Lee Jung Jae đã mất 4 năm để hoàn thành kịch bản của Hunt, cũng bởi lần đầu trong vai trò đạo diễn, nam tài tử quyết định 'chơi lớn' với một đề tài đậm màu sắc chính trị phức tạp.
Lấy bối cảnh vào năm 1980, Hunt theo chân hai nhân vật Park Pyeong Ho (Lee Jung Jae) và Kim Jung Do (Jung Woo Sung) là đặc vụ của Cơ quan An ninh Quốc gia. Họ đều là những tài năng ưu tú và là kỳ phùng địch thủ của nhau. Hai người đàn ông truy đuổi một kẻ gián điệp Bắc Triều Tiên được cử đến Hàn Quốc và khám phá ra một sự thật kinh hoàng bị che giấu.
Bên cạnh đó, Hunt còn mang đến góc nhìn về những sự kiện có thật như: Phong trào Dân chủ Gwangju ngày 18/05, hay vụ đào tẩu nổi tiếng bằng chiếc chiến đấu cơ MiG-19 của phi công Lee Woong Pyong. Bối cảnh xã hội của những năm 1980 đã tạo nên bầu không khí lẫn cảm giác căng thẳng cho bộ phim một cách tự nhiên, truyền tải thông điệp khác nhau dựa trên lịch sử hiện đại của Hàn Quốc.
Sau khi ra mắt tại Cannes, Hunt đã được trình chiếu rộng rãi ở Hàn Quốc
Phim đã có màn ra mắt tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5 và chính thức được trình chiếu tại Hàn Quốc từ ngày 10/8. Dưới sức hút của 'ông hoàng phòng vé' Lee Jung Jae, Hunt đã cán mốc 3 triệu khản giả chỉ sau hơn 10 ngày công chiếu.
Theo đánh giá của trang The Wrap, Hunt là một bộ phim kinh dị về điệp viên dày đặc và đẫm máu với đủ khúc quanh, ngã rẽ, những kẻ mang sứ mệnh hai mang, kẻ đào ngũ và những bí mật bị chôn vùi sẽ làm bối rối ngay cả những khán giả am hiểu chính trị. Phim mở đầu với nỗ lực thất bại nhằm ám sát tổng thống mới của 1 tay sát thủ bị giết trước khi hắn ta kịp hét lên: 'Tôi chỉ làm theo lệnh!'. Đặc vụ Park Pyong Ho là người chịu trách nhiệm chính cho vụ điều tra này, nhưng đối nghịch với anh ta lại người đồng sự Kim Jung Do không ngại biến mình thành một kẻ tàn nhẫn và ác độc để tra tấn nghi phạm.
Nhiều chuyên trang cho rằng, Hunt quá 'tham lam' về câu chuyện
Chuyên trang The Wrap cho rằng, Hunt hoàn toàn đi theo lối mòn của rất nhiều phim truyền hình xứ Kim chi từng đả động đến chính trị. Trang phim ảnh Screendaily lại đánh giá cao mối quan hệ đối đầu của hai nhân vật chính, khi nhân vật của Lee Jung Jae xuất sắc như một đặc vụ nghiêm túc và dứt khoát, còn Jung Woo Sung tạo ra cho nhân vật Kim Jung Do bầu không khí tàn nhẫn một cách lặng lẽ, khi anh ta bề ngoài thì bình tĩnh vỗ về người đồng nghiệp đang cài cúc áo của mình, nhưng trong đầu thực sự lại đang mưu tính gì đó. Hunt đẩy dần sự căng thẳng, khiến mối quan hệ giữa hai đặc vụ ngày càng gây tranh cãi, dẫn đến một cuộc giao tranh vừa thô bạo vừa gây sốc.
Tuy nhiên, Screendaily cũng cho rằng, khán giả hiện giờ đã quá quen thuộc với phim Hàn qua những 'cú twist' nhưng Lee Jung Jae vẫn khá 'tham lam', khiến bộ phim sa lầy vào những tình tiết kiểu như con người bất ngờ thay lòng đổi dạ. May thay, nam đạo diễn vẫn đủ tỉnh táo để giảm tối đa nguy cơ làm chậm đà tiến lên của toàn bộ câu chuyện, bằng cách tạo ra màn kết được thổi phồng, nhằm mục đích tô điểm nên vẻ hùng vĩ đầy kịch tính với bối cảnh phim đã có sẵn nhiều biến động. Tuy có thể hơi gượng ép, nhưng vẫn là đủ đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Kể cả vậy, The Wrap và Screendaily đều cho rằng nếu là khán giả nước ngoài, bạn nên xác định bỏ qua yếu tố lịch sử khó hiểu để tập trung vào những tình tiết khác của bộ phim, tránh cho trải nghiệm xem phim trở nên bị gián đoạn.
Hollywood Repotert cũng đưa ra nhận định riêng: rõ ràng Lee Jung Jae còn khá 'non' với việc ngồi ghế chỉ đạo, khi anh muốn đạt đến tham vọng với thể loại phim tràn đầy những âm mưu phức tạp về mặt tâm lý cùng với nhịp độ cao, nhưng nó lại đòi hỏi khả năng kiểm soát dòng chảy tường thuật chặt chẽ và không chút sơ hở. Các nhân vật được che đậy trong bí mật và lừa dối nhiều đến mức, động cơ thật sự cùng với lòng trung thành của họ trong phần lớn thời lượng là kém rõ ràng, đôi lúc chưa thể tạo ra điểm nhấn đáng kể. Kể cả vậy, kỹ thuật quay phim sắc sảo của Lee Mo Gae, kĩ thuật biên tập lôi cuốn của Kim Sang Bum và phần âm nhạc gây hồi hộp của Cho Young Wook đã góp phần che lấp đi khuyết điểm về nội dung của Hunt.
Các phân đoạn hành động cũng được đánh giá cao
Phần hành động cũng là một yếu tố gây tranh cãi lớn, Screendaily đưa ra lời khen ngợi: 'Bộ phim có một độ chính xác tuyệt đối trong các trận đấu súng, các vụ nổ và cảnh xe cộ hăm dọa nhau, đạt đến mức áp đảo. Một số cảnh có đóng thế đặc biệt đạt đến trình độ lão luyện và âm nhạc hấp dẫn của Cho Young Wook đã thêm thắt sự thú vị trong các phân cảnh này'. Hollywood Reporter không đồng tình lắm với ý kiến này, nhận xét rằng: yếu tố hành động trong phim chỉ là 'một sự phô bày vô nghĩa', có thể gây ấn tượng ở từng cảnh một nhưng để nói về sự gắn kết với nhau, là hoàn toàn không hề có.
Có lẽ điều mà Hollywood Reporter muốn ám chỉ rằng, Lee Jung Jae đã chông chênh giữa phương hướng làm ra một tác phẩm có chiều sâu, nhưng vẫn đủ yếu tố ăn khách. Chuyên trang này cũng bày tỏ sự tiếc nuối, nêu ra luận điểm: mặc dù các trường đoạn rượt đuổi bằng ô tô, đọ súng, đụng độ tay đôi, vụ nổ… sẽ khiến khán giả 'đã' con mắt nhưng nó cũng vô tình làm giảm hiệu quả của tác phẩm như một bộ phim hành động giải trí, dù Hunt đã có được một suất công chiếu tại hạng mục Midnight ở Cannes.
Tác phẩm của Lee Jung Jae phần nào vẫn chông chênh giữa hơi hướng của một bộ phim giải trí hay nghệ thuật
Dù có gây thất vọng ở khía cảnh nghệ thuật đi chăng nữa, số khán giả đến xem Hunt tại Hàn Quốc là một minh chứng cho việc Lee Jung Jae đã phần nào thành công ở khía cạnh thương mại. Đây dù sao vẫn là phim đầu tay của anh, khán giả cùng giới phê bình vẫn có cơ sở để trông đợi nhiều hơn nam tài tử ở vai trò chỉ đạo trong những dự án ở tương lai.
Hunt
Tại buổi họp báo của Hunt, Lee Jung Jae có chia sẻ: 'Tôi đã cân nhắc về việc liệu chủ đề của tác phẩm có thể gây được tiếng vang với khán giả hay không. Sau khi suy nghĩ đắn đo, tôi đã quyết định duy trì bối cảnh nền tảng của Hunt sẽ là những năm 80'. Theo Hankook Ilbo, nhờ chú trọng đến tính hiện thực, bộ phim đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với khán giả biết lịch sử và gây ảnh hưởng hữu ích đối với khán giả không biết lịch sử một cách chính đáng.