Kim Xà Lang Quân - Hạ Tuyết Nghi
Bích huyết kiếm - một tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, được đăng lần đầu tiên trên Hương Cảng thương báo vào năm 1956.
Hình ảnh tiêu sái của Giang Hoa khi vào vai Hạ Tuyết Nghi.
Trong tác phẩm này, nhân vật Hạ Tuyết Nghi (ngoại hiệu Kim Xà Lang Quân), là một kiếm khách nổi tiếng với Kim xà kiếm pháp và Kim xà chùy. Ông được miêu tả là đã chết và được nhắc đến bởi những người còn sống, theo đó Viên Thừa Chí là truyền nhân của ông.
Hình tượng kiếm khách với mái tóc rũ độc nhất vô nhị.
Qua bản dựng của TVB, Hạ Tuyết Nghi tài hoa phong nhã như được bước ra đời thực cùng với sự hóa thân sống động Giang Hoa. Anh thể hiện rõ cá tính phong lưu, si tình của nhân vật và đồng thời, cả nỗi bất hạnh. Thậm chí, nhân vật này còn nổi bật hơn cả nam chính Viên Thừa Chí của Lâm Gia Đống. Mặc dù sau đó có nhiều phiên bản phỏng dựng lại nhân vật Kim Xà Lang Quân nhưng chưa ai vượt qua thần thái của Giang Hoa.
Lão Ngoan Đồng - Chu Bá Thông
Tuy nổi tiếng là nhân vật trong tiểu thuyết, nhưng Chu Bá Thông là một nhân vật có thật trong lịch sử. Một số ghi chép ít ỏi cho biết ông sống vào cuối thời Bắc Tống, cùng thời với Vương Trùng Dương, là người Ninh Hải, Sơn Đông.
Lão Ngoan Đồng với tạo hình tóc trắng rối bù quen thuộc.
Trong tam bộ khúc của Kim Dung, Chu Bá Thông được miêu tả là nhân vật cuồng võ công nhưng tính cách ngây thơ, tinh nghịch như trẻ con. Trong thời gian ở Đại Lý, Chu Bá Thông nảy sinh tình cảm với Lưu Anh, một sủng phi của Nam Đế Đoàn Trí Hưng, sinh ra một đứa con. Vì chuyện này, Chu Bá Thông hết sức sợ hãi, xin lỗi Đoàn Trí Hưng và bỏ đi. Về sau Lưu Anh đành phải giết chết đứa bé. Sự việc này đã tạo nên một mối hận cừu suốt nhiều năm cho ông.
Những biểu cảm ngô nghê của Lê Diệu Tường khi hóa thân thành nhân vật này.
Trong các phiên bản Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp do TVB sản xuất, nam diễn viên Lê Diệu Tường luôn được chọn để đóng nhân vật này. Ngoài sự hài hước, anh cũng thể hiện được tính cách từ vô tư đến vô tâm của Lão Ngoan Đồng đối với mọi việc.
Tiểu Long Nữ
'Dương Quá ngẩng mặt lên, bắt gặp ánh mắt của nàng. Nó cảm thấy thiếu nữ thật thanh lệ tú nhã, càng nhìn càng ưa thích, song thần sắc lại lạnh lùng. Đúng là thanh khiết như băng tuyết, giá lạnh như băng tuyết. Thật chẳng biết nàng mừng hay giận, buồn hay vui.'
Tiểu Long Nữ xinh đẹp của Trần Ngọc Liên.
Băng thanh ngọc khiết là tất cả những gì mà nhà văn Kim Dung dùng để điêu khắc lên hình tượng Tiểu Long Nữ. Đó là một vẻ đẹp nội tại, trong trẻo, thuần khiết nhưng không kém phần quyết liệt. Cả hai phiên bản Tiểu Long Nữ của TVB do Trần Ngọc Liên và Lý Nhược Đồng hóa thân đều nhận được lời khen, trở thành hình mẫu kinh điển cho vai diễn này.
Hóa thân Tiểu Long Nữ xuất sắc của Lý Nhược Đồng.Tuy nhiên, sự toàn vẹn của nhân vật trong các bản dựng về sau không thật đúng ý nguyện của nhà văn Kim Dung. Bởi lẽ, ông vốn có ý định để Tiểu Long Nữ vùi thân tại Tuyệt tình cốc cùng lời hẹn 16 năm, tan thành tro bụi. Thế nhưng vấp phải sự phản đối từ khán giả, ông đã sửa nguyên tác và có cái kết như chúng ta đã biết hôm nay.
Đông Phương Bất Bại
'Nhật xuất Đông Phương - Duy ngã Bất Bại'
Tạo hình nhân vật đại ma đầu Đông Phương Bất Bại của TVB.
Đông Phương Bất Bại được biết với danh xưng giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo. Kỳ thực, gã đã cướp đoạt ngôi giáo chủ của Ngậm Ngã Hành để tự mình xưng bá. Gã say mê học Quỳ Hoa bảo điển, trở nên vô địch thiên hạ nhưng môn võ công này khiến gã hóa nữ tính và có mối tình đặc biệt với chàng trai Dương Liên Đình. Trong trận chiến với Lệnh Hồ Xung, Dương Liên Đình bị uy hiếp khiến Đông Phương Bất Bại mất tập trung nên bị đánh bại. Khi Liên Đình chết, gã cũng tự kết liễu mình.
Lỗ Chấn Thuận thành công khi hóa thân vào vai diễn phức tạp này.
Nhà văn Kim Dung từng cho rằng vai diễn này tuy khó thể hiện nhưng ông không thích việc các nhà sản xuất cho diễn viên nữ hóa thân thay cho nam. Khi TVB làm tuyệt tác Tiếu ngạo giang hồ năm 1996, nhân vật Đông Phương Bất Bại của Lỗ Chấn Thuận khiến Kim Dung rất hài lòng vì bảo lưu được tinh thần của nguyên tác. Ông chia sẻ đó chính là màn hóa thân hợp ý nhất, như bước ra từ trong tưởng tượng của mình.
Quân Tử Kiếm - Nhạc Bất Quần
Cũng trong bộ truyện Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung đã xây dựng nên một tượng đài 'Thiên hạ đệ nhất tiểu nhân' - Nhạc Bất Quần, chưởng môn Hoa Sơn trong Ngũ Nhạc kiếm phái. Hắn còn được gọi là 'Quân Tử Kiếm'. Tuy miệng nói điều nhân nghĩa lễ trí tín, không tranh với đời nhưng thực sự hắn lại là một kẻ 'ngụy quân tử', ganh đua đố kị, nhiều mưu mô lão luyện, nhằm đạt mục đích xưng bá võ lâm.
Người như thế mà có một đệ tử như Lệnh Hồ Xung, đó hẳn là điều mỉa mai đầy thâm ý của Kim Dung.
Nhạc Bất Quần - Vương Vỹ.
Người đóng Nhạc Bất Quần hay nhất bản TVB là Vương Vỹ. Ông nhận được rất nhiều lời khen khi thể hiện vai này. Sự bất tín, gian trá ẩn sau lớp vẻ ngoài phương phi được Vương Vỹ lột tả trọn vẹn.
Đây được xem là vai diễn cột mốc của cố diễn viên Vương Vỹ.
A Tử
A Tử là đệ tử của ma đầu Đinh Xuân Thu, thuộc môn phái Tinh Túc. Bản tính cô rất tàn bạo và độc ác, vô cùng thích thú việc tra tấn và làm nhục bất cứ ai xúc phạm mình. Du Thản Chi bị thu hút bởi vẻ đẹp của A Tử và sẵn sàng chịu đựng những 'trò chơi' tàn bạo của cô. Hắn thậm chí còn trao đôi mắt của mình cho A Tử sau khi cô bị Đinh Xuân Thu làm cho mù mắt.
Tuy nhiên, cô lại phải lòng Tiêu Phong. Khi Tiêu Phong hy sinh mạng sống của mình cho sự hòa bình giữa Liêu và Tống, A Tử đã tự sát theo chàng.
Du Thản Chi và A Tử trong phiên bản TVB năm 1997.
Phân đoạn cảm động của A Tử trong phim khi Kiều Phong hy sinh.
Tuy đây chỉ là một nhân vật nhỏ trong bộ truyện Thiên long bát bộ, nhưng cá tính của nhân vật này rất đặc biệt. Trong bản dựng phim năm 1997, TVB đã chọn Lưu Ngọc Thúy cho vai diễn A Tử. Về sau, nữ diễn viên đã nổi danh vì màn hóa thân xuất sắc này. Vẻ dửng dưng trong sự tàn độc cùng khả năng lươn lẹo đã chiếm trọn niềm tin khán giả.
Mặc dù có ngoại hình 'không sáng giá' đúng như nguyên tác, nhưng Lưu Ngọc Thúy nhận được nhiều lời khen.
Vi Tiểu Bảo
Vi Tiểu Bảo là nam chính có cá tính thú vị nhất trong những nhân vật của Kim Dung. Nhân vật này thậm chí còn được so sánh ngang với AQ của nhà văn Lỗ Tấn. Hắn sinh ra tại Dương Châu và là con của một kỹ nữ lầu xanh. Lớn lên trong cảnh thất học, hắn vô tình tìm được đường tiến thân vô triều đình với vị trí thái giám, làm bạn thân với vua Khang Hi. Về sau, hắn có cơ duyen gặp được tổng đà chủ Thiên Địa hội và đã đồng ý giúp đỡ ông 'phản Thanh phục Minh'.
Phiên bản Lộc Đỉnh ký năm 1984.
Lương Triều Vỹ được xem là phiên bản hoàn hảo của Vi Tiểu Bảo.
Nhân vật khó nắm bắt này thể hiện thành công bởi nhiều thế hệ diễn viên. Có lẽ, đây là kiểu nhân vật 'khó bị ghét'. Trong phiên bản năm 1984, việc Lương Triều Vỹ hoá thân vào vai diễn này đã khiến khán giả cho là 'không thể có người thứ hai'. Thế nhưng, khi bản năm 1998 ra đời, màn hóa thân của Trần Tiểu Xuân lại được xem là giống nguyên tác nhất.
Phiên bản của Trần Tiểu Xuân được cho là giống nguyên tác nhất.
Kim Mao Sư Vương - Tạ Tốn
'Cái gì mà ông trời, đồ chó trời, đồ giặc trời, đồ ăn cướp trời thì có'. Có lẽ trong truyện Kim Dung chỉ có nhân vật Tạ Tốn - Kim Mao Sư Vương mới ngang tàng gọi ông trời là 'lão tặc thiên'. Kỳ thực số phận của Tạ Tốn quá bi đát và mọi căm phẫn dồn nén khiến ông trở nên loạn tính, bất cần. Mọi thứ xuất phát từ việc Thành Côn, một người sư phụ mà Tạ Tốn kính trọng như cha nuôi, đã cưỡng bức vợ và giết hại cả gia đình Tạ Tốn.
Tạ Tốn - Lạc Ứng Quân theo bản dựng Ỷ thiên đồng long ký năm 2000.
Mặc dù Thành Côn đã bặt vô âm tính, nhưng mối hận ngày đêm thiêu đốt khiến Tạ Tốn trở thành đại ma đầu, giết người hàng loạt để vu oan cho Thành Côn. Thiên hạ ngày càng e sợ âm thanh 'sư tử hống' của Tạ Tốn. Bản thân ông cũng không còn nghĩ đến khả năng quay về chính đạo. Mãi cho đến khi bị giam ở Thiếu lâm, giáp mặt kẻ thù cũ, Tạ Tốn nhận ra một đời mình hoài phí đến mức này, chỉ còn hai từ 'hư không'.
TVB luôn mang tính nhân văn lồng ghép vào nhân vật, Tạ Tốn là một điển hình.
Trong phiên bản Ỷ thiên đồ long ký năm 2000, Lạc Ứng Quân đã hóa thân vào nhân vật này bằng nội tâm giàu lòng trắc ẩn. Có thể xem đây là phiên bản Kim Mao Sư Vương hiền hòa nhất và đậm Phật tính nhất.
Tổng kết
Trong sự nghiệp đồ sộ của mình, nhà văn Kim Dung đã cống hiến rất nhiều những câu chuyện hay, những nhân vật độc đáo không chỉ dành cho diễn đàn văn học, mà còn đóng góp cho mảng phim ảnh - nghệ thuật. Nếu không có những tác phẩm này, người hâm mộ TVB sẽ không có cơ hội xem được những bộ phim truyện kiếm hiệp ấn tượng thập niên 80, 90.
===> Xem thêm: Cố nhà văn Kim Dung và 11 bộ tiểu thuyết lừng danh đã được chuyển thể thành phim trong 40 năm qua