Hàng loạt phim Việt bị chê về chất lượng và doanh thu phòng vé ảm đạm từ đầu năm đến nay khiến niềm tin về sự khởi sắc của điện ảnh Việt dần giảm sút. Khi phim thua lỗ, ế ẩm, nhiều đạo diễn đã đổ lỗi cho khán giả, chê khán giả Việt trình độ kém, không đủ tầm để thẩm định được độ hay, độ đẹp của tác phẩm. Khán giả có quay lưng với rạp chiếu, với điện ảnh Việt hay không là câu hỏi được rất nhiều nhà sản xuất, phát hành đặt ra khi rạp chiếu phim quay trở lại 'bình thường mới' cuối năm 2021, sau giai đoạn dài đóng cửa vì dịch bệnh. Lúc đó, tâm niệm lớn nhất của những người làm nghề là làm thế nào để kéo khán giả trở lại rạp, giúp họ lấy lại thói quen xem phim. Và, ai cũng hiểu cách duy nhất chính là những bộ phim chất lượng. Nhìn vào doanh thu 100-200 tỷ đồng của các phim ngoại nhập, giới làm phim trong nước sẽ chạnh lòng khi gần một năm qua, tính cả mùa phim tết, điện ảnh Việt mới có duy nhất một phim vượt mốc 100 tỷ đồng. Nhưng, thay vì ghen tỵ, hãy chấp nhận và nhìn lại chính mình.
Cứ ra rạp là lỗ?
Sau 2 năm đóng băng vì dịch COVID-19, rạp chiếu phim được kỳ vọng sẽ phục hồi từ mùa phim Tết đầu năm 2022. Thế nhưng, sau 8 tháng, hầu hết dự án phim Việt ra rạp đều thua lỗ nặng nề. So về mặt bằng chung với nhiều năm trước đại dịch COVID-19, thị trường phim 2022 không có quá nhiều bom tấn ngoại đáng ngại. Những nền điện ảnh lớn nhất thế giới như Mỹ, Hàn Quốc chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều dự án bom tấn bị đình trệ sản xuất, không kịp tiến độ ra mắt rầm rộ trong đầu năm 2022.
Hơn 20 phim Việt đã ra rạp trong bối cảnh không có quá nhiều sự cạnh tranh, thế nhưng hầu hết đều thua lỗ, thậm chí nhiều phim có doanh thu ảm đạm đến khó tin, chưa nổi 1 tỷ đồng. Trong hơn 20 phim điện ảnh ra rạp, duy nhất chỉ có Em và Trịnh đoạt doanh thu trăm tỷ, nhiều 'ứng viên' được đánh giá sáng giá như Nghề siêu dễ, Chìa khóa trăm tỷ... đều chỉ dừng ở con số vài chục tỷ. Đa số còn lại là những phim chỉ thu được vài tỷ đồng, phải rút khỏi rạp chiếu sớm do ế ẩm, có thể kể đến như Kẻ thứ 3 (doanh thu xấp xỉ 1 tỷ đồng), Mến gái miền Tây (8 tỷ đồng), Người lắng nghe (2,5 tỷ đồng), Người tình (1,2 tỷ đồng), Mưu kế thượng lưu (1 tỷ đồng), Mỹ nhân thần sách (168 triệu đồng)... Những con số này sau khi chia phần trăm doanh thu cho nhà rạp, sẽ còn lại số tiền ít ỏi, thua lỗ nặng so với chi phí sản xuất.
Một cảnh trong phim Em và Trịnh.
Lý do giải thích cho sự ế ẩm nằm ở việc khán giả chưa hào hứng đến rạp xem phim do gần 2 năm ở nhà vì dịch COVID-19. Nhiều khán giả đã thay đổi thói quen, tìm đến niềm vui, sở thích khác khi rạp phải đóng cửa vì dịch. Bên cạnh đó, nhiều nền tảng chiếu phim trực tuyến đang lên ngôi như Netflix, Vieon, iQIYI... Những nền tảng phim trực tuyến giúp khán giả chỉ cần nằm nhà cũng có rất nhiều lựa chọn.
Tuy nhiên, lý do lớn nhất nằm ở việc, hầu hết phim Việt ra rạp đầu 2022 đều có chất lượng thấp, không có tính đột phá, hấp dẫn. Nhiều dự án khi ra rạp bị khán giả chỉ trích do kịch bản tẻ nhạt, phi lý, thảm họa. Sự chắp vá nội dung, diễn xuất không tới, kịch bản rời rạc đã khiến nhiều dự án như Bẫy ngọt ngào, 578: Phát đạn của kẻ điên, Kẻ thứ 3... vừa ế ẩm, vừa hứng chịu 'gạch đá' khi ra rạp.
Khán giả chỉ quay lưng với phim Việt dở
Khi những bom tấn của Hollywood cháy vé ở thị trường phim Việt mới thấy khán giả Việt đang cập nhật những xu hướng thế giới nhanh nhạy như thế nào. Thị trường phát hành phim ở Việt Nam trở nên sôi động và đầy tiềm năng với điện ảnh thế giới.
Poster phim Kẻ thứ ba.
Có thể kể đến 2 ví dụ gần nhất, bộ phim Thái Lan Ngược dòng thời gian để yêu anh thu 50 tỷ đồng sau 13 ngày ra rạp Việt, hay phim hài Hàn Quốc Bỗng dưng trúng số đang làm mưa làm gió khắp các phòng vé. Riêng trong ngày 25/9, phim Bỗng dưng trúng số thu 14 tỷ đồng.
Điều này phủ nhận những giả thuyết được đặt ra trước đó khi phim Việt ế ẩm thua lỗ. Giới sản xuất phim Việt cho rằng, khán giả vẫn ngại đến rạp sau dịch COVID-19, khán giả đã thay đổi thói quen xem phim sau thời gian giãn cách, giờ đây những nền tảng xem phim trực tuyến như Netflix đã lên ngôi, khán giả không còn mặn mà đến rạp... Những giả thuyết này đã phá sản, khi khán giả nườm nượp đến rạp xem phim Thái, Hàn.
Cũng giống như 'nỗi oan' phải gánh bao lâu, khán giả Việt bị chê về thị hiếu tầm thường, chỉ thích phim hài nhảm, đến rạp cười vui rồi về, không có khả năng xem phim đậm chất nghệ thuật. Gần nhất, bộ phim 578: Phát đạn của kẻ điên vẫn tự thấy phim của họ rất hay, cảnh đẹp, nhưng khán giả thể hiện thái độ 'hội chứng đám đông' thi nhau chê bai, khiến nhà sản xuất 578 ấm ức. Khán giả Việt đã phải chịu nhiều 'tai tiếng' khi phim nội địa ế ẩm, thua lỗ. Không nhà sản xuất nào thừa nhận phim họ ế vì kém chất lượng.
Quốc Trường và Bảo Anh trong bộ phim điện ảnh Bẫy ngọt ngào.
Đánh giá tình hình phim Việt bị nhấn chìm tại rạp chiếu, đạo diễn Khoa Nguyễn nói: 'Giới làm phim cũng đang suy ngẫm nhiều về tình hình này. Vì sao phim ngoại chỉ ở mức thường thường bậc trung vẫn áp đảo doanh thu phòng vé? Liệu khán giả Việt có đang quay lưng với phim trong nước? Theo tôi, chỉ là do phim Việt hiện chưa có phim hay ra rạp, chứ khán giả Việt vẫn luôn dành cảm tình cho phim Việt; bởi phim ảnh là một bộ phận của văn hóa và không ai lại khước từ, không xem văn hóa bản địa của mình, nên phim Việt vẫn luôn là một nhu cầu thiết thân, không thể từ bỏ của khán giả Việt. Nếu hiểu điều đó, thì các nhà làm phim Việt nên thay đổi chiến lược, tư duy điện ảnh để làm ra những bộ phim có sự đầu tư xứng đáng về chất lượng. Khán giả không quay lưng với phim Việt tốt, mà chỉ quay lưng với phim Việt dở'.
Phim kém chất lượng: Trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà làm phim
Khi phim thua lỗ, ế ẩm, nhiều đạo diễn đã đổ lỗi cho khán giả, chê khán giả Việt trình độ kém, không đủ tầm để thẩm định được độ hay, độ đẹp của tác phẩm. Trước những năm 1990, điện ảnh Việt nằm trong cơ chế bao cấp của Nhà nước. Các nhà làm phim tập trung ở những hãng phim do Nhà nước quản lý, chu cấp tiền cho mọi chi phí sản xuất. Điện ảnh những năm bao cấp phục vụ mục tiêu tuyên truyền, phim là sản phẩm nghệ thuật đậm tính tác giả.
Cơ chế bao cấp đeo bám theo phim Việt trong thời gian dài, ngay cả khi điện ảnh bước vào xã hội hóa. Thị trường mở cửa thập niên 1990 đến sau 2000 chia thành 2 dòng phim rõ rệt, phim do tư nhân sản xuất và phim do Nhà nước quản lý. Khi các hãng phim Nhà nước bước vào cổ phần hóa kéo theo muôn vàn tranh cãi, hệ lụy, cơ chế làm phim dưới sự bao cấp của Nhà nước chính thức chấm dứt. Chịu ảnh hưởng của cơ chế làm phim bao cấp quá lâu, nhiều đạo diễn bỡ ngỡ khi bước vào cơ chế thị trường. Trước đây, các đạo diễn đã quen với việc làm phim theo chuẩn mực, quy định về thẩm mỹ, nghệ thuật, họ mang vào thị trường phim những gì mình có. Nhiều bộ phim không bán nổi một vé (trong một suất chiếu). Các đạo diễn chia sẻ rằng, khán giả đang chạy theo thị hiếu giải trí, hài nhảm, chỉ thích đến rạp vui cười rồi về, nên không đủ tầm thẩm định những tác phẩm mang tính nghệ thuật.
H'Hen Niê trong bộ phim 578 - Phát đạn của kẻ điên.
Thị trường phim ngày càng khắc nghiệt, điện ảnh thế giới lớn mạnh như vũ bão, hơn bao giờ hết, các nhà sản xuất đã đến lúc phải thay đổi tư duy làm phim.
Nhận định về lý do nhiều bộ phim ra rạp thất bại, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: 'Dưới góc độ người làm chuyên môn, tôi nghĩ rằng khán giả rất rõ ràng trong nhận thức bởi toàn bộ 27 bộ phim doanh thu thấp đều là những phim có chất lượng từ trung bình cho tới mức độ mà chúng tôi gọi là thảm họa. Và đương nhiên không có lý do gì để khán giả sẵn sàng chi tiền cho những bộ phim như thế này'. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra những nhà sản xuất, nhà làm phim chính là người phải chịu trách nhiệm cho những bộ phim kém chất lượng. Theo đó, nhà sản xuất phim Việt vẫn còn một số điểm yếu cố hữu, cản trở sự phát triển của phim điện ảnh trong nước.
Đầu tiên phải kể đến, nhiều nhà sản xuất chuyên môn không cao, không đủ khả năng để thẩm định kịch bản. Do vậy, họ thường coi trọng những yếu tố bề nổi như chọn diễn viên nổi tiếng, nội dung 'theo trend' thay vì chăm chút, đầu tư cho nội dung phim. Hiện nay, chi phí cho những người làm kịch bản vẫn khá thấp, các nhà làm phim Việt vẫn còn giữ tư duy đầu tư theo hướng 'ăn xổi', chưa có tư duy kiến tạo. 'Dù phim thu lời nhưng ít người dám đầu tư cho một bộ phim khác và sản xuất tác phẩm tiếp theo. Phần lớn họ sẽ sử dụng doanh thu và lợi nhuận đó để đầu tư cho các mảng khác', ông Tuấn đánh giá.
Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, với điện ảnh Việt, bài toán kinh tế đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiều đạo diễn phim Việt vẫn sống trong những 'ảo ảnh' về nghệ thuật, luôn tự tâm đắc, khen ngợi phim của mình hay, quay đẹp, nhưng khi phim ra rạp lại không thể bán được vé. Độ vênh trong thưởng thức phim giữa đạo diễn và khán giả là một vấn đề nan giải của phim Việt kéo dài trong nhiều năm.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan chia sẻ: 'Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi về nhận thức. Nếu như trước đây, điện ảnh được xem là nghệ thuật đỉnh cao thiên về tinh thần, thưởng thức, không quy thành hàng hóa. Bây giờ đã khác, phim ảnh phải là sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Các nhà làm phim đặt ra giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm, đồng thời phải cho thấy đó là mặt hàng mà khán giả muốn xem. Anh không thể chỉ bán thứ anh có, anh phải bán những thứ khán giả cần'.
Để công nghiệp hóa, phim Việt cần nâng cao chất lượng, lý giải được bài toán kinh tế, có chiến lược PR bài bản, đồng thời rạp chiếu cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho phim Việt. Theo ông Minh Tiệp - Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa, khi vào rạp, nhiều bạn trẻ luôn ưu tiên chọn những bộ phim bom tấn, phim nổi tiếng thế giới. 'Theo tôi, cần phải có yếu tố truyền thông, quảng bá nhiều hơn cho phim nội. Hiện nay, nhiều quốc gia dành thời gian quảng bá cho phim nội, ưu tiên phim nội rất nhiều, thậm chí có hạn ngạch cho nhập khẩu phim. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những giải pháp', ông Tiệp nói.
Ông Tiệp khẳng định, chính sách ưu tiên phim nội nên được cân nhắc nhưng song song với điều đó, các nhà làm phim Việt phải nâng cao chất lượng kịch bản, chất lượng phim, và có những đột phá mới trong tiếp cận đề tài.