Hẳn bất kì ai đã xem qua bộ phim Cô Ba Sài Gòn đều không thể không ấn tượng với phần trang phục sử dụng trong phim quá xuất sắc khiến cho khán giả mãn nhãn tuyệt đối!
Từ những tà áo dài thướt tha của nhà may Thanh Nữ được may bằng công thức bí truyền được gìn giữ suốt chín đời, tôn nét thùy mị kín đáo của chủ nhân cho đến những bộ trang phục 'tân thời' lộng lẫy và kiêu kì cho những buổi dạ tiệc bất tận… khiến khán giả không thể không trầm trồ thán phục.
Tất cả đã vẽ nên một bức tranh đa màu sắc tuyệt đẹp và cũng đậm chất hoài niệm về thời trang của 'thanh nữ' Sài Gòn thế kỉ trước. Cùng dạo một vòng quanh đường phố Sài Gòn những năm 60 - 70 của thế kỉ trước, bối cảnh mở đầu của Cô Ba Sài Gòn, để mục sở thị những bộ cánh truyền thống lẫn 'tân thời' của phái đẹp ngày ấy.
Bà Trần Lệ Xuân trong trang phục Nhật Bình vào ngày cưới.
Nhắc đến thời trang Sài Gòn vào thời gian này, cái tên phải nhắc đến đầu tiên đó chính là bà Trần Lệ Xuân, một nhân vật lịch sử gây rất nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, tạm gác những thứ khác lại thì bà Trần Lệ Xuân - Madame Nhu là một biểu tượng thời trang đích thực của Sài Gòn, không chỉ là một biểu tượng thời trang, bà còn là một người tiên phong, tạo ra nhiều trào lưu trong giới 'thanh nữ' lúc bấy giờ.
Trong dịp lễ trọng đại như lễ cưới thì Madame Nhu đã sử dụng áo Nhật Bình làm lễ phục hết sức trang trọng. Áo Nhật Bình bước ra từ cung đình triều Nguyễn, vốn là áo cho các bậc Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu, Công chúa và phi tần sử dụng trong các dịp lễ. Chiếc áo Nhật Bình tạo nên nét tôn nghiêm và vẻ quyền uy cho người mặc của chúng.
Trần Lệ Xuân trong bộ áo dài cách tân toát ra vẻ quý phái nhưng không kém phần nền nã, kín đáo.
Bên cạnh đó, bà còn là một người tiên phong khi đã làm một cuộc 'cách mạng' cách tân áo dài một cách táo bạo, tạo ra một cơn sốt về áo dài thời điểm được ra mắt. Chiếc áo dài cổ thuyền đã gắn liền với tên tuổi bà đến mức nó đã được đổi tên thành 'Áo dài bà Nhu' hoặc 'Áo dài Trần Lệ Xuân'.
Những năm 60 - 70 của thế kỉ trước, phụ nữ Sài Gòn rất ưa chuộng áo dài, áo dài được mặc như một loại thường phục, được dùng cả những khi xuống phố.
Áo dài cổ truyền, kết hợp với băng đô cài khéo trên tóc như một điểm nhấn đầy thú vị khiến tổng thể trang phục thêm phần duyên dáng.
Màu sắc, hoa văn của áo dài cũng theo thị hiếu phái đẹp mà luôn đa dạng, phong phú. Quả thật, tà áo dài thướt tha khi xuống phố có một sức hút lạ kì: vừa kín đáo, e ấp nhưng cũng vô cùng quyến rũ.
Những dịp lễ, Tết, những tà áo dài truyền thống không những khơi gợi nét truyền thống mà còn tôn lên vẻ đẹp mặn mà của nữ chủ nhân. Áo dài dần dần được nâng lên trở thành quốc phục, trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.
Poster của 'Cô Ba Sài Gòn' quy tụ dàn diễn viên chính trong tà áo dài truyền thống.
Nhìn những hình ảnh trên, ta thấy những chiếc áo dài của nhà may Thanh Nữ trong bộ phim đã rất thành công trong việc đưa những chiếc áo dài của Sài Gòn năm xưa trở về thời hiện đại. Kiểu dáng, màu sắc, hoa văn của những chiếc áo dài sử dụng trong bộ phim đều bám rất sát vào thực tế, thậm chí cả kiểu tóc và cả phụ kiện đi kèm áo dài. Điều này chứng tỏ ê kíp làm phim đã bỏ thời gian đầu tư và nghiên cứu đến mức nào.
Bên cạnh những chiếc áo dài e ấp thì phụ nữ Sài Gòn xưa tỏ ra không hề kém cạnh với xu hướng thế giới khi luôn bắt kịp với dòng chảy của thời trang lúc bất giờ. Váy sọc ca rô cùng kính râm bản lớn, thêm một chiếc giỏ làm phụ kiện là một trào lưu làm mưa làm gió một thời.
Processed with MOLDIV
Những gam màu tươi sáng và rực rỡ khiến cho đường phố Sài Gòn những năm tháng ấy sáng bừng lên trước những nét đẹp tinh khôi, e ấp.
Áo dài và âu phục song hành với nhau trên mọi nẻo đường, thể hiện một sự giao thoa giữa văn hóa cổ truyền với văn hóa Tây phương vô cùng độc đáo, có lẽ chỉ tìm thấy được ở Sài Gòn trong khoảng thời gian này.
Các bà, các mẹ ngày xưa của chúng ta cũng chịu chơi không kém gì giới trẻ bây giờ… Có khi còn nhỉnh hơn vài phần.
Nhìn vào bức ảnh trên, ta không thể nào ngừng cảm thán trước một nét đẹp thanh lịch và đầy dịu dàng. Cô gái trong ảnh dù hẳn còn rất trẻ nhưng vẫn toát ra một phong thái đúng chuẩn một 'tiểu thư' Sài Gòn. Đôi hoa tai to bản là một món phụ kiện không thể thiếu của những 'tín đồ thời trang' thập niên 60 - 70.
Một trang phục hết sức thanh lịch, nhờ chiếc kính râm kết hợp hài hòa mà nữ chủ nhân của chúng thêm phần cá tính và mạnh mẽ.
Có vẻ như những chiếc váy ngắn đầy táo bạo là một món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của những cô nàng Sài Gòn những ngày ấy.
Một sự lựa chọn trang phục táo bạo thể hiện cá tính mạnh mẽ và cái tôi khác biệt của hai cô gái trẻ. Có lẽ bây giờ cả hai đã là những bà lão trên 60 tuổi nhưng chắc chắn khi nhìn về hình ảnh 'một thời oanh liệt', các bà, các mẹ chắc chắn sẽ mỉm cười, hoài niệm về một tuổi trẻ 'dữ dội'.
Dạo phố thôi mà cũng phải toát ra khí chất ngời ngời thế này đây!
Chiếc quần ống loe là mốt đang thịnh hạnh lúc bấy giờ!
Một cảnh trong phim Cô Ba Sài Gòn
Cô Ba Sài Gòn đã mang chính xác phong cách của thập niên 60 - 70 vào phim một cách đầy sáng tạo và thẩm mĩ, tuy nhiên vẫn giữ được tính chính xác về lịch sử.
Những trang phục 'tân thời' của Cô Ba Sài Gòn cũng rất sát với thực tế, từ màu sắc cho đến kiểu dáng đều khiến cho khán giả ngạc nhiên và đầy thích thú. Làm sao không ngạc nhiên cho được khi bà hoặc mẹ của chúng ta cách đây mấy chục năm đã từng mặc những trang phục đầy phong cách và táo bạo, thậm chí phận làm con cháu như chúng ta khi nhìn lại vẫn thấy mình bị 'lép vế' cơ mà!
Processed with MOLDIV
Dù vẫn còn không ít sạn nhưng Cô Ba Sài Gòn là một thành công lớn của Ngô Thanh Vân, là một dự án đầy tâm huyết, đem đến cho khán giả những thước phim về Sài Gòn đẹp lung linh, khiến cho khán giả mãn nhãn tuyệt đối khi chiêm ngưỡng những bộ cánh xuất hiện xuyên suốt bộ phim.
Có thể nói, Cô Ba Sài Gòn đã thực sự thành công trong việc làm sống lại thời trang và phong cách của Sài Gòn những năm 60 - 70. Đồng thời đây quả là một dự án mang tính tiên phong và đột phá trong việc đưa Áo Dài lên một tầm cao mới.