Mộng Phù Hoa là bộ phim truyền hình lấy cảm hứng từ những giai thoại có thật trong cuộc đời của Trần Ngọc Trà – đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa. Bộ phim được đầu tư khá chỉn chu cùng dàn diễn viên trẻ hùng hậu. Không thể phủ nhận ekip làm phim đã rất chi tiết và tỉ mỉ trong việc mang đến những thước phim chân thực về bức tranh Sài Gòn xưa cùng những thú vui xa xỉ của giới thượng lưu. Thế nhưng trên đời không có gì là hoàn hảo và Mộng Phù Hoa cũng không phải ngoại lệ.
Nhân vật chính quá yếu đuối và ngây thơ và khác xa so với nguyên mẫu
Trong Mộng Phù Hoa, Ba Trang bị lừa gạt hết lần này đến lần khác cũng chỉ vì sự ngây thơ, cả tin của mình. Được mệnh danh là bà hoàng không ngai, hoa hậu không vương miện nhưng cô lại liên tục để nhan sắc của bản thân trở thành thú tiêu khiển, công cụ kiếm tiền cho lũ thượng lưu đểu giả. Ba Trang không có khả năng làm chủ cuộc đời, thường xuyên bị dụ dỗ bởi vật chất và những lời hứa hẹn ngon ngọt. Khán giả chưa kịp xót xa cho thân phận của Ba Trang thì đã phải giận cô vì sự dại khờ đến mu muội.
Ba Trang liên tục để nhan sắc của bản thân trở thành công cụ kiếm tiền, trò tiêu khiến cho lũ đểu giả.
Sự ngây thơ, cả tin của Ba Trang tuy khiến người xem thương cảm nhưng lại tạo cảm giác không đúng khi nguyên mẫu cô Ba Trần Ngọc Trà không hề bị động như nhân vật trong bộ phim lấy cảm hứng từ cô. Thực chất, mẹ Ba Trà mới là người hai lần gả bán cô cho những kẻ giàu có vì muốn có tiền để thỏa mãn thú vui xác thịt.
Và cả hai lần, Trần Ngọc Trà đều ý thức được vị thế và giá trị của bản thân chứ không hề ngây ngô tin vào những lời ngon ngọt. Sau hai lần bị gả bán, Ba Trà bắt đầu quen với việc trở thành người tình và nhận chu cấp từ những kẻ thượng lưu giàu có, háo sắc chứ thực chất cô hoàn toàn không để bất kì ai dắt mũi như Ba Trang.
Dĩ nhiên, việc biến tấu một phần nội dung cũng khiến Mộng Phù Hoa trở nên nhân văn hơn và khán giả dễ tiếp nhận hơn.
Nhiều tình thiết lặp đi lặp lại
Chỉ riêng việc Ba Trang bị dụ dỗ bởi những lời ngon ngọt của dì Huê (Kiều Linh) cũng lặp đi lặp lại không dưới ba lần. Sau khi rời khỏi nhà dì Huê, Ba Trang tiếp tục bị dỗ ngọt bởi những lời hứa hẹn của Chín Phương (Thân Thúy Hà). Chi tiết này lặp đi lặp lại khiến khán giả cảm thấy ngán ngẩm và không biết lúc nào nhân vật chính mới tỉnh ngộ ra được.
Tình thiết dì Huê lừa gạt Ba Trang lặp đi lặp lại không dưới ba lần
Chỉ trong mười tập phim đầu, Ba Trang bị cưỡng bức tới 5 lần nhưng đều không thành. Đáng nói hơn là hai lần bởi dượng Liến và hai lần bởi Dượng Huê, dường như Ba Trang hoàn toàn không có sự đề phòng trước những kẻ tráo trở, háo sắc ra mặt này.
Việc Ba Trang bị cưỡng bức cũng lặp đi lặp lại 5 lần trong 10 tập phim đầu
Tuyến nhân vật phụ mất tích không lý do
Diễn xuất của tuyến nhân vật phụ trong phim khá tốt, mỗi người đều có đất diễn riêng của mình. Tuy nhiên, trong hơn 10 tập phim đầu tiên, có khá nhiều nhân vật chưa kịp để lại dấu ấn riêng thì bỗng dưng lại 'mất tích' không lí do. Đáng lẽ rất nhiều nhân vật phụ có khả năng đẩy mâu thuẫn lên cao trào nhưng rốt cuộc lại chỉ vô tình lướt qua cuộc đời Ba Trang.
Theo như giới thiệu, Nhan Phúc Vinh đảm nhận vai Mân – mối tình đầu của Ba Trang cũng là vai nam chính trong phim nhưng suốt gần một nửa chặng đường nam chính lại chỉ được xuất hiện trong vài ba phân cảnh. Đến tận khi Ba Trang đã quyết định sống cuộc đời của một kỹ nữ thì nam chính vẫn bặt vô âm tín. Khán giả hoài nghi liệu Mân có quay lại, thay đổi cuộc đời Ba Trang hay sẽ cùng với nhiều nhân vật phụ khác, mất tích không hẹn ngày về.
Vai diễn Mân - tình đầu của Ba Trang bị đưa vào quên lãng
Bà Mừng – mẹ Ba Trang cũng liên tục bị biên kịch cho vào quên lãng cùng những mâu thuẫn không hẹn ngày giải quyết. Chồng bị bắt giam, nhà sắp sửa bị tịch thu, bà lên kế hoạch minh oan cho bản thân để có thể về lại căn nhà xưa. Muốn giải quyết việc này bà Mừng cần một khoản tiền rất lớn, Ba Trang quyết định tìm người giúp đỡ.
Kết quả là Trang một lần nữa bị lừa gạt và bước vào con đường làm một kỹ nữ. Cũng từ ngày tới Lữ quán không ai thấy cô mang tiền về để giải quyết chuyện của mẹ. Chẳng ai rõ liệu bà Mừng cùng dượng Liến có được cứu hay lâm vào cảnh kẻ mất nhà, người tù tội. Liệu nhân vật rất quan trọng trong cuộc đời nữ chính này đang vô tình ngủ quên hay thời gian ở quê nhà bị ngưng đọng?
Không ai biết sau khi Ba Trang đi, bà Mừng được giải oan hay lâm vào cảnh tù tội giống chồng mình
Nhân vật thầy cai đội háo sắc và quyền lực – kẻ trực tiếp tham gia vào việc giúp bà Mừng minh oan cũng vô tình biến mất không lí do. Ba Trang vốn có ý định bán thân cho hắn để chuyện của mẹ nhanh chóng được giải quyết thế nhưng khi cô mất tích, gã cai đội xảo trá không hề làm loạn như bà Mừng đã tưởng tượng. Mà thực chất là gã có làm gì hay không thì không ai biết cả vì vốn dĩ chuyện ở quê đang vô tình bị chìm vào quên lãng. Có vẻ như Ba Trang thật sự có máy ngưng đọng thời gian khiến cho những việc mà cô chưa kịp giải quyết tạm thời ngưng lại cho đến một ngày nào đó Ba Trang vô tình nhớ ra nó.
Thầy cai đội cùng bà Mừng, vô tình biến mất khỏi cuộc đời Ba Trang
Đấy là chưa kể phim có khá nhiều nhân vật phụ là những người đàn ông đến rồi đi trong cuộc đời Ba Trang để đảm bảo chuyện phim giống với nguyên mẫu. Thế nhưng hầu như không có người đàn ông nào đủ sức ảnh hưởng đến cuộc đời nữ chính ngay cả tình đầu của cô. Kết quả khiến khán giả cảm thấy Mộng Phù Hoa giống như một bộ phim về Ba Trang và 'những người bạn'.
Bối cảnh Sài Gòn xưa mang tính chất tượng trưng
Cuối năm ngoái, khán giả từng phải 'ngã ngửa' với cú lừa ngoạn ngục đến từ Cô Ba Sài Gòn bởi những phân cảnh về một Sài Gòn hoa lệ của những năm 60 chỉ chiếm khoảng 1/3 bộ phim. Mệnh danh là Cô Ba Sài Gòn phiên bản truyền hình, Mộng Phù Hoa được kì vọng sẽ chiêu đãi khán giả màn ảnh nhỏ một bữa đại tiệc hoành tráng về Sài Gòn thế kỉ trước. Kết quả lại một nữa khiến khán giả 'tụt mood' khi bối cảnh về Sài Gòn xưa chỉ mang tính chất tượng trưng.
Đến nay, bộ phim đã đi được gần một nửa chặng đường nhưng đa phần bối cảnh đều xoay quanh các tỉnh miền Tây Nam Bộ thay vì Sài Gòn hoa lệ như giới thiệu. Sự giàu có, hay những thú tiêu khiển xa xỉ của giới thượng lưu Sài Gòn thời điểm đó cũng chỉ thể hiện qua những phần phục trang cùng những lời thoại. Hầu hết những phân cảnh về Sài Gòn đều là những cảnh nội, diễn ra ở trong một vài quán café và kỹ viện Lữ quán.
Phân cảnh về Sài Gòn xưa chủ yếu là những cảnh nội.
Đó là chưa kể có khá nhiều bối cảnh tạo cảm giác… sai sai. Nhà tù trong phim xuất hiện một vài lần nhưng đều khác xa với tưởng tượng của khán giả. Một tội phạm buôn lậu thuộc phiện như ông Hào (Quốc Tân) lại một mình ở trong một buồng giam rộng rãi, thoáng mát. Hay sòng bài trong phim thay vì ồn ào và đầy thị phi thì nhìn thoáng qua lại giống như một buổi thưởng trà của Ba Trang và những người bạn.
Phòng giam của ông Hào có phần rộng rãi, thoáng mát lạ thường
Đây là một sòng bài hay một buổi thưởng trà cùng dăm ba câu chuyện của giới thượng lưu?
Sau 14 tập phim đầu tiên dù còn nhiều điểm khiến khán giả chưa hài lòng nhưng Mộng Phù Hoa vẫn là một bộ phim được đánh giá cao bởi dàn diễn viên triển vọng cùng sự đầu tư chỉn chu về mặt hình ảnh của ekip làm phim.
Mộng Phù Hoa hiện đang phát sóng vào 21h40' thứ Hai, thứ Ba hàng tuần trên kênh VTV3.