Sau khi 'Chị chị em em 2' do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn ra rạp 2 ngày (từ mùng 1 Tết Quý Mão), ê-kíp làm phim vô cùng bức xúc vì được biết phim bị quay lén, tung một số phân đoạn quan trọng lên mạng xã hội TikTok.
Gây nhiều thiệt hại
Điều đáng nói là các video clip quay lén này thu hút lượng lớn người xem, có thể lên đến hàng trăm ngàn lượt. Số lượng video clip nhiều, xử lý hết tài khoản này thì lại có loạt tài khoản khác được tạo ra, phát tán phim chỉ nhằm câu kéo sự chú ý, tăng lượng tương tác. Những lời cảnh báo, kêu gọi khán giả văn minh trong ứng xử tại rạp được nhà sản xuất, đơn vị phát hành liên tục nhắc nhở nhưng tình trạng quay lén, rò rỉ phim vẫn diễn ra thường xuyên.
Trước việc 'Chị chị em em 2' bị rò rỉ, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng bức xúc: 'Đây không phải lần đầu tiên phim tôi đạo diễn bị phát tán trái phép trên mạng. Điều kỳ lạ là tất cả tài khoản đều mới lập và mỗi ngày có nhiều tài khoản lập ra chỉ để rò rỉ phim. Đây là hành vi không thể chấp nhận được và vi phạm pháp luật. Việc này không chỉ tổn hại đến doanh thu mà còn giết chết giá trị nghệ thuật của bộ phim'.
Theo đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, những lời kêu gọi xem phim có ý thức và văn minh hầu như không tác dụng với một số khán giả. Anh cho biết: 'Luật đã có quy định về việc vi phạm quyền sao chép tác phẩm nhưng tôi thấy chưa ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chỉ bị phạt hành chính quá nhẹ, không đủ răn đe. Trong khi đó, thiệt hại của các nhà làm phim là rất lớn'.
“Chị chị em em 2” bị quay lén, rò rỉ nhiều video clip trên mạng. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Việc phát tán những phân cảnh quan trọng, tiết lộ các 'cú lật' của phim đã 'giết chết' cảm xúc thú vị, ngạc nhiên của khán giả khi họ ra rạp thưởng thức tác phẩm. Dù vô tình hay cố ý, hành vi quay lén, phát tán phim đã gây nhiều thiệt hại cho nhà làm phim.
Phim 'Nhà bà Nữ' của Trấn Thành cũng gặp tình cảnh tương tự, bị tung từng đoạn quan trọng và cả cái kết lên TikTok. Những video clip vi phạm bản quyền này lại nhận được lượng lớn người xem. Phía nhà sản xuất phim phải liên hệ TikTok Việt Nam để xử lý.
Ngoài việc quay lén rồi đưa từng đoạn ngắn phim lên TikTok, trước đây, nhà làm phim còn chật vật đối phó với hành vi livestream (phát sóng trực tiếp) trên Facebook. Nhiều người còn quay lén khi xem tại rạp rồi tung lên Facebook. Những 'nạn nhân' của hành vi này phải kể đến các phim: 'Chạy đi rồi tính', 'Tấm Cám chuyện chưa kể', 'Em chưa 18', 'Xóm trọ 3D', 'Cô Ba Sài Gòn'…
Cần mạnh tay xử lý
Tình trạng phát tán phim trên mạng bởi một bộ phận khán giả thích gây sự chú ý, 'câu like, câu view' trở thành vấn nạn rất khó xử lý. Nhà sản xuất phải cân nhắc rất nhiều, nhất là thời điểm phim đang được chiếu. Bởi lẽ, nếu kiện tụng sẽ làm sự việc trở nên nghiêm trọng hơn, chưa biết kết quả ra sao song chuyện lùm xùm có thể tạo ý kiến trái chiều với những nghi ngờ như: gây thị phi, 'chiêu trò' để quảng bá phim; làm lớn chuyện để được chú ý...
Điều này sẽ khiến hình ảnh của phim bị xấu đi trong mắt công chúng. Đây cũng lý do khiến các nhà sản xuất không mạnh tay làm đến cùng mà chỉ dừng lại ở việc lên án, chỉ trích chung chung, kêu gọi sự văn minh, lan truyền thông điệp tôn trọng bản quyền, tôn trọng sự sáng tạo...
'Khi phát hiện loạt video clip phát tán phim trên TikTok, chúng tôi cùng nhà phát hành CGV đã làm việc với nền tảng này để khóa tài khoản, xóa video clip vi phạm. Hành vi vi phạm này chắc chắn tác động đến doanh thu phim, song chúng tôi không kiện tụng, làm lớn chuyện vì ngại ảnh hưởng hình ảnh của phim, dẫn đến mất thiện cảm với khán giả' - ông Will Vũ, nhà sản xuất phim 'Chị chị em em 2', giải thích.
Theo đạo diễn kiêm nhà biên kịch Kay Nguyễn, việc rò rỉ phim không chỉ nan giải tại Việt Nam mà còn ở cả thị trường phim thế giới. 'Nhiều nhà sản xuất lớn phải sử dụng công nghệ thông minh rà soát để phát hiện và xử lý, chống rò rỉ phim trên mạng' - đạo diễn Kay Nguyễn cho hay.
Tuy khó nhưng nếu nhà sản xuất quyết tâm làm mạnh tay để răn đe thì hoàn toàn có thể giúp giảm bớt hành vi vi phạm. Năm 2017, phim 'Cô Ba Sài Gòn' của Ngô Thanh Vân sản xuất bị một nam sinh livestream trên fanpage do người này quản trị. Vụ việc xảy ra tại rạp Lotte Cinema Vũng Tàu. Nhân viên rạp phát hiện, lập biên bản và ngay sau đó, nam sinh phải xóa video, nhắn tin xin lỗi nhà sản xuất phim.
Chưa dừng lại, Ngô Thanh Vân còn yêu cầu công an vào cuộc điều tra bởi hành vi của nam sinh vi phạm bản quyền, gây tổn hại về kinh tế, ảnh hưởng doanh thu phim. Cuối cùng, nam sinh này bị phạt hành chính 15 triệu đồng do vi phạm điều 17 Nghị định 131 năm 2013.
Mức phạt nêu trên dù không quá cao nhưng sau vụ việc này, các phim giảm rõ rệt nguy cơ bị livestream trên nền tảng Facebook. Nhiều ý kiến cho rằng việc rò rỉ video clip ngắn trên tài khoản TikTok sẽ khó truy tìm cá nhân vi phạm, khó giải quyết hơn hành vi livestream tại rạp nhưng vẫn có thể xử lý nếu nhà sản xuất và phát hành quyết tâm làm mạnh tay.
Điều 27 Nghị định 131 năm 2013 quy định: Phạt tiền từ 15 - 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ bản sao ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.