Temu bước chân vào thị trường Việt tạo nên làn sóng mới kèm những lo ngại cho cả người dùng lẫn các đối thủ. Ảnh: Tuệ Minh
Trải nghiệm mua sắm trên Temu so với các nền tảng khác
Temu đặt mục tiêu xâm nhập vào thị trường Việt Nam, nơi người tiêu dùng ngày càng quen với mua sắm online qua các nền tảng như Shopee, Lazada và TikTok Shop. Để đạt được mục tiêu này, Temu không chỉ dựa vào mức giá rẻ mà còn tập trung vào trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, việc thao tác trên ứng dụng này vẫn có những ưu và nhược điểm nhất định.
Điểm cộng
Giao diện dễ sử dụng: Ứng dụng của Temu thiết kế tối giản, với nhiều hình ảnh minh họa rõ ràng. Các thao tác đăng ký tài khoản và mua sắm được rút gọn, giúp người dùng dễ dàng làm quen ngay lần đầu.
Giá sản phẩm rẻ: Hầu hết các sản phẩm trên Temu đều có mức giá thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, đặc biệt là các mặt hàng thời trang, phụ kiện và đồ gia dụng. Đây là ưu điểm lớn trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng săn sale và ưu đãi. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng trẻ tuổi là đối tượng rất nhạy cảm trong việc so sánh những yếu tố tác động trực tiếp đến túi tiền.
Chương trình miễn phí vận chuyển: Temu thường cung cấp các mã miễn phí vận chuyển, giúp thu hút người dùng mới và tạo động lực mua sắm nhiều lần.
Điểm trừ Thời gian giao hàng dài: Nhiều sản phẩm trên Temu được gửi từ Trung Quốc, nên thời gian giao hàng thường kéo dài từ 7-15 ngày hoặc lâu hơn. Điều này khiến Temu gặp bất lợi so với Shopee và Lazada, vốn có hệ thống kho nội địa. Dịch vụ hậu mãi chưa hoàn thiện: Nhiều người dùng phản ánh về khó khăn khi đổi trả hàng hoặc khi cần hỗ trợ từ bộ phận chăm sóc khách hàng. Điều này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm lâu dài. Chung quy lại, Temu gây ấn tượng ban đầu nhờ giao diện đơn giản, dễ sử dụng và khuyến mãi hấp dẫn. Tuy nhiên, so với Lazada hay Shopee, Temu hiện chưa hỗ trợ phương thức thanh toán khi nhận hàng (COD), buộc người mua phải thanh toán trước qua thẻ hoặc ví quốc tế. Điều này làm tăng rủi ro cho người tiêu dùng nếu nhận phải hàng kém chất lượng hoặc sai mô tả. Trái lại, Shopee và Lazada đều cung cấp dịch vụ COD phổ biến tại Việt Nam, tăng tính an toàn cho người mua.
Thị trường mua sắm online tại Việt Nam hiện cực kỳ sôi động với sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều thương hiệu khác nhau.
Chiến lược khuyến mãi mạnh tay: Lợi và hại
Shopee nổi bật với chương trình flash sale hàng ngày và hệ thống giao hàng nhanh nhờ sự hợp tác với nhiều đối tác logistics. Shopee cũng hỗ trợ thanh toán qua nhiều phương thức, bao gồm ví điện tử và trả góp.
Lazada ghi dấu ấn với các sản phẩm chính hãng trên LazMall, kèm dịch vụ giao hàng nhanh nội địa. Tuy nhiên, Lazada chưa tạo được cộng đồng người bán nhỏ như Shopee.
TikTok Shop lại kết hợp giữa nội dung giải trí và thương mại, cho phép người dùng vừa xem livestream vừa mua hàng. Tuy nhiên, kho sản phẩm của TikTok Shop vẫn chưa đa dạng như các đối thủ.
Temu thu hút khách hàng thông qua chiến dịch tặng tiền khi mời bạn bè cài ứng dụng, cùng các đợt giảm giá sâu. Dù chiến lược này giúp ứng dụng nhanh chóng lọt top tải về, một số người dùng cho rằng giá 'rẻ' chỉ là ảo giác khi nhiều sản phẩm có giá niêm yết cao để tạo cảm giác giảm sâu. Điều này tạo ra kỳ vọng không thực tế và khiến khách hàng thất vọng khi nhận sản phẩm.
Hiện tại, Temu cùng với Shein và Taobao đang gây sức ép lớn lên các nền tảng nội địa và doanh nghiệp nhỏ. Việc các sàn này chấp nhận thanh toán bằng VND và giao hàng tận nơi đã mở rộng thị phần tại Việt Nam, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh và mất thị phần.
Nhằm thu hút người dùng mới, Temu triển khai chương trình thưởng tiền và mã giảm giá cho người dùng khi mời bạn bè cài đặt. Đây là chiến lược hiệu ứng lan truyền, vốn đã được nhiều ứng dụng trước đó áp dụng, như Shopee thời kỳ đầu hay TikTok khi mới ra mắt TikTok Shop.
Các chương trình này đánh vào tâm lý săn khuyến mãi của người tiêu dùng trẻ. Với mỗi lượt giới thiệu thành công, người dùng có thể nhận được các mã giảm giá lớn, thậm chí nhận thưởng tiền vào ví. Tuy nhiên, liệu chiến lược này có đủ để Temu duy trì sức hút lâu dài hay không, vẫn còn là câu hỏi lớn.
Theo thống kê năm 2023, Shopee chiếm hơn 35% thị phần, dẫn đầu nhờ các chiến dịch khuyến mãi rầm rộ và mạng lưới giao hàng rộng khắp. Lazada duy trì khoảng 20% thị phần, chủ yếu nhờ các chương trình hợp tác với thương hiệu lớn và sản phẩm chính hãng. TikTok Shop đạt khoảng 10-12% thị phần, tận dụng sức mạnh của nền tảng video và livestream để bán hàng.
Temu kỳ vọng lấy thị phần từ Shopee và Lazada nhờ lợi thế giá rẻ và nhiều ưu đãi. Để duy trì sự phát triển bền vững, Temu cần cải thiện dịch vụ giao hàng và nâng cao chăm sóc khách hàng, nếu không muốn rơi vào tình trạng chỉ là 'ứng dụng của khuyến mãi' nhất thời.
Nguy cơ lộ dữ liệu cá nhân
Một điểm gây tranh cãi lớn là vấn đề bảo mật. Là nền tảng Trung Quốc, Temu đối mặt với nghi ngờ liên quan đến việc thu thập dữ liệu người dùng, tương tự những lo ngại từng xảy ra với TikTok. Dù chưa có bằng chứng cụ thể tại Việt Nam, việc ứng dụng này yêu cầu nhiều quyền truy cập thông tin cá nhân khiến không ít người e ngại.
Trên thị trường quốc tế, Temu cũng gặp chỉ trích về việc quảng cáo sai sự thật và thiếu kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, theo TIME, chỉ vài tháng sau khi xuất hiện, Temu lại nổi tiếng vì giao hàng muộn hoặc lỡ đơn, giao sai, các khoản phí bí ẩn, dịch vụ khách hàng không phản hồi. Đến cuối năm đó, Temu đã phải chịu hơn 30 khiếu nại gửi đến tổ chức thúc đẩy uy tín kinh doanh Better Business Bureau và có xếp hạng khách hàng BBB dưới 1,5 sao.
Hãy là người tiêu dùng thông thái, đừng đánh đổi thông tin cá nhân để nhận lại vài phần trăm chiết khấu.
Điều này, kết hợp với lo ngại về an ninh dữ liệu, có thể ảnh hưởng đến khả năng mở rộng của Temu nếu không sớm điều chỉnh. Nhiều báo cáo (Krebs on Sercurity, CNN) cho biết, ứng dụng Pinduoduo từng bị phát hiện cài mã độc để thu thập dữ liệu người dùng, bao gồm cả vị trí và lịch sử thiết bị.
Thậm chí, trong tháng 3/2023, chính Google đã thẳng tay gỡ ứng dụng này khỏi Play Store do nhận được những báo cáo tương tự. Điều này khiến người dùng lo ngại Temu có thể sử dụng chiến thuật tương tự.
Temu yêu cầu nhiều quyền truy cập vào thiết bị, như danh bạ, vị trí và quyền lưu trữ, có thể dẫn đến rủi ro mất an toàn thông tin cá nhân. Theo cảnh báo từ Better Business Bureu (BBB), nền tảng này có thể sử dụng các thông tin nhạy cảm nhằm mục đích nhắm mục tiêu quảng cáo, tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh thông tin.
Temu kỳ vọng sẽ chen chân vào thị phần này bằng chiến lược giá rẻ và khuyến mãi liên tục. Tuy nhiên, với những hạn chế về chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng, Temu cần thời gian để xây dựng niềm tin từ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các chính sách quản lý thương mại điện tử tại Việt Nam cũng sẽ là thách thức cho Temu. Các cơ quan chức năng đã yêu cầu nền tảng này tuân thủ quy định pháp luật và rà soát thuế kỹ lưỡng để tránh gây rối loạn thị trường.
Temu đang tạo ra làn sóng mới trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam với mô hình giảm giá mạnh và khuyến mãi. Tuy nhiên, nếu không cải thiện chất lượng sản phẩm và giải quyết các lo ngại về bảo mật, ứng dụng này khó lòng vượt qua những đối thủ như Shopee và Lazada. Dù có tiềm năng cạnh tranh, Temu vẫn cần thời gian để chứng minh sự ổn định và đáng tin cậy của mình trong mắt người tiêu dùng Việt.