Chỉ trong vòng 1 tháng, phòng vé Hàn đón 4 tác phẩm được trông đợi bậc nhất sau mùa đại dịch. Một trong số đó là Hạ cánh khẩn cấp, tựa phim mới nhất của đạo diễn Han Jae-rim, người được biết đến qua những bộ phim như Thuật xem tướng hay The King.
Lấy chủ đề thảm họa hàng không - dịch bệnh cùng số vốn lớn lên tới 26 tỷ won, Hạ cánh khẩn cấp thực sự là một bom tấn được sinh ra cho phòng vé.
Một tác phẩm hay, vào đúng thời điểm
Hạ cánh khẩn cấp xoay quanh chuyến bay mang số hiệu KI501 của hãng hàng không Sky Korea, khởi hành từ sân bay quốc tế Incheon tới Honolulu, Hawaii. Một kẻ khủng bố tâm thần mang theo loại virus chết người lên máy bay, reo rắc sự sợ hãi cho hơn 150 hành khách và phi hành đoàn.
Không lâu sau khi máy bay cất cánh, một số hành khách bắt đầu có các biểu hiện ngứa ngáy, thổ huyết và tử vong ngay sau đó. Loại virus chết chóc nhanh chóng lan ra toàn bộ chuyến bay, đẩy hàng trăm con người vào ngưỡng cửa tử thần trên độ cao 8,534 mét, không một lối thoát.
Dự án phim đã được đạo diễn Han Jae-rim ấp ủ suốt 10 năm. Quá trình hoàn thiện kịch bản, tuyển chọn diễn viên và các công đoạn tiền kỳ đã được thực hiện trong năm 2019, tức là trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra.
Vậy nên, toàn bộ ê-kíp, bao gồm cả đạo diễn Han và các diễn viên đều bất ngờ khi thấy khung cảnh họ được đọc trong kịch bản đang diễn ra ngay trong đời thật.
Hạ cánh khẩn cấp là bộ phim lấy đề tài thảm họa, nhưng khắc họa một thảm họa chết người không phải dụng ý chính của đạo diễn. Han Jae-rim chỉ sử dụng bối cảnh một thảm họa để thể hiện những quan điểm của ông về xã hội, về tính nhân văn và những bản ngã chân thật nhất ở mỗi con người.
Tuyến nhân vật của phim được chia làm hai, một bên là những con người đang trực tiếp đối diện với thảm họa trên máy bay, một bên là những người đang nỗ lực giải quyết thảm họa dưới mặt đất. Từ đó, phim mang đến cái nhìn đa chiều về diễn biến tâm lý của nhiều lớp người, nhiều đối tượng khi một thảm họa ập đến.
Đó có thể là chính những người đang đứng dưới lưỡi hái tử thần, có thể là những 'nhân viên công vụ' đang gánh vác trách nhiệm của cả một quốc gia, hay gia đình nạn nhân đau khổ đến bất lực khi không thể cứu người mình yêu thương khỏi nguy hiểm.
Hơn cả sự sợ hãi dịch bệnh, phim mang đến cho khán giả cảm giác ngột ngạt trong không gian chật chội bao trùm bởi bệnh tật chết chóc, sự phẫn nộ khi tính ích kỷ của con người được phơi bày, hay cảm động đến rơi nước mắt trước tình người, tình cảm gia đình thiêng liêng, sâu sắc.
Theo dõi Hạ cánh khẩn cấp, khán giả sẽ không khỏi liên tưởng đến quãng thời gian hai năm chìm trong bóng tối của đại dịch Covid-19. Cách các quốc gia phản ứng với đại dịch, hay chính cách con người đối xử với nhau khi virus lẩn quất xung quanh, tất cả đều vô tình mà thật hữu ý, được tái hiện vô cùng sát với hiện thực.
Nếu không trải qua đại dịch, sẽ có người bật cười cho rằng Han Jae-rim đã vẽ ra những viễn cảnh có phần kệch cỡm. Nhưng đặt ở thời điểm hiện tại, khi thưởng thức bộ phim, có lẽ khán giả sẽ cảm thấy rùng mình, và thậm chí là chạnh lòng nhiều hơn.
Đó cũng chính là chủ ý của vị đạo diễn, khi ông mong muốn thông qua bộ phim, khán giả có thể thấu hiểu cho lập trường của nhân vật, thay vì thắc mắc tại sao họ lại hành động như vậy.
Dàn diễn viên bảo chứng
Mặc dù sở hữu chủ đề thú vị, cùng với một kịch bản ấn tượng được cài cắm nhiều thông điệp sâu sắc, song điểm đáng khen nhất của Hạ cánh khẩn cấp có lẽ nằm ở dàn diễn viên. Điều này cũng không có gì quá bất ngờ, bởi yếu tố đưa bộ phim trở thành một trong những chủ đề được thảo luận rầm rộ nhất ngay từ giai đoạn tiền sản xuất chính là những cái tên tham gia bộ phim.
Lần thứ hai trong năm nay, Song Kang-ho gặp gỡ khán giả trên màn ảnh rộng. Nếu như Người môi giới mang đến cho ông tượng vàng Ảnh đế Cannes có phần kén khán giả, thì Hạ cánh khẩn cấp lại là bộ phim rất thân thiện với khán giả đại chúng.
Song Kang-ho vào vai In-ho, một viên thanh tra lão làng đảm nhận nhiệm vụ điều tra vụ khủng bố, đóng vai trò dẫn chuyện chính của phim. Vai diễn In-ho của Song Kang-ho đặc biệt ở chỗ, ông vừa thể hiện sự gấp gáp của phía chính quyền trong việc giải quyết thảm hoạ, vừa mô tả sự đau đớn của thân nhân nạn nhân vụ khủng bố.
Vợ của ông đang có mặt trên chuyến bay, và trong những giờ phút quyết định, In-ho như mất đi sự chuyên nghiệp, bình tĩnh mọi người thấy ở ông để nói trong sự tuyệt vọng: 'Tôi không thể để vợ tôi chết như thế được.' Màn thể hiện đầy cảm xúc của Song Kang-ho trong vai một thanh tra bản lĩnh, một người chồng yêu thương gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả.
Lee Byung-hun và Jeon Do-yeon, hai cái tên lớn khác của màn ảnh rộng xứ Hàn lần lượt vào vai Park Jae-hyuk, một hành khách trên chuyến bay và Bộ trưởng Kim Sook-hee, một phụ nữ bản lĩnh đứng đầu công cuộc xử lý khủng hoảng. Màn thể hiện của Lee Byung-hun tuy không phải quá đột phá so với những gì anh đã thể hiện trên màn ảnh suốt hai thập kỷ qua, nhưng vừa vặn với những gì Hạ cánh khẩn cấp cần.
Anh vào vai một ông bố thương con, một người đàn ông với ám ảnh quá khứ và sợ máy bay. Lee Byung-hun chia sẻ, chính chứng sợ máy bay ngoài đời thật cùng kinh nghiệm làm cha của một cậu nhóc 7 tuổi đã giúp anh vào vai Jae-hyuk mượt mà nhất.
Trong khi đó, vai diễn Kim Sook-hee dù không quá gai góc như những gì người ta kỳ vọng khi nhắc tới Jeon Do-yeon, nhưng nét quyết đoán, cứng rắn đầy quyến rũ của nữ minh tinh vẫn khiến khán giả yêu mến nhân vật đầy trách nhiệm của cô.
Lời khen không thể không dành cho hai cái tên thực lực khác cùng tham gia bộ phim là Kim Nam-gil và Yim Si-wan. Gặt hái nhiều thành công tại địa hạt truyền hình, song Kim Nam-gil vẫn luôn chăm chỉ, nhiệt huyết trên màn ảnh rộng khi thể hiện xuất sắc nhiều dạng nhân vật, từ chính diện đến phản diện, từ u ám tới hài hước.
Trong Hạ cánh khẩn cấp, Kim Nam-gil mang trọn vẹn nét quyến rũ của mình vào vai diễn Hyun-soo, cơ phó của chuyến bay KI501. Mặc dù nhân vật Hyun-soo không có nhiều phân cảnh quá đa dạng, diễn xuất của Kim Nam-gil không hề khiến nhân vật này trở nên nhàm chán.
Khi ngồi vào ghế lái, anh kiên định và mạnh mẽ; khi đối diện với kẻ tâm thần, anh kích động và giận dữ, giống như phản ứng của khán giả với tên sát nhân này.
Trong khi đó, Yim Si-wan với vai phản diện đầu tiên trong sự nghiệp đã có màn trình diễn không thể xuất sắc hơn, thậm chí gây dấu ấn mạnh mẽ hơn cả những nhân vật nặng ký khác.
Gương mặt điển trai, hiền lành tưởng như vô hại ẩn chứa sự điên rồ, man rợ của một kẻ tâm thần máu lạnh, từ cách thoại, nụ cười, ánh mắt của Yim Si-wan, tất thảy đều khiến khán giả vừa nổi da gà, vừa căm ghét, vừa thán phục.
Không quá lời khi nói rằng, anh là một trong những nhân tố quan trọng nhất tạo nên nhịp độ căng thẳng nghẹt thở của bộ phim.
Trải nghiệm tuyệt vời trên màn ảnh rộng
Mặc dù nhấn mạnh hơn vào các thông điệp nhân văn, song đạo diễn Han Jae-rim không hề bỏ phí 26 tỷ won kinh phí của bộ phim.
Ông mang lên màn ảnh một 'thảm họa hàng không' thực sự, khiến khán giả như cùng bước vào khoang máy bay của chuyến bay tử thần. Ông sử dụng một thân máy bay tương đương một máy bay Boeing 777, chú trọng lắp đặt đến từng chi tiết nội thất, nhằm mang đến một trải nghiệm 'thật' nhất cho khán giả.
Trong phân cảnh máy bay mất lái và lao thẳng xuống dưới, Han sử dụng một trục quay 360 độ, để các diễn viên thực sự diễn trong bối cảnh hoảng loạn như vậy, nhằm tạo nên trải nghiệm chân thực bậc nhất.
Phần hình ảnh, âm thanh đã tai, đã mắt, cùng bầu không khí căng thẳng nghẹt thở sẽ mang tới cho khán giả trải nghiệm điện ảnh đáng tiền tại rạp, nhất là trong bối cảnh phòng chiếu thiếu vắng các tác phẩm bom tấn kinh phí lớn như hiện tại. Han Jae-rim chia sẻ, ông không chỉ muốn khắc họa một thảm họa, mà muốn khán giả như đang thực sự trải qua thảm họa đó. Và vị đạo diễn đã chứng minh thành công, ông không phải một người thích nói suông.
Một chút Train to Busan, một chút The Flu, một chút Blood Red Sky và một chút Top Gun, tất cả đã tạo nên một Hạ cánh khẩn cấp 'bình cũ rượu mới', ngập tràn cảm xúc và truyền tải một cách sâu sắc những thông điệp nhân văn về tình người, tình cảm gia đình xúc động. Không chỉ là một bộ phim hay, Hạ cánh khẩn cấp đúng hơn là một bộ phim tất cả chúng ta đang cần trong bối cảnh hiện tại.