Những cảnh cưỡng bức dường như đã trở thành xu hướng trong phim Việt vài năm trở lại đây, nhẹ thì bị quấy rối, cưỡng bức hụt, nặng thì bị cưỡng bức thô bạo. Tất cả nhằm khắc họa bi kịch khổ đau của nhân vật. Tuy đặc trưng của phim truyền hình không đi sâu lột tả cảnh nóng, song chi tiết nhân vật bị cưỡng bức vẫn khiến khán giả bị sốc và phản ứng gay gắt. Dưới đây là 3 vụ cưỡng bức gây bức xúc nhất trên màn ảnh Việt.
Châu (Hướng dương ngược nắng)
Bộ phim kể về cuộc chiến giữa chính thất hào môn, đứng đầu là bà Bạch Cúc (NSND Thu Hà) và con riêng của chồng với tiểu tam, đứng đầu là Minh (Lương Thu Trang). Trong đó, Minh Châu (Hồng Diễm) là con gái của bà Cúc và là chị cùng cha khác mẹ với Minh. Trái với thái độ ghét bỏ của mẹ và em gái (Minh Ngọc) dành cho Minh, Châu thường đứng ở vị trí trung lập và thường là người an ủi người nọ, xoa dịu người kia để giảm bớt sự căng thẳng trong gia đình.
Châu là cô tiểu thư đầy kiêu hãnh.
Châu có sự sang chảnh, kiêu ngạo của một đại tiểu thư và gu thời trang sành điệu. Trong tình yêu, cô là người rõ ràng, dám yêu dám hận. Dù Châu không phải nhân vật chính song cô lại là một trong những nhân vật được yêu mến nhất phim. Mối tình đầy trắc trở giữa Châu và Kiên (Hồng Đăng) cũng khiến nhiều khán giả day dứt.
Chính vì thế, tình tiết Châu bị Vỹ (Mạnh Cường) cưỡng bức và phát tán clip đã khiến khán giả phản ứng rất gay gắt. Vỹ là con trai của ông Vụ (NSND Công Lý), được coi là phe đối đầu với bà Cúc ở Cao Dược. Vỹ chỉ là một kẻ kém cỏi và hoàn toàn dựa bóng người bố quyền lực. Khán giả cảm thấy bức xúc khi nhân vật họ yêu thích bị làm nhục. Bên cạnh đó, việc Châu bị cưỡng bức được cho là tình tiết câu view bằng nội dung gây tranh cãi.
Cuối cùng lại bị làm nhục không thương tiếc.
Uyên (Cô gái nhà người ta)
Bộ phim Cô gái nhà người ta kể về những thanh niên trẻ ở nông thôn với những câu chuyện xoay quanh tình bạn, tình yêu và công việc của họ. Trong phim, Uyên (Phương Oanh) là cô giáo trường làng, có mối quan hệ tình cảm với Khoa (Đình Tú), cậu bạn thân chung xóm. Uyên từng có hôn ước với Cường (Trọng Lân), họ thậm chí đã suýt làm đám hỏi nhưng đến phút chót Uyên lại hủy hôn do phát hiện Cường ngủ với em gái mình. Trong khi đó, gã chồng hụt lại cho rằng đàn ông ai cũng thế, khó cưỡng lại sức hút của gái đẹp nhưng chỉ yêu và cưới một người.
Níu kéo Uyên không được, Cường đã giở trò đồi bại với Uyên. Sau đó Uyên cũng đã trình báo với công an nhưng điều đáng nói là ông bố cổ hủ coi trọng danh dự hơn con đã chỉ trích cô vì việc này. Uyên vừa bị cưỡng bức, lại mang tiếng xấu với xóm làng.
Cô giáo trường làng hiền lành, chính trực.
Tình tiết cưỡng bức tiếp tục xuất hiện trên màn ảnh khi khán giả đã quá ‘bội thực’ với những cảnh cưỡng bức. Diễn viên Phương Oanh trước đó đã từng đóng cảnh bị cưỡng bức trong hai bộ phim là Lặng yên dưới vực sâu và Quỳnh búp bê và đây là lần thứ ba cô phải đóng cảnh bị cưỡng bức. Điều này khiến khán giả đặt ra câu hỏi liệu phim Việt có quá lạm dụng cảnh cưỡng bức hay không?
Bộ phim Cô gái nhà người ta ban đầu là bộ phim có nội dung nhẹ nhàng, pha trộn giữa yếu tố hài hước và cuộc sống làng quê dung dị, tuy vậy không tạo được sự chú ý. Cho đến khi xuất hiện cảnh cưỡng bức gây tranh cãi thì bộ phim đã trở nên hot hơn trên các diễn đàn, tuy nhiên lại theo hướng tiêu cực nhiều hơn tích cực.
Uyên bị chồng hụt giở trờ đồi bại.
Bà Sa thời trẻ (Hương vị tình thân)
Bộ phim Hương vị tình thân kể về hành trình tìm lại cha ruột của Phương Nam (Phương Oanh). Ông Sinh (NSƯT Võ Hoài Nam) từng phải đi tù 20 năm vì tội giết người, chính là ông trùm xã hội đen mà ông Sinh từng là đàn em. Ông trùm này lại là chồng của bà Sa (NSƯT Thu Hạnh) và là bố đẻ của Thy (Thu Quỳnh). Trớ trêu thay, Nam và Thy sau đó lại trở thành chị em dâu trong cùng một nhà gây ra hàng loạt những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình.
Bên cạnh tuyến nhân vật chính, khán giả cũng quan tâm đến mối quan hệ giữa bà Sa và Thy. Bà Sa là người tham vọng, ưa vật chất, luôn biến Thy thành con rối trong những mưu mô, toan tính của mình. Đặc biệt, bà phân biệt đối xử rõ ràng giữa Thy và cậu con trai. Khán giả thắc mắc liệu bà Sa có phải mẹ ruột của Thy hay không, lẽ nào một người mẹ lại đối xử với con mình như vậy.
Bà Sa thời trẻ từng là một cô gái hiền lành, muốn sống cuộc đời bình thường bên người yêu.
Thắc mắc của khán giả đã có câu trả lời trong một cảnh hồi tưởng của bà Sa. Thì ra hồi trẻ bà từng có tình cảm với ông Tấn nhưng lại bị ông trùm cưỡng bức và sinh ra Thy. Sau đó bà Sa trở thành vợ ông trùm nhưng vẫn lén lút qua lại với ông Tấn và tiếp tục sinh ra Dũng. Điều đó khiến bà luôn ghét bỏ Thy và thiên vị Dũng hơn hẳn.
Tình tiết này đã khắc họa bi kịch cuộc đời bà Sa, lý giải cho cách đối xử của bà với con cái. Bà Sa cũng từng là một cô gái yếu đuối, muốn có cuộc sống hạnh phúc bên người mình yêu. Thế nhưng hành động cưỡng bức thô bạo của ông trùm không chỉ phá nát cuộc đời bà Sa mà còn dẫn đến loạt bi kịch sau này. Từ việc ông trùm bị tình nhân của bà Sa giết đến việc ông Sinh bị đi tù oan. Ân oán còn kéo dài đến cả thế hệ Nam và Thy khiến tất cả mọi người đều phải chịu đau khổ. Bà Sa cũng vì biến cố đó mà trở thành một người phụ nữ vừa đáng ghét, vừa đáng thương.
Vụ cưỡng bức đã hủy hoại cuộc đời bà Sa.
Kết
Cảnh cưỡng bức trên màn ảnh Việt dẫu được thêm vào với mục đích gì thì cũng gây ra những phản ứng rất mạnh nơi khán giả. Có thể vì họ xót thương, bức xúc thay cho nhân vật của mình. Cũng có thể họ không đồng tình việc cảnh cưỡng bức bị lạm dụng ở nhiều bộ phim. Tuy thường gây tranh cãi nhưng không thể phủ nhận sức hút mà những cảnh nóng mang lại. Điều đó đặt ra một thử thách với những người làm phim, sao cho tiết chế cảnh nóng ở mức độ vừa phải, không gây bội thực và bức xúc gay gắt cho khán giả.