Theo Boxofficevietnam, tính đến ngày 28/1, Nhà bà Nữ vượt 200 tỷ đồng sau 7 ngày ra rạp, trở thành phim Việt cán mốc này nhanh nhất, vượt thành tích mà Bố già cũng do Trấn Thành đồng sản xuất, đạo diễn xác lập trong 10 ngày năm 2021.
Theo ước tính của CJ - đơn vị phát hành, khoảng hai triệu lượt khán giả đến rạp xem Nhà bà Nữ trong dịp Tết Quý Mão. Tác phẩm cũng lập cột mốc là phim Việt có doanh thu một ngày cao kỷ lục (35 tỷ đồng), đồng thời có suất chiếu trong ngày cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, với hơn 4.500 suất trên toàn quốc.
Uyển Ân (phải) - vai Ngọc Nhi và Lê Giang - vai bà Nữ trong phim. Ảnh: TT Town
Lấy cảm hứng từ câu chuyện tô bánh canh 300 ngàn khiến dư luận xôn xao một thời gian ở Sài Gòn, Nhà bà Nữ xoay quanh cuộc sống trong nhà của bà Nữ (Lê Giang đảm nhận), nữ chủ tiệm bánh canh một mình gồng gánh trên vai gia đình qua bao năm tháng. Bà Nữ hết mực yêu thương con gái út Ngọc Nhi (Uyển Ân) nhưng chính vì quan điểm sống khác biệt, hai mẹ con không tránh khỏi những mâu thuẫn cãi vã, dẫn đến những hậu quả đau lòng, đơn giản vì Nhi muốn được sống theo ý thích mà không chịu sự sắp đặt của mẹ.
Ngoài ra, khán giả cũng được chứng kiến câu chuyện của đôi vợ chồng Ngọc Như (Khả Như) - con gái lớn của bà Nữ và Phú Nhuận (Trấn Thành), khi Như tỏ ra là người vợ đanh đá khiến người chồng như Nhuận luôn sống trong cảnh tù túng lẫn mệt mỏi...
Truyện phim khắc họa mối quan hệ phức tạp, đa chiều xảy ra với các thành viên trong gia đình. Thông điệp chính “Mỗi gia đình đều có những bí mật” chứa nhiều ẩn ý về nội dung bộ phim muốn gửi gắm, tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt.
Trên các diễn đàn phim Việt, Nhà bà Nữ được khán giả chào đón bởi khai thác tốt câu chuyện về mâu thuẫn thế hệ. Những gì tạo nên sức hút của Bố già được Trấn Thành “tái sử dụng” trong Nhà bà Nữ, nhưng được phát triển với kết cấu phức tạp hơn. Phim chọn lát cắt điển hình từ một gia đình trung lưu, quanh năm buôn bán, bối cảnh ở một khu chung cư cũ tại TP HCM.
Chuyện tình của Nhi và John (Song Luân) là một trong những tuyến truyện của phim. Ảnh: TT Town
Theo đạo diễn Lý Minh Thắng, tác phẩm tạo được một hệ thống nhân vật có kết nối chặt chẽ để đào sâu về đề tài sang chấn liên thế hệ (multigenerational trauma). Đạo diễn có khả năng nhìn sâu vào bản chất mong muốn của nhân vật trong phim, rằng ai cũng khăng khăng điều họ làm xuất phát từ tình thương, nhưng kỳ thực đẩy họ xa nhau hơn. 'Trấn Thành có biệt tài thấu hiểu tâm lý khán giả. Tôi nghĩ câu chuyện trong phim đại diện cho số đông người lao động - những người vì miệt mài, bươn chải mưu sinh mà không có cơ hội nhìn lại các giá trị tình cảm gia đình', đạo diễn Minh Thắng nói.
Sau Bố già, Trấn Thành vẫn tiếp tục khẳng định thương hiệu của mình khi mang đến câu chuyện về đời sống gia đình. Nhưng lần này, anh tỏ ra 'tham' hơn, khi tưởng như Nhà bà Nữ là góc nhìn của riêng người mẹ, nhưng còn là tâm trạng của người cha, người chồng, người con hay thậm chí... là người hàng xóm. Số lượng nhân vật của phim không hề nhỏ và nhiều người sẽ nghĩ với thời lượng chưa đầy 2 tiếng, Trấn Thành với cương vị đạo diễn sẽ khó giải quyết mọi thứ trơn tru.
Những tình huống trong ngôi nhà của bà Nữ dễ bắt gặp ở ngoài màn ảnh, từ đó chạm đến số đông công chúng. Một người mẹ khó tính, cấm con gái trước các mối quan hệ yêu đương, ngăn cản cô theo đuổi sở thích vì không thấy tương lai. Một cô gái quyết tâm bỏ nhà ra đi, mong khởi nghiệp thành công cùng bạn trai nhưng sớm vỡ mộng. Một người con rể bị nhà vợ lấn lướt, phải mượn rượu giải sầu cùng bạn nhậu. Ba câu chuyện được lồng ghép liền lạc để tạo thành thước phim với liên tiếp các mâu thuẫn, đẩy không khí lên mức căng thẳng.
Một điểm đáng khen nữa cho bộ phim là Trấn Thành chính là nhân vật của anh ở bộ phim này, rất đời và chân thật. Phú Nhuận không tài giỏi nhưng cũng là người đàn ông nghĩ cho gia đình và muốn được khẳng định tiếng nói trong một thế giới mà nữ quyền đang lấn át. Diễn xuất của Trấn Thành mang lại hiệu quả bất ngờ khi anh có sự tiết chế vừa phải và còn để lại cho nhân vật của mình một dấu chấm lửng ở kết phim, làm chúng ta không khỏi ngẫm nghĩ về cuộc đời vốn đã nhiều đắng cay.
Loạt diễn viên phụ khác như: NSND Ngọc Giàu, Song Luân, NSND Việt Anh, Lê Dương Bảo Lâm, NSƯT Công Ninh, Ngân Quỳnh... cũng đều làm khá tròn vai trò của họ.
Trấn Thành thủ vai Nhuận trong phim Nhà bà Nữ - Ảnh: NSX
Nhân vật Ngọc Nhi do Uyển Ân thể hiên đại diện cho thế hệ gen Z nhiều mơ mộng
Trấn Thành (hàng đầu, thứ ba từ trái qua) và êkíp giao lưu khán giả Hà Nội hôm 26/1 (mùng 5 Tết).
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, phim không có những màn độc diễn tỏa sáng, song các gương mặt trong phim đều diễn hài hòa, thể hiện 'màu' của họ có kiểm soát. 'Nhiều người nói phim này kịch quá, nhưng sân khấu trong điện ảnh cũng là một thực hành nghệ thuật phổ biến', đạo diễn Đập cánh giữa không trung nói.
Bên cạnh nội dung, tác phẩm có chiến lược truyền thông hợp lý, bài bản. So với Thanh Sói (Ngô Thanh Vân) - ra rạp cuối năm ngoái, dự án Nhà bà Nữ được khởi động khá gấp rút vì công bố trễ. Bù lại, phim chọn đúng điểm rơi khi tổ chức các sự kiện ra mắt. Buổi công chiếu phim tại TP HCM hôm 11/1 đứng top nội dung thịnh hành của TikTok. Sau khi phim ra rạp, mỗi ngày, êkíp Trấn Thành đều tổ chức các buổi giao lưu tại các rạp (cine-tour) tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... để gặp gỡ khán giả.
Một yếu tố nữa giúp Nhà bà Nữ thắng lớn một phần nhờ bối cảnh ít phim cạnh tranh. Ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc nội dung cụm rạp CJ CGV - đánh giá, nếu năm ngoái, 5 phim Việt góp mặt vào đường đua mùa Tết - chưa tính tác phẩm chiếu lại, năm nay đối thủ của Trấn Thành ít hơn hẳn.
>> Xem thêm: Em gái Trấn Thành tay trong tay, tình tứ với Song Luân