Một phim điện ảnh thương mại hiện tại mức đầu tư khó có thể dưới 1 triệu USD (khoảng 23 tỉ đồng). Nhưng kinh phí cao chưa hẳn đã có doanh thu tương ứng, thậm chí còn có nguy cơ lỗ nặng nếu tác phẩm mắc nhiều điểm trừ về nội dung.
Kinh phí nhảy vọt
Trước đây, một phim điện ảnh thương mại trung bình cần từ 10 - 15 tỉ đồng tùy theo chọn lựa của nhà sản xuất về bối cảnh, diễn viên, ê-kíp thực hiện, hậu kỳ để co giãn trong mức dự trù. Những năm gần đây, con số này tăng dần và hiện kinh phí trung bình của một phim thương mại chiếu rạp phải từ 20 - 25 tỉ đồng trở lên. Hẳn nhiên, đây không phải là mức cố định mà dao động do nhiều yếu tố khách quan khác.
Phim “578: Phát đạn của kẻ điên” có nhiều cảnh hành động tốn kém, kinh phí đầu tư được công bố là 60 tỉ đồng (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Những phim hoài cổ, kể câu chuyện các thập niên trước của một vùng đất nào đó buộc nhà sản xuất tiêu tốn chi phí nhiều hơn, như phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tác phẩm này có kinh phí sản xuất 50 tỉ đồng vì phải dựng lại không gian xưa, đầu tư phục trang phù hợp. Các phim hành động với nhiều cảnh đánh đấm, rượt đuổi cũng đòi hỏi kinh phí đầu tư cao: Phim '578: Phát đạn của kẻ điên' do Lương Đình Dũng đạo diễn có kinh phí được công bố là 60 tỉ đồng, phim 'Sám hối' do Peter Hiền (Peter Hein) đạo diễn có kinh phí 50 tỉ đồng.
Những phim về tình cảm gia đình, khai thác thiên về cảm xúc, không có cảnh hành động nhiều nhưng kinh phí đầu tư cũng không thấp, như phim 'Bẫy ngọt ngào' hơn 20 tỉ đồng, 'Bố già' 23 tỉ đồng, 'Kẻ thứ ba' 33 tỉ đồng, 'Trạng Tí: Phiêu lưu ký' 43 tỉ đồng. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân vào thời điểm đó cho biết 43 tỉ đồng chưa phải là con số cuối cùng của phim 'Trạng Tí: Phiêu lưu ký' vì chưa tính các chi phí khác. Phim này tốn kém như thế là vì phải đầu tư xây dựng một ngôi làng và chăm chút kỹ xảo.
'Phim 'Dân chơi không sợ con rơi' của chúng tôi thuộc thể loại hài - gia đình nhưng kinh phí đầu tư cũng hơn 20 tỉ đồng. Phim có đến 2 lần quảng bá vì lần đầu phải hoãn lịch ra rạp do dịch Covid-19, việc này cũng khiến kinh phí tăng thêm' - nhà sản xuất Thu Trang thông tin.
Các nhà sản xuất phim cho biết cứ sau một năm thì chi phí sản xuất sẽ trượt giá, tăng thêm khoảng 15%. Thị trường ngày càng phát triển đòi hỏi phim đa dạng thể loại, nhà sản xuất buộc phải nâng chất tối đa sản phẩm của mình và chi phí đầu tư cũng ngày càng nhiều.
'Phần làm hậu kỳ tăng giá nhiều lần so với trước đây là một trong các nguyên nhân khiến tiền làm phim điện ảnh tăng. Thêm vào đó, chi phí cho phần tiền kỳ cũng tăng cao. Việc bỏ tiền để làm phần tiền kỳ chưa biết có mang lại chất lượng tốt nhất cho phim hay không nhưng để một phim có chất lượng buộc nhà sản xuất phải bỏ tiền làm tiền kỳ tốt nhất có thể, đặc biệt là khâu kịch bản' - ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành của V Pictures kiêm giám đốc nội dung của CJ CGV Việt Nam, cho biết.
Nghịch lý doanh thu
Phim có kinh phí đầu tư cao chưa chắc sẽ mang đến doanh thu cao và một phim không thuộc dòng thương mại, bị đánh giá kén khán giả, mức kinh phí thấp vẫn có thể 'lội ngược dòng' nếu câu chuyện hay. Đây là một nghịch lý khiến việc đầu tư vào điện ảnh trở nên đắt đỏ và mạo hiểm. Nhìn vào những phim điện ảnh ra rạp từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng thua lỗ nhiều, nhất là phim kinh phí lớn.
Theo thống kê của Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập với sai số nhỏ), phim '578: Phát đạn của kẻ điên' rời rạp với hơn 3,5 tỉ đồng, 'Kẻ thứ 3' chỉ thu được gần 1 tỉ đồng, 'Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác' thu hơn 6,4 tỉ đồng… Phim 'Em và Trịnh' được tạo hiệu ứng rầm rộ, đến nay chỉ vượt mốc 100 tỉ đồng và để hòa vốn thì phim cần doanh thu từ 120 tỉ đồng trở lên. Người trong giới cho rằng không phải cứ đắt tiền là sẽ thắng doanh thu, yếu tố quyết định là chất lượng kịch bản, tay nghề của đạo diễn và diễn xuất của diễn viên. Trong đó, kịch bản là quan trọng nhất, cần phải được đầu tư nhiều hơn vì đây vẫn là khâu yếu và thiếu của thị trường phim Việt.
Theo nhà sản xuất Thu Trang, trước đây một phim được quảng bá rầm rộ, tạo sự tò mò khiến khán giả đến xem ở giai đoạn đầu ra rạp. Ngày nay, khán giả đã khác, họ sẽ chờ xem những phản hồi trên nền tảng mạng xã hội, hiệu ứng truyền miệng tốt thì mới đến rạp.
Đạo diễn Luk Vân cho biết một tác phẩm dù kinh phí thấp hơn mức trung bình nhưng chinh phục được khán giả thì doanh thu vẫn cao. Phim chọn cách thể hiện hoành tráng, đầu tư cao cho đại cảnh hành động nhưng nội dung khó hiểu, nhiều điểm trừ vẫn khó có được doanh thu.
'Nhà làm phim nên làm theo thị hiếu, nhu cầu của khán giả chứ không phải làm cái mình thích rồi mang 'bán' cho người ta xem. Khán giả thích gì thì khó đoán nhưng nếu xem xét độ tuổi những người hay ra rạp sẽ thấy đó là những người dưới 30 tuổi. Họ trẻ trung, thích những câu chuyện phù hợp lứa tuổi, hấp dẫn. Phim Việt làm tốt vẫn có khả năng đạt doanh thu 100 tỉ đồng hơn so với phim ngoại, vì khán giả ủng hộ tác phẩm trong nước, nhất là khán giả ở các tỉnh' - ông Nguyễn Hoàng Hải nhận định.
'Khán giả ngày nay khó tính hơn, nếu phim quảng bá quá đà so với chất lượng thật sẽ phản tác dụng khi ra rạp do phản ứng truyền miệng. Tác phẩm hay, dở rất dễ nhận biết, không thể che lấp bằng danh tiếng diễn viên hoặc chiêu trò quảng bá.