Biên kịch Việt được nhận định có thừa nhiệt huyết, đam mê nhưng chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng, nhu cầu của thị trường.
Trong lúc phim truyền hình khởi sắc, phim điện ảnh cũng đang trở lại sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch COVID-19, thị trường biên kịch Việt lại không có nhiều đổi thay để hòa nhịp cùng sự phát triển của thị trường.
Không có cơ hội trải nghiệm
Một số biên kịch trẻ hiện nay chật vật tham gia những sit-com (hài tình huống) trên YouTube, TikTok hoặc một vài tập phim trên truyền hình cũng như các nền tảng thu phí khác. Họ tham gia vào các nhóm nhỏ của một vài biên kịch có tên tuổi để được viết một số lượng tập phim nhất định trong bộ phim truyền hình theo hướng sẵn có mà trưởng nhóm đưa ra.
Công việc có thể mang đến cho họ nguồn thu nhập ổn hơn đứng độc lập nhưng cũng là "dao hai lưỡi" gây ảnh hưởng nhiều việc rèn luyện tay nghề trong tương lai. Đồng thời, họ cũng khó có thể gây dựng được tên tuổi để tạo niềm tin, tạo hình ảnh cho nhà sản xuất.
"Nhiều biên kịch trẻ vật lộn với nghề nên sẵn sàng hạ thấp giá tác phẩm của mình để mong mỏi được nhà sản xuất chuộng rẻ sử dụng. Việc hạ giá của họ khiến cho thị trường biên kịch thù lao đã thấp lại càng thấp hơn. Nhà sản xuất sử dụng những kịch bản giá thấp thì chất lượng đầu ra của tác phẩm cũng khó có thể nâng cao" - biên kịch Kim Ngọc phân tích.
Phim “The Glory” - tác phẩm của “biên kịch vàng” Kim Eun-sook - gây ấn tượng với khán giả thế giới, trong đó có Việt Nam. (Ảnh do Netflix cung cấp)
Phải khẳng định rằng những biên kịch đã có tác phẩm phát sóng hoặc ra rạp phục vụ khán giả, có tên tuổi trong giới thì thù lao khá hơn nhưng số lượng lại không nhiều so với nhu cầu chung của ngành.
Đây cũng là lý do vì sao nhiều nhà sản xuất than vãn không có nhiều kịch bản hay để chọn lựa. Những người có thể viết tốt thì bận rộn nhiều dự án riêng và có những mối quan hệ với nhà sản xuất, nhà đài để có dự án thực hiện liên tục. Những người trẻ chỉ có thể loay hoay với những dự án nhỏ lẻ, không có cơ hội trải nghiệm, trui rèn, học nghề.
Ở mảng điện ảnh, các tác phẩm được đầu tư kinh phí cao lên đến hàng chục tỉ đồng, nhà sản xuất không dễ tin tưởng vào các biên kịch khác. Các nhà sản xuất, đạo diễn Việt thường chọn cách kiêm nhiệm cả công việc biên kịch hoặc chỉnh sửa rất nhiều từ một kịch bản và đứng tên đồng biên kịch. Số lượng biên kịch Việt giữ được vị trí của mình ở điện ảnh cũng đếm trên đầu ngón tay và thay vào đó là những đạo diễn kiêm biên kịch. Việc này khiến số lượng biên kịch điện ảnh Việt trở nên ít ỏi, khó tìm khiến thị trường điện ảnh thiếu đi sự đa dạng, không có phong cách khác biệt.
Còn khoảng cách với khu vực
Thị trường phim Việt đang phát triển nhưng cũng được nhận định là còn khoảng cách rất xa so với các thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan. Ở Hàn Quốc, phim truyền hình lẫn điện ảnh phát triển mạnh, lực lượng "biên kịch vàng" đã xuất hiện từ rất lâu với nhiều thành tích, tác phẩm gây ấn tượng với khán giả.
Điển hình, biên kịch Kim Eun-sook, người tạo ra loạt phim "The Glory" (Vinh quang trong thù hận) từng đạt vị trí số 1 khi phát sóng trên Netflix toàn cầu, gây sốt với khán giả quốc tế, cũng là một trong những "biên kịch vàng" của Hàn Quốc. Trước đó, Kim Eun-sook đứng sau thành công của các phim: "Hậu duệ mặt trời", "Khu vườn bí mật", "Yêu tinh", "Quý ngài ánh dương"…
Trước khi có sự thành công vang dội của "Glory", Kim Eun-sook đã nhận thù lao gần 2 tỉ đồng cho mỗi tập phim, không thua kém diễn viên ngôi sao Hàn Quốc. Ngoài Kim Eun-sook, Hàn Quốc còn có Park Ji-eun - người viết kịch bản phim "Vì sao đưa anh tới", "Hạ cánh nơi anh"... - thù lao hơn 2 tỉ đồng cho một tập phim; Kim Soo-hyun - biên kịch của phim "Sự phẫn nộ của người mẹ" - cũng có thù lao hơn 2 tỉ đồng cho mỗi tập; Park Hye-ryun - biên kịch phim "I hear your voice", "Pinocchio"... - thù lao hơn 1 tỉ đồng cho mỗi tập.
Ở Trung Quốc, một loạt "biên kịch vàng" phải kể đến là Vu Chính, Cố Mạn, Mặc Bảo Phi Bảo, Tiền Tiểu Bạch, Vương Ất Hàm, Từ Tiểu Lâm… Một số xuất thân là nhà văn mạng có tác phẩm xuất sắc, được bạn đọc yêu thích và sau đó được mua bản quyền chuyển thể sang phim.
Họ đảm nhận luôn việc biên kịch tác phẩm chuyển thể của mình. Trong số này, Vu Chính nổi bật với các phim cổ trang: "Diên Hy công lược", "Cung tỏa tâm ngọc", "Mỹ nhân thiên hạ"…; Vu Chính nhận nhiều giải thưởng về biên kịch và các phim của ông cũng tạo được một lượng khán giả riêng.
Lực lượng "biên kịch vàng" được người trong giới nhận định quan trọng trong thị trường phim vì họ là những cái tên góp phần tạo nên các tác phẩm chinh phục được công chúng. Nền phim ảnh nào có nhiều "biên kịch vàng" thì chứng tỏ nền phim ảnh đó đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, để có được "biên kịch vàng" là không dễ và ở thị trường phim Việt xem ra lại rất khó nếu không có những giải pháp làm bệ đỡ.
(Còn tiếp)