Các doanh nghiệp điện ảnh trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã trải qua 2 năm khó khăn vì COVID-19 và chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Nhưng nhìn một cách lạc quan, ngành công nghiệp điện ảnh mà chúng ta đang hướng tới tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV Việt Nam - Ảnh: VGP
Lượng khán giả đến rạp đang dần khôi phục
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV Việt Nam - cụm rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam - cho biết, lượng khán giả quay trở lại với CGV đang dần khôi phục, tuy còn cần thời gian và nhiều nỗ lực để có thể được như trước. Trong nửa đầu năm 2022, lượng khán giả đến CGV đạt khoảng 60% so với trước dịch.
Sự yêu mến và trở lại rạp của khán giả đã giúp CGV giải quyết được nhiều vấn đề trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cũng như các hệ thống rạp chiếu phim khác, CGV vẫn đang phải phân bổ các khoản thu sao cho hợp lý để điều hòa chi phí vận hành, cũng như bù đắp các khoản lỗ của 2 năm trước.
Trước nhu cầu vui chơi giải trí, phục vụ đời sống tinh thần của người dân cũng như đẩy mạnh thu hút du lịch, hệ thống các rạp chiếu phim đều mong muốn được mở muộn hơn so với quy định hiện nay vừa tạo động lực rất lớn thúc đẩy phát triển nền kinh tế đêm, vừa góp phần tạo thu nhập và công ăn việc cho người lao động…
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng xác định việc phát triển kinh tế ban đêm sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua đó còn phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, giải trí, ăn uống, mua sắm diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, đồng thời tạo thêm thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Ông Hải cho rằng, tại Việt Nam, nhu cầu và tiềm năng phát triển các dịch vụ mua sắm, giải trí, văn hóa ban đêm trong đó có sự đóng góp khá lớn của hệ thống các rạp chiếu phim là tất yếu, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Qua khảo sát thực hiện Chiến lược phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là một trong ba sản phẩm du lịch được du khách quan tâm nhất. Phát triển kinh tế đêm cũng sẽ góp phần tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện cuộc sống người dân. Tại nhiều nước trên thế giới, hoạt động về đêm không chỉ là sản phẩm du lịch, giải trí hấp dẫn mà còn trở thành nguồn thu chính cho ngành du lịch - văn hóa quốc gia.
Thị trường phim chiếu rạp là một trong những thị trường quan trọng đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu của ngành điện ảnh trên toàn quốc và góp phần thực hiện chủ trương xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Mong muốn điều chỉnh quy định và cho phép mở rạp chiếu phim sau 0h
Tuy nhiên, trong Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Khoản 1, Điều 8 quy định "phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chiếu phim ngoài khoảng thời gian từ 8h đến 24h hằng ngày". Theo ông Hải, quy định này đã và đang hạn chế cơ hội thưởng thức các tác phẩm điện ảnh tại rạp của một bộ phận khán giả nếu các bộ phim kéo dài quá 12h đêm, không phù hợp với chủ trương phát triển và đa dạng các dịch vụ văn hóa giải trí lành mạnh khi thành phố lên đèn.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện ảnh (cụ thể là 4 hệ thống rạp chiếu phim lớn tại Việt Nam gồm CGV, BHD Star, Galaxy và Lotte) đã gửi đề nghị xin Thủ tướng chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục điện ảnh xem xét về việc cho phép các rạp chiếu phim hoạt động sau 24h như một trong những ngành chủ đạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, góp phần tạo thu nhập, công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước.
"Nếu các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh quy định và cho phép các hoạt động về đêm sau 24h, CGV tin rằng đây sẽ tạo động lực rất lớn thúc đẩy phát triển nền kinh tế đêm, góp phần tạo thu nhập và công ăn việc cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước", ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cũng cho biết, dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực, như tại Thái Lan, việc kéo dài thời gian hoạt động tại các cơ sở giải trí sẽ tăng 25% chi tiêu của du khách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đất nước này. Hoặc như tại Anh, ngành công nghiệp ban đêm đóng góp doanh thu hằng năm lên tới 66 tỉ bảng Anh.
Các rạp chiếu phim hiện nay đa phần đều nằm trong các trung tâm thương mại, khu đô thị lớn – nơi tập trung số lượng lớn cư dân với nhu cầu giải trí sau giờ làm, giờ học rất cao. Những năm gần đây, xu hướng tìm đến rạp chiếu phim như một địa điểm văn hóa giải trí của các thành viên trong gia đình là rất lớn. Sau một ngày dài bận rộn với công việc, học tập, được cùng nhau thưởng thức một bộ phim tại rạp là nhu cầu chính đáng và ngày càng được nhiều gia đình lựa chọn. Kéo theo đó là các dịch vụ đi kèm như ăn uống, mua sắm, dạo chơi ngắm nhìn thành phố lúc lên đèn là những trải nghiệm được nhiều người ưa thích, đặc biệt trong những ngày thời tiết quá khắc nghiệt và giao thông đông đúc vào ban ngày.
Hơn nữa, theo ông Nguyễn Hoàng Hải rạp chiếu phim là loại hình kinh doanh đặc thù, với những yêu cầu rất chặt chẽ về thiết kế, cách âm, an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định khác của pháp luật. Do đó, dù có chiếu muộn, hệ thống rạp chiếu hoàn toàn đảm bảo an ninh an toàn, trật tự đô thị, đảm bảo cách biệt không gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, từ nay đến cuối năm, rất nhiều phim hay của Việt Nam và nước ngoài được đón chờ sẽ ra rạp. Phim Việt có thể kể đến như Vô diện sát nhân, Mười phần 2… các bom tấn nước ngoài như "Môn phái võ mèo: Huyền thoại một chú chó", "Black Adam", "Shazam! Cơn thịnh nộ của những vị thần", "Chú Mèo đi hia: Điều ước cuối cùng"… để phục vụ khán giả trong các dịp lễ lớn như Ngày Quốc khánh, Giáng sinh… Nhân lực của các cụm rạp vẫn được sắp xếp và phân bổ hợp lý về thời gian, đảm bảo sức khỏe và thu nhập cho người lao động.
Ông Nguyễn Hoàng Hải hy vọng kiến nghị của các cụm rạp được cân nhắc và chấp thuận, đây là một cơ hội để tăng thêm doanh thu cho các cụm rạp cũng như các nhà sản xuất sau 2 năm đại dịch, đặc biệt với các nhà sản xuất phim Việt Nam, khi doanh thu chủ yếu đến từ sự ủng hộ của khán giả nước nhà. Thêm thời gian chiếu phim cũng bắt nguồn từ nhu cầu giải trí lành mạnh, chính đáng của khán giả, cũng như góp phần đa dạng các hoạt động văn hóa giải trí khi thành phố lên đèn, đóng góp vào phát triển kinh tế chung của quốc gia.
Bài 2: Mở rạp chiếu phim sau 0h: Cần khảo sát khung giờ hợp lý