Quá trình ghi hình suốt 10 năm
Cựu học sinh của trường nữ sinh Anh Hoa - Trương Uyển Đình được hiệu trưởng lúc bấy giờ là bà Lý Thạch Ngọc nhờ thực hiện bộ phim tài liệu quay lại quá trình trường cũ ở khu Bán Sơn được xây dựng lại vào năm 2012, trường tạm thời chuyển đến Sham Shui Po, sau đó chuyển về trường mới đã xây xong.
Bộ phim phỏng vấn sáu nữ sinh nhập học tại trường Anh Hoa năm 2011. Theo dự tính của hiệu trưởng Lý, năm thứ nhất họ học ở trường cũ tại đường Robinson, năm thứ hai đến năm thứ năm chuyển tới trường tạm ở Sham Shui Po, năm thứ sáu quay lại trường cũ đã được xây xong và tốt nghiệp tại đây. Nhưng do thời gian xây dựng kéo dài hơn dự kiến, sáu nữ sinh đến khi tốt nghiệp vẫn học tại trường tạm. Phim vẫn phỏng vấn họ sau khi tốt nghiệp đến lúc vào đại học. Toàn bộ quá trình quay phim từ lúc chuẩn bị đến khi hoàn thành mất 10 năm (2011 - 2021).
Bộ phim tài liệu ghi lại những câu chuyện và kinh nghiệm trưởng thành của 6 học sinh trường nữ sinh Anh Hoa ra đời vào năm thiên niên kỷ.
Bắt đầu từ năm 2011, Trương Uyển Đình và êkíp làm phim của bà đã chọn ra mười hai người trong số hơn ba mươi nữ sinh của trường Anh Hoa được sinh ra vào năm thiên niên kỷ để phỏng vấn và quay phim. Do thời lượng phim điện ảnh có hạn, cuối cùng chọn ra sáu nữ sinh có tính cách, gia cảnh và sở thích khác nhau làm nhân vật chính của phim. Bà đem câu chuyện của sáu học sinh (A Tước, A Xa, Madam, Mã Yên Như, A Linh và Hoa hậu Hong Kong) từ năm thứ nhất trung học đến khi vào đại học kết nối với những đoạn phim về sự thay đổi thời đại của xã hội Hong Kong trong 10 năm qua.
Năm thứ ba trong quá trình quay (2013), Trương Uyển Đình được chương trình 'Câu chuyện Hong Kong - Trăm năm trồng người' của Đài truyền hình Hong Kong phỏng vấn, lúc đó êkíp làm phim đã chia sẻ với khán giả những khó khăn và chuyện bên lề trong quá trình quay.
Đạo diễn Trương Uyển Đình và các nữ sinh trong phim Gửi bản thân 19 tuổi của tôi
Quá trình thử vai của bộ phim tài liệu này rất đặc biệt. Trước tiên, êkíp làm phim mời hơn 30 học sinh năm nhất trung học viết thư gửi cho bản thân ở tuổi 19 trong tương lai (một đề bài tập làm văn phổ biến), mỗi người có tính cách và hoàn cảnh trưởng thành khác nhau, văn phong và nét chữ khác nhau, trong đó chữ viết của Hoa hậu Hong Kong (Giang Băng Oánh) co lại ở góc trái bên dưới tờ giấy viết thư, thu hút sự chú ý của Trương Uyển Đình, cuối cùng cô được chọn làm một trong những nhân vật chính.
Ngoài ra, A Xa (Xa Lệ Vi) không xuất hiện tại buổi thử vai, nhưng Trương Uyển Đình cảm thấy bức thư cô viết và tính cách của cô rất có cá tính, nên đã chọn cô làm nhân vật chính. Vì những bức thư này viết cho chính mình ở tương lai, và những câu chuyện cuộc đời không thể đoán trước của sáu nhân vật chính xảy ra trong 10 năm qua, cuối cùng phim được đặt tên là Gửi bản thân 19 tuổi của tôi.
Do bộ phim này khác với những bộ phim có cốt truyện trước đây của Trương Uyển Đình, phim tài liệu không có kịch bản, Trương Uyển Đình nói mình đã thử tiếp xúc với các học sinh được phỏng vấn với tư cách người lắng nghe, đồng thời học cách giao tiếp và làm bạn với họ. Vì thế đến giai đoạn hậu kỳ, các nhân vật chính đã đặt cho Trương Uyển Đình biệt danh 'Lão ngoan đồng'.
Không phải cao cao tại thượng, cũng không phải đạo diễn nói gì đều phải nghe theo, vì các nữ sinh được phỏng vấn mới chính là đạo diễn thật sự của cuộc đời họ, các học sinh dần phớt lờ sự tồn tại của đạo diễn và nhà quay phim, làm lại chính mình. Thời gian quay phim kéo dài đến 10 năm, tư liệu phim lên đến 300 ngàn giờ đồng hồ, Trương Uyển Đình đã dành thời gian 3 năm, biên tập hơn sáu phiên bản, cuối cùng biên soạn thành bản phim điện ảnh dài 136 phút của hiện tại.
Vì sao Gửi bản thân 19 tuổi của tôi gây tranh cãi?
Gửi bản thân 19 tuổi của tôi được ghi hình trong 10 năm với quá nhiều trắc trở.
Tuy nhiên, các 'diễn viên chính' của bộ phim này đã phát biểu trên các phương tiện truyền thông rằng nhà trường và đoàn làm phim đã coi thường việc họ không muốn xuất hiện trong phim, nên nội dung mà đoàn làm phim quay lén cũng bị đưa lên màn ảnh rộng và nhiều scandal khác, buộc bộ phim phải rút khỏi rạp.
Thế nhưng, với tư cách giám đốc chấp hành và đồng đạo diễn của Gửi bản thân 19 tuổi của tôi, Quách Vĩ Luân vẫn truyền đạt đến công chúng thông điệp 'không nhận sai'. Tại lễ trao giải thưởng Kim Tượng, ông nói, 'Hãy nhớ, đừng lo lắng, quay phim trước, biên tập trước, rồi trình chiếu'. Nhưng có thật sự như vậy không? Phim tài liệu nên thực hiện như vậy sao?
Sau cùng, dù là bên sản xuất Trường nữ sinh Anh Hoa, hay là bên dàn dựng Trương Uyển Đình, Quách Vĩ Luân đều không quan tâm đến lời kêu gọi của những học sinh trưởng thành không muốn xuất hiện trên màn ảnh, mặt dày mày dạn cho chiếu Gửi bản thân 19 tuổi của tôi trên mạng. Điều quan trọng nhất là, trước khi bộ phim bấm máy, đoàn làm phim đã hứa với các nữ sinh này, sẽ không chiếu công khai, chỉ dùng làm kỷ niệm, tài liệu nội bộ và gây quỹ cho trường. Tuy nhiên, 10 năm trôi qua, mọi thứ đã thay đổi, không còn nằm trong vòng kiểm soát nữa.
Cuối cùng, bộ phim Gửi bản thân 19 tuổi của tôi giúp đạo diễn Trương Uyển Đình gặt hái cả danh và lợi chỉ sau 4 ngày trình chiếu, phía trường học đã không chịu nổi áp lực dư luận quá lớn, phải hủy bỏ việc công chiếu.
Đồng thời, đạo diễn Trương Uyển Đình cũng quyết định đơn phương rút khỏi cuộc tranh giải Kim Tượng lần thứ 41. Nhưng ban tổ chức Kim Tượng đã không chấp nhận yêu cầu tự nguyện rút lui, còn khiến bộ phim gây tranh cãi này đoạt giải Phim truyện hay nhất, bất luận đoàn làm phim Gửi bản thân 19 tuổi của tôi có giải thích thế nào về hành động và mục đích của họ.
Giám đốc chấp hành và đồng đạo diễn của Gửi bản thân 19 tuổi của tôi, Quách Vĩ Luân nhận giải thưởng tại Liên hoan phim Kim Tượng Hong Kong lần thứ 41.
Là trào lưu? Có tranh cãi? Là nghệ thuật hay giới hạn đạo đức? Tại sao một bộ phim trộn lẫn nội dung 'quay lén' có thể được vinh danh là Phim truyện hay nhất? Chỉ vì Gửi bản thân 19 tuổi của tôi nổi tiếng hơn những phim tranh giải khác? Hay là vì bộ phim này có quá nhiều trắc trở trong 10 năm qua? Trong 10 năm, sáu cô gái đã đi qua hai giai đoạn quan trọng của cuộc đời là trung học và đại học.
So với bộ phim đình đám Chính nghĩa hồi lang (16 hạng mục đề cử) chỉ đoạt 2 giải thưởng Biên kịch xuất sắc và Đạo diễn trẻ xuất sắc, thì Gửi bản thân 19 tuổi của tôi đã đoạt được giải thưởng giá trị nhất, đạo diễn Trương Uyển Đình không xuất hiện tại lễ trao giải, nhưng bà đã chuẩn bị sẵn lời cảm ơn để đồng đạo diễn Quách Vĩ Luân đọc thay, trong đó có nhắc đến bà sống không hối tiếc, cảm ơn các bạn học sinh và nhân viên công tác đã tham gia thực hiện bộ phim này; Quách Vĩ Luân cũng bày tỏ: 'Các đạo diễn quay phim tài liệu Hong Kong, xin bạn hãy tiếp tục cố gắng làm phim tài liệu, vì thời đại cần có phim tài liệu, dùng ống kính ghi lại những gì đã xảy ra với chúng ta'.
Gửi bản thân 19 tuổi của tôi là bộ phim tài liệu thứ ba do Trương Uyển Đình và một cựu học sinh khác là Hoàng Tuệ hợp tác sản xuất cho trường nữ sinh Anh Hoa. Tác phẩm thứ nhất là phim tài liệu DVD về hiệu trưởng Tiêu Giác Chân (Vera Silcocks) thực hiện năm 2005, tác phẩm thứ hai là Câu chuyện về con gái Anh Hoa thực hiện năm 2010.