Là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của 'quốc sư' làng điện ảnh Trung Quốc - Trương Nghệ Mưu cùng một loạt những cái tên 'máu mặt' về cả diễn xuất lẫn sức hút khán giả như Thẩm Đằng, Dịch Dương Thiên Tỷ, Trương Dịch, Lôi Giai Âm, Nhạc Vân Bằng… việc Mãn Giang Hồng đạt thành tích tốt 2,6 tỷ NDT tính đến ngày 28/1 và hơn 4 tỷ tính đến ngày 06/02/2023 chẳng có gì đáng ngạc nhiên đối với khán giả Đại Lục.
Mãn Giang Hồng - phim điện ảnh vừa ra mắt dịp tết của Trương Nghệ Mưu
Phim mở ra bằng sự việc sứ giả nước Kim chết bất đắc kỳ tử trong phủ tể tướng khi Tần Cối dẫn quân hội đàm với nước Kim vào thời điểm 4 năm sau khi Nhạc Phi bị hại chết, tay lính Trương Đại (Thẩm Đằng) và phó thống lĩnh thân binh Tôn Quân (Dịch Dương Thiên Tỷ) được mệnh lệnh tìm ra hung thủ trong một canh giờ…
Đạt 7.3 điểm trên Douban, Mãn Giang Hồng tỏ rõ ưu thế về cốt truyện với mạch phim bí ẩn, tình tiết bất ngờ, khiến khán giả đi hết từ 'cú ngoặt' này đến pha 'quay xe' khác, giải trí với những tràng cười hài hước duyên dáng và say đắm trong thủ pháp kể chuyện bằng hình ảnh lão luyện của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Nhiêu đây thừa đủ giữ chân người xem 'nhịn cơn buồn giải tỏa' trong rạp suốt 3 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, phim cũng không tránh khỏi sự phê bình của nhiều 'thượng đế' khó tính như: mục đích của nhân vật không thuyết phục, lên kế hoạch tiềm phục 10 năm, chết gần hết số người tham gia, cuối cùng chỉ để vai phản diện Tần Cối đọc thơ của danh tướng Nhạc Phi mà hắn hại chết, thay vì bị trừng phạt thích đáng hơn; bối cảnh đơn điệu, chỉ xoay quanh một khu nhà; cách kể chuyện dài dòng, câu chuyện vốn chỉ cần 90 phút là kể xong mà 'bôi' ra 3 tiếng; đoạn cuối tất cả đồng thanh đọc bài Mãn Giang Hồng của Nhạc Phi quá mức sướt mướt; mỗi diễn viên mang một phong cách diễn quá khác nhau, phối hợp diễn rất thiếu ăn nhập; diễn xuất của Dịch Dương Thiên Tỷ tuy có cố gắng nhưng vẫn còn non nớt, quá dùng lực, chênh lệch đáng kể so với các đàn anh…
Có khen có chê, ấy vậy mà Mãn Giang Hồng vẫn vượt lên Địa Cầu Lưu Lạc 2 để trở thành đầu tàu phòng vé trong mùa phim Tết, nhưng đây cũng là lúc thị phi bắt đầu mọc lên như nấm sau mưa. Có khán giả đi xem cho biết họ mua vé phim khác, nhưng khi đến rạp thì vé của họ lại bị 'nhảy mã' thành Mãn Giang Hồng, tạo nghi án Mãn Giang Hồng vươn lên đứng đầu phòng vé là do ăn cắp doanh thu các phim khác. Kèm theo đó, việc dọa kiện sai quy trình pháp luật từ bên phát hành phim và thái độ thản nhiên chịu pháp luật điều tra của những người đăng tin chất vấn khiến đoàn phim nhận về vô số lời bêu rếu, trào phúng.
Thành công của Mãn Giang Hồng bị đặt ra rất nhiều nghi ngờ.
Không dừng lại tại đây, trình độ văn hóa đáng lo ngại từ phía truyền thông - Weibo chính thức của phim điện ảnh cũng gây vô vàn ác cảm. Có thể kể đến như: nhắc tới sự kiện Tĩnh Khang - yếu tố tiền đề quan trọng của tác phẩm, đoàn phim đặt sai dấu ngoặc vào cụm từ cần thiết, thay vì: nhục 'Tĩnh Khang', họ lại viết: 'nhục Tĩnh' Khang.
Không chỉ một lần sai chính tả, poster do đoàn phim tung ra còn phạm lỗi cơ bản khi viết sai chữ 'phát' (nghĩa là 'tóc') phồn thể trên poster thành 'phát' trong 'phát tài' (nghĩa là 'giàu có') trong bài Mãn Giang Hồng của Nhạc Phi.
'Nhục Tĩnh' Khang thay vì nhục 'Tĩnh Khang'
'Phát' tài thay cho 'phát' - tóc (phồn thể)
Tất nhiên, ngoài những pha vấp váp khó hiểu trên, một số vấn đề liên quan cũng bị cư dân mạng làm quá. Ví dụ như khi bị chỉ trích trộm doanh thu, Weibo đoàn phim có đăng câu 'Mạc tu hữu', vốn là lời của gian thần Tần Cối khi nói về tội danh của Nhạc Phi, có thể hiểu là 'không cần có', hoặc 'có lẽ có', 'e là có', 'lẽ nào không có'… sau này được sử dụng để chỉ 'tội oan', mang nghĩa 'vu khống'.
Hẳn rằng đoàn phim muốn dùng nó để kêu oan, phản pháo những cáo buộc bất lợi đối với phim là 'ăn không nói có', ngờ đâu bị nhiều cư dân mạng hoặc khán giả khó tính bám vào nguồn gốc lời văn để lên án: 'Phim ca ngợi Nhạc Phi mà lại dùng lời của kẻ hại chết Nhạc Phi nhằm minh oan?'
'Mạc tu hữu' được đăng trên Weibo của đoàn phim.
Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng, việc đoàn phim dùng thể chữ 'Sấu Kim Thể' do Tống Huy Tông tạo ra trên cover của nick Weibo chính thức cũng không thoát nạn bới móc. Nên biết Tống Huy Tông là một trong những nhân tố chính gây ra loạn Tĩnh Khang, dùng thể chữ do ông sáng tạo vào một bộ phim lên án kẻ hại người anh hùng sự kiện đó phải chăng không ổn thỏa lắm? Hay Nhạc Phi là danh tướng kháng Kim, bảo vệ non nước Đại Tống, phim làm để tôn vinh ông mà lại dùng câu 'Đạp phá sơn hà' (nghĩa là 'san phẳng nước non') đê chúc Tết, há chẳng đi ngược với tinh thần của ông? Những lỗi này nói lớn thì lớn, nói nhỏ thì nhỏ, nói sai không hẳn, nhưng nói đúng cũng ngượng mồm, hẳn phải đưa vào vấn đề thái độ vậy.
Font chữ 'Sấu Kim thể' đổi thành 'Tống thể' sau khi bị 'nhắc nhở'.
'San bằng non nước' sau khi bị bêu rếu đã âm thầm sửa lại.
Chung quy, đánh giá chất lượng hay thành tích của một bộ phim không nên dựa vào những thị phi điều tiếng xung quanh, mà nên bám sát bản thân tác phẩm. Có điều, với tư cách một phương tiện có tính lan truyền rộng rãi và ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của người xem, thiết nghĩ đoàn phim nên cẩn trọng hơn trong việc tuyên truyền và xử lý khủng hoảng truyền thông, chớ để một tác phẩm tốt bị chôn vùi trong nước bọt của những cuộc khẩu chiến không hồi kết. Dẫu sao 'lắm tài nhiều tật' vẫn khó tạo hưởng ứng tốt như 'tài đức vẹn toàn'.