có nghĩa là hầu hết các nhà văn, diễn viên, đạo diễn và đoàn làm phim đều người bản địa, và trên danh nghĩa họ ký hợp đồng với các hãng phim địa phương chứ không phải Netflix. Trả tiền trực tiếp cho họ cũng là các hãng phim địa phương chứ không phải Netflix. Nói rõ hơn, Netflix không có nghĩa vụ pháp lý phải ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về tiền lương hoặc các khoản thanh toán phát sinh cho đội ngũ làm phim. Netflix chỉ cố vấn các hãng sản xuất phim về các phương pháp tốt nhất để làm những bộ phim trong hợp đồng và thiết kế phim trường lý tưởng nhất. Còn các vấn đề về luật lao động và quy định ngành nghề là giữa hãng phim và đội ngũ làm phim. Netflix không xen vào.
Trong chuyến thăm HQ tháng trước, ông Ted Sarandos, đồng giám đốc điều hành Netflix khẳng định: “Netflix không ngược đãi tài năng địa phương và luôn tìm cách hợp tác tốt nhất với các biên kịch, đạo diễn, diễn viên tham gia phim”. Hiệp hội Quyền của các Nghệ sĩ Phát thanh Truyền hình HQ (Korean Broadcasting Performers’ Rights Association) cho biết Netflix đã không trả lời email đề nghị thương lượng các khoản thanh toán phát sinh được hội gửi vào tháng Ba qua, nêu lý do chúng không có trong hợp đồng “mua đứt bán đoạn”. Cho Byeong-han, một quan chức của hiệp hội, nói với tờ The Washington Post qua điện thoại: “Thực ra chúng tôi có nhận được phản hồi của đại diện Netflix hứa sẽ xem xét vấn đề. Nhưng không có liên lạc gì thêm kể từ đó!”. Các nghiệp đoàn ngành nghề giải trí tại HQ như Hiệp hội Các nhà biên kịch (Screenwriters’ Guild) không phải công đoàn chính thức, vì các thành viên là những người làm việc tự do hoặc làm việc theo hợp đồng thời vụ. “Theo luật hiện hành, nếu chúng tôi cố gắng thương lượng một hợp đồng tiền lương tập thể như các đồng nghiệp Hollywood, chúng tôi sẽ bị khép vào tội áp lực thù lao” - Kim nói. Việc những người làm phim của HQ bị phân tán trong hàng chục hiệp hội hoặc tổ chức không chính thức càng làm cho tiếng nói của họ ít được lắng nghe. Cho dù là Netflix hoặc bất kỳ các công ty phát hành phim trực tuyến nào khác đến làm ăn tại HQ, vị thế của các nghiệp đoàn giải trí cũng rất yếu trong hệ thống pháp luật HQ.
Theo dõi sâu sát cuộc đình công lớn nhất của các biên kịch và diễn viên Hollywood trong sáu thập niên qua, các nhà làm phim Hàn Quốc hy vọng thắng lợi của cuộc đình công sẽ là “chỉ dẫn” để họ có nhiều quyền thương lượng với Netflix hơn về ăn chia khoản lợi nhuận phát sinh khi tác phẩm mình sản xuất ra mắt trên toàn cầu.