'Khuấy' nhưng chưa đủ 'động'
Ngay những ngày đầu năm, hàng loạt phim Việt đã công chiếu ra rạp, trong đó có nhiều bộ phim có kinh phí lên đến 2 triệu USD (hơn 45 tỷ đồng), khiến thị trường điện ảnh trở nên sôi động và 'nóng' hơn.
Nhiều bộ phim được các nhà làm phim lựa chọn công chiếu đúng dịp Tết. Hàng năm, đây được coi là thời gian 'vàng' để chuẩn bị khởi đầu và chạy đua giữa các 'bom tấn' phim nội. Đặc biệt là sau gần một năm các rạp chiếu phim đóng cửa vì lý do dịch bệnh, Tết Nguyên đán Nhâm Dần là cơ hội để cho các nhà làm phim mong chờ vào một sự mở màn bứt phá.
Bẫy Ngọt Ngào công chiếu vào 11/02 mở đầu đường đua phim Việt 2022.
Nhiều bộ phim chiếu Tết được ra rạp với kế hoạch truyền thông rầm rộ, mức đầu tư lớn với những bộ phim có kinh phí thuộc diện 'khủng', quy tụ dàn diễn viên chất lượng cả về tên tuổi lẫn diễn xuất như Khả Như, Minh Hằng, Quốc Trường... Các bộ phim như Chuyện Ma Gần Nhà, Bẫy Ngọt Ngào, Người Tình,... đã có màn khởi động tích cực cho nền điện ảnh 2022 với nhiều thành tích vượt hơn mong đợi, song màn ra mắt này vẫn chưa đủ sức nặng để khuấy đảo thị trường phim Việt.
Nguyên nhân có thể do sự bùng phát trở lại của dịch bệnh tại một số địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đầu năm nay, khiến nhiều khán giả sẽ có tâm lý e ngại chỗ đông người và hạn chế các hoạt động văn nghệ, giải trí. Song, đánh giá một cách khách quan về thị trường phim Việt là phần lớn các bộ phim vẫn có xu hướng đi theo lối mòn xưa cũ và chưa có nhiều thay đổi để tạo ra diện mạo mới trong cả nội dung lẫn hình thức thể hiện.
Chuyện Ma Gần Nhà với doanh thu khả quan dẫn đầu loạt phim Tết 2022.
Có thể thấy, một số bộ phim hiện nay chưa 'tinh' để chạm được đến kỳ vọng của người xem đang ngày một khó tính. Phim có kịch bản chưa tạo được nhiều dấu ấn, chưa bắt đúng 'trend' hay đơn giản là không đúng gu của đại bộ phận khán giả trẻ.
Người xem mong chờ ở các bộ phim với chất lượng kịch bản, biên đạo sâu hơn cùng nhiều tầng ý nghĩa sát với hiện thực chứ không đơn thuần là một bộ phim giải trí thông thường như trước kia. Không những thế, với sức mạnh đặc biệt của truyền thông, có lẽ chưa thực sự nhiều nhà làm phim khai thác được giá trị to lớn của nó và truyền thông một cách 'mạnh - sạch - đẹp'.
Vì những lẽ đó mà thị trường phim 2022 chưa thể tạo ra bước đột phá, thay vào đó đang ngày càng lún sâu hơn vào những bộn bề khó khăn của dịch bệnh.
Loay hoay bứt phá
Với nhiều tác động chưa thể lường trước từ đại dịch Covid-19, đường đua phim Việt thời điểm đầu năm nay cho thấy rõ sự chật vật và khó khăn. Như một cuộc sinh tồn, nhà sản xuất các bộ phim đang loay hoay giữa nhiều khó khăn chồng chất. Làm sao để lựa chọn được thời điểm công chiếu thích hợp, hay làm cách nào để phim thu hút được người xem là nỗi băn khoăn của tất cả bộ phim chờ công chiếu trong năm 2022 này.
Bộ phim Em và Trịnh bị dời lịch chiếu nhiều lần vì tình hình dịch bệnh.
Thực sự, dịch bệnh đã và đang ảnh ảnh đến thị trường phim Việt một cách công khai và sâu sắc. Nhưng nhìn từ thực tế, ngoài yếu tố dịch bệnh thì phim Việt vẫn đang sa đà vào lối mòn của yếu tố kịch bản nội dung, diễn viên chưa đủ 'đô' với những câu chuyện gia đình, xã hội như mô típ quen thuộc mấy chục năm nay.
Dù được tô vẽ và thay đổi cho hợp thời, hợp người hơn, nhưng chân dung của phim Việt vẫn non nớt và 'học theo' khiến nhiều khán giả không khỏi ngán ngẩm và thiếu hứng thú.
Nói thế để thấy, những thành công ít ỏi của phim Việt Năm 2021 đang tạo áp lực không nhỏ cho những nhà làm phim, cho những dự án đang còn ấp ủ. Dù đợt bùng dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam ảnh hưởng rõ rệt đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành giải trí, nhưng 2021 vẫn là một năm đáng ghi nhận của nhiều phim Việt, với tiếng vang và sức ảnh hưởng lớn.
Có thể kể đến như Bố già (do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đạo diễn). Ra rạp từ tháng 3, phim liên tiếp xác lập những kỷ lục phòng vé chưa từng có trong lịch sử ngành điện ảnh. Tác phẩm rời rạp với doanh thu 420 tỷ đồng, trở thành phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại. Hay Lật mặt, tác phẩm của Lý Hải cũng có màn thắng lớn sau hai lần phải dời lịch vì Covid-19. Phim thu được hơn 150 tỷ đồng sau hai tuần khởi chiếu và đạt thành tích cao nhất trong suốt 5 phần của series.
Sở dĩ, có được sự bứt phá như vậy là bởi tính sáng tạo, khác biệt và phù hợp của nó. Đơn giản là các bộ phim đó đã chạm được đúng điểm mà khán giả muốn xem, chọn được những diễn viên có thực lực, thỏa mãn với những mong chờ và kỳ vọng, đồng thời vận dụng truyền thông vào đúng những gì cần quảng bá.
Các nhà làm phim đã khôn khéo trong việc lựa chọn đề tài để 'lách' được qua hàng rào kiểm duyệt ngặt nghèo và khắt khe, từ đó làm nên những bộ phim thực sự 'khuấy động' được thị trường phim Việt.
Hàng loạt bộ phim đứng trước nguy cơ 'chết yểu' trong đầu năm 2022.
Loay hoay giữa bộn bề khó khăn, đường đua phim Việt đang đi những bước chậm lại, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Sau một năm 'ngủ đông' bất đắc dĩ, nhiều bộ phim chờ công chiếu khiến khán giả không khỏi mong chờ.
Hai bộ phim được xem như hai 'quả bom' của phòng vé năm nay có lẽ là Thanh Sói và Em và Trịnh. Bộ phim Thanh Sói của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân dự kiến ra mắt dịp 8/3, trong khi đó Em và Trịnh dự kiến công chiếu tháng 4 năm nay.
Với Em và Trịnh, phim khai thác cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nhiều giai đoạn, từ thời trẻ (Avin Lu đóng) đến lúc trung niên (Trần Lực đóng). Dàn sao nữ xinh đẹp, gồm Hoàng Hà, Lan Thy, Bùi Lan Hương, Salim cũng là điểm mạnh của dự án.
Trong loạt phim có kinh phí cao còn 578: Phát đạn của kẻ điên. Bộ phim này có sự góp mặt của hoa hậu H'Hen Niê với phần nội dung hành động và quy mô sản xuất lớn. Tuy nhiên, ê-kíp của đạo diễn Lương Đình Dũng vẫn chưa công bố ngày khởi chiếu phim. Ngoài ra, còn một số bộ phim đang chờ lịch ra mắt là Đêm tối rực rỡ (đạo diễn: Aaron Toronto), Người lắng nghe (Khoa Nguyễn), Vô diện sát nhân (Đinh Công Hiếu), Dân chơi không sợ con rơi (Huỳnh Đông)...
Có điều, ở thời điểm hiện tại, việc phát hành bên cạnh các khâu thông thường, thành công hay thất bại của các dự án phim không còn mang yếu tố may mắn là chủ yếu. Các hãng phim sẽ phải cân nhắc kỹ để ra mắt tác phẩm vào những thời điểm thuận lợi nhất.
Đây là bài toán, cũng là thách thức lớn và nếu tình hình COVID-19 chưa được cải thiện, thị trường phim Việt sẽ lặp lại hành trình của hai năm qua, với sự biến động, thất thường và ảm đạm.