Đoàn phim đã đi qua nhiều địa phương để ghi hình cuộc mưu sinh của bà con để từ đó, không chỉ khắc họa một tập quán đánh bắt, một nét văn hóa, mà còn chuyển tải những thông điệp về sự thích nghi với hoàn cảnh sống và khát vọng vươn lên, chinh phục thiên nhiên. Phóng viên Khôi Nguyên, Trung tâm THVN khu vực Tây Nam Bộ (VTV Cần Thơ) chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình thực hiện ký sự 'Đất sinh nghề'.
Điều gì thử thách nhất với ekip trong quá trình thực hiện 10 tập ký sự?
Vì tính chất mỗi tập trong loạt ký sự Đất sinh nghề là phác họa tròn đầy một cái nghề cái nghiệp với chân dung những người làm nghề tiêu biểu, ấn tượng hoặc một nhóm nghề có nét tương đồng, thành ra 10 tập ký sự vừa phải đảm bảo tính độc đáo riêng biệt, lại vừa có nét khái quát, thống nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì chọn những nghề đặc trưng nhất của miền Tây mà thử thách chung của ekip chính là tính thời vụ; có những nghề chỉ làm một vài tháng, chỉ mùa khô mới rộ, mùa mưa ngưng làm.
Quay phim phải chọn những góc quay mới để diễn tả được nét đẹp lao động.
Tập phim về nghề nấu đường thốt nốt rất khó thực hiện vì chúng tôi phải đi tìm nhân vật người thợ lấy nước thốt nốt vào mùa mưa, tức mùa nghịch. Bên cạnh đó, vì cây thốt nốt khá cao cho nên chúng tôi đã tính toán đặt thêm thiết bị quay địa hình cho nhân vật, kết hợp thêm flycam và máy ảnh có ống kính tốt để bắt những chuyển động chi tiết của công việc trèo, cắt bông và hứng nước thốt nốt.
Ngoài ra, một tập khó nữa đó là tập 10 kể về hành trình của cư dân làm nghề Đáy hàng khơi. Bối cảnh ghi hình ở cửa biển, ngoài khơi, điều kiện tác nghiệp phức tạp đòi hỏi sức khỏe, độ linh hoạt dẻo dai của quay phim và khả năng xử lý tình huống của cả ekip để đảm bảo an toàn tuyệt đối mà khung hình vẫn phải ấn tượng.
Những cảnh quay nhân vật mưu sinh trên ghe, thuyền luôn cần có sự phối hợp của 2 chiếc ghe để bắt được khoảnh khắc sống động nhất.
Có một số nghề nghiệp đặc trưng ở miền Tây đã được kể nhiều trên truyền hình, truyền thông, nền tảng số nên khi thực hiện ký sự các anh đã khai thác góc độ mới như thế nào?
Để tìm kiếm sự khác biệt, chúng tôi định hướng phác họa những câu chuyện nghề gắn với chuyện đời một cách chân thực, mộc mạc nhưng có chiều sâu. Thông qua hành trình làm nghề của nhân vật, chúng tôi đều cố gắng gửi đi những thông điệp có ý nghĩa. Mỗi tập mang một thông điệp khiến cho chuỗi phim có được sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn.
Trong đó, tập 3 kể về hành trình 'mưu sinh trên trời' của nghề hái rau rừng dược liệu ở Núi Cấm, An Giang và nghề trèo cây cau để hái trọn buồng cau ở Kiên Giang với những khung hình ấn tượng, thót tim, khiến cho người xem vừa nể phục vừa cảm nhận sự nguy hiểm, vất vả. Không chỉ là mưu sinh, những hình ảnh trong tập này còn mang khát vọng vươn lên đổi đời, phản ánh tính thích nghi, thích chinh phục tự nhiên của bao thế hệ đi khai phá mảnh đất phương Nam.
Phóng viên Khôi Nguyên (bìa trái) đang buộc thiết bị ghi hình di động để có những thước phim sống động khi nhân vật thu hái cây trái trên độ cao hàng chục mét.
Ngoài ra câu chuyện về những nghề lạ miệt vườn như đi nghề 'chấm nụ, thụ phấn' để tăng tỉ lệ đậu trái cho cây mãng cầu ta (cây na) và nghề 'gõ, mát xa' hoa dừa để lấy mật từ hoa đã thể hiện sự sáng tạo, thức thời của người miền Tây trong điều kiện mới. Từ những đột phá trong kỹ thuật canh tác, người dân đã tìm ra hướng mới từ sản vật cây trái quê nhà, từ nhu cầu mới mà tạo nên nghề mới, và đồng thời, cũng là biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Cây mãng cầu và cây dừa sống tốt trong điều kiện phèn mặn, nhờ phát triển những nghề liên quan đến các loài cây này mà bà con địa phương vẫn có thu nhập tốt, ổn định thay vì trồng lúa trên nền đất khô hạn, từ đó hạn chế cảnh rời quê, ly hương vì hạn mặn.
Thiết bị ghi hình trong phóng sự phải nhỏ gọn để dễ di chuyển.
Các anh có dự định thực hiện những phần tiếp theo không?
Câu chuyện về nghề đặc trưng, độc lạ mà đồng thời thể hiện văn hóa của đất và người miền Tây vẫn còn nhiều và thực tế sẽ còn phát triển, thế nên 10 tập trong loạt ký dự Đất sinh nghề này chỉ là bức tranh phác họa, chứ không có tham vọng bao quát hết nghề lạ miền Tây. Trong thời gian tới, chúng tôi mong có dịp kể tiếp câu chuyện hành nghề của bà con từ những cách tiếp cận mới, theo một chủ đề mới thống nhất, chẳng hạn khai thác đặc trưng văn hóa của Đồng bằng sông Cửu Long là văn hóa có 'yếu tố nước' (như nhận định của các nhà nghiên cứu di sản học). Thành ra, chúng tôi mong sẽ ghi hình những nghề có liên quan mật thiết đến ứng xử với nguồn nước, dòng sông, con rạch của bà con, mà không chỉ đơn thuần là khai thác thủy sản.
Xin cảm ơn anh!