*** Xem tất cả các thông tin về phim Thương ngày nắng về
Hình tượng các bà mẹ trong phim truyền hình Việt thường được xây dựng theo hình mẫu mộc mạc, giản dị, chịu thương chịu khó và hết lòng vì gia đình, con cái. Bên cạnh đó là những bà mẹ chồng ghê gớm, 'hành' cho con dâu 'lên bờ xuống ruộng'. Tuy nhiên, trong một số phim hot vài năm trở lại đây xuất hiện những bà mẹ cực kỳ sang chảnh, quyền lực và xinh đẹp.
Không còn đứng sau gian bếp, họ là những lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp, gây ấn tượng với vẻ đẹp sang trọng. Trong số đó phải kể đến bà Bạch Cúc (NSND Thu Hà) trong Hướng dương ngược nắng và bà Kim Nhung (NSND Minh Hòa) trong Thương ngày nắng về. Dù xuất hiện trong những bộ phim khác nhau nhưng vẫn thuộc một 'vũ trụ điện ảnh VFC', hai mẹ chia sẻ kha khá điểm chung.
Vẻ đẹp vượt thời gian và gu thời trang mãi đỉnh
Người thủ vai bà Bạch Cúc và bà Kim Nhung lần lượt là NSND Thu Hà và NSND Minh Hòa, cả hai đều là những minh tinh đẹp nức tiếng màn ảnh một thời. Ở tuổi trung niên, hai diễn viên vẫn đẹp mặn mà, đằm thắm. Do đặc thù của vai diễn nên trong hai bộ phim đình đám, cả hai nữ diễn viên đều được khoác lên mình những bộ thời trang thanh lịch, sang trọng, phù hợp với đẳng cấp của mình. Vào vai một 'bà đầm thép', NSND Thu Hà thường mất hàng giờ hóa trang để có mái tóc búi cầu kỳ.
Mái tóc cầu kì của bà Bạch Cúc.
NSND Minh Hòa vào vai tổng giám đốc một công ty thời trang nên gu ăn mặc của bà trong phim vừa sang trọng, thanh lịch lại vừa hợp mốt. Thời gian đầu khi còn có thành kiến với Vân Trang (Huyền Lizzie), bà Kim Nhung thường chê cô ăn mặc quê mùa, phối phụ kiện không 'ăn rơ' với nhau và bà hoàn toàn có lý khi đưa ra những nhận định như vậy. Mặc dù gu thời trang của Vân Trang không tệ, nếu không muốn nói là rất sành điệu, nhưng để 'tung hint' cho mẹ nhận ra mình, cô thường đeo chiếc vòng cũ không hợp với set đồ đang mặc.
Nói chung, màn ảnh Việt rất hiếm những bà mẹ xinh đẹp mặn mà và có gu thời trang mãi đỉnh như bà Bạch Cúc hay bà Kim Nhung.
Bà Nhung với gu thời trang thanh lịch.
Những nữ tướng quyền lực ở công ty
Trong Hướng dương ngược nắng, bà Bạch Cúc là người chèo chống cả tập đoàn Cao Dược. Bà vốn xuất thân trong một gia đình bình thường, làm dâu nhà hào môn để vươn lên vị trí quyền lực. Chồng bà là công tử nhà giàu nhưng lại không giỏi giang bằng vợ. Khi ông cụ Phan đến tuổi nghỉ hưu thì bà Bạch Cúc là người phù hợp nhất để ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo tập đoàn. Bà cùng với cô con gái riêng của chồng đã cùng nhau vực công ty dậy qua những giai đoạn khó khăn, suýt bị kẻ khác thâu tóm.
Bà Bạch Cúc gánh vác công ty của gia đình.
Bà Kim Nhung trong Thương ngày nắng về vốn xuất thân là cô thợ may nghèo khó, làm mẹ đơn thân và thường phải bán máu để có tiền trang trải cuộc sống. Vì lọt vào mắt xanh của chủ tịch Hoàng Long mà bà có cơ hội thoát nghèo, nhưng đồng thời cũng phải xa lìa con cái. Từ một người phụ nữ được ông chủ 'mua về' cho em trai của mình, bà Nhung đã phấn đấu không ngừng, ngồi lên ghế Tổng giám đốc Hoàng Kim.
Bà Nhung ngồi ở vị trí Tổng giám đốc.
Những bà mẹ lận đận đường tình và chưa tròn trách nhiệm với con cái
Mặc dù nhan sắc và tài năng đều có nhưng cả bà Bạch Cúc và bà Kim Nhung đều lận đận đường tình. Bà Cúc làm dâu nhà giàu nhưng không bao giờ có được tình yêu của chồng. Từ khi bà còn trẻ hay khi đã ở tuổi xế chiều, chồng bà luôn ngoại tình với những người phụ nữ khác, thậm chí có con ngoài giá thú. Bà Bạch Cúc mạnh mẽ, quyết đoán trong công việc bao nhiêu thì trong chuyện tình cảm bà lại tổn thương bấy nhiêu. Bà thậm chí không dám mở lòng đón nhận tình cảm của ông Quân, người đã một lòng chờ đợi bà hơn nửa đời người.
Bà Cúc và hai cô con gái.
Bà Cúc có với chồng hai cô con gái nhưng bà chưa dành sự dạy dỗ và yêu thương đúng mực cho các con. Cô con út Minh Ngọc (Quỳnh Kool) được mẹ chiều quá sinh hư, gây chuyện đến mức phải có người đi tù thay, trong khi cô thì trốn ra nước ngoài du học. Còn với con gái lớn Minh Châu (Hồng Diễm), bà áp đặt cô phải đi theo con đường bà vạch ra, không được theo đuổi đam mê riêng. Thậm chí khi Châu bị cưỡng bức, bà còn chọn cách giữ kín vì thanh danh của gia đình và công ty. Mãi sau bà mới thay đổi cách yêu thương của mình với các con.
Bà Nhung và con gái thất lạc.
Bà Kim Nhung từng là một người mẹ tốt dù bà làm mẹ đơn thân và vô tình trở thành người thứ ba khi có con với người đàn ông đã có vợ. Nhưng rồi, bà lại đem con bỏ chợ theo đúng nghĩa đen. Vì không thể dẫn con đi theo mình, bà đã để con lại cho một người bán bún ngoài chợ, nhờ cậy họ nuôi dạy cô bé. Sau này vì tưởng lầm rằng con đã chết trong vụ hỏa hoạn nên bà đã không cố gắng đi tìm con. Lúc mới về công ty, bà còn hành Vân Trang lên bờ xuống ruộng vì không biết đó là con ruột của mình. Mãi về sau khi biết chân tướng sự thật, bà mới hối hận và muốn bù đắp cho con.