Mãn Giang Hồng lấy bối cảnh thời Nam Tống, được Trương Nghệ Mưu khai thác theo môtíp tiểu nhân vật trong bối cảnh lịch sử vĩ đại.
Sau bộ phim Xạ thủ bắn tỉa, Trương Nghệ Mưu một lần nữa tham gia mùa phim Tết với tác phẩm Mãn Giang Hồng, và đây cũng là lần trở lại với đề tài cổ trang của đạo diễn Trương Nghệ Mưu sau 3 năm kể từ bộ phim Vô ảnh năm 2018. Mãn Giang Hồng lấy bối cảnh vào thời Thiệu Hưng nhà Nam Tống, tể tướng Tần Cối dẫn binh đàm phán với nước Kim, sứ giả nước Kim chết tại nơi tể tướng đóng quân, một tiểu binh và phó thống lĩnh được lệnh điều tra vụ án này, từ đó bị cuốn vào một âm mưu to lớn… Ngoài hai nam chính Thẩm Đằng và Dịch Dương Thiên Tỉ, đạo diễn Trương Nghệ Mưu còn quy tụ dàn diễn viên hài Nhạc Vân Bằng, Phan Bân Long, Ngụy Tường, Trương Trì… đặc biệt là sự góp mặt của 2 diễn viên gạo cội Trương Dịch và Lôi Giai Âm, đã từng nhiều lần hợp tác với Trương Nghệ Mưu.
Đại lịch sử và tiểu nhân vật
Nhìn tên phim Mãn Giang Hồng tin rằng hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến bài thơ nổi tiếng 'Mãn Giang Hồng - Nộ phát xung quan' của danh tướng Nhạc Phi thời Nam Tống chống Kim. Tuy nhiên, dù bộ phim mang tên Mãn Giang Hồng, nhưng trong phim lại không thấy Nhạc Phi, thời gian được thiết lập tại thời điểm sau khi Nhạc Phi mất 4 năm, tức năm Thiệu Hưng thứ 16.
Bối cảnh lịch sử chính vẫn là 'Hiệp ước Thiệu Hưng', lúc bấy giờ dưới sự chỉ huy của các danh tướng Nhạc Phi, Hàn Thế Trung… nhà Nam Tống đã giành được thắng lợi nhất định trước nước Kim, nhưng Tống Cao Tông và tể tướng Tần Cối lại một lòng muốn nghị hòa với nước Kim, thậm chí hãm hại Nhạc Phi vào ngục, cuối cùng cái giá phải trả là từ bỏ đường biên giới cũ và cống nạp hàng năm cho nhà Kim để đổi lấy cục diện yên bình tạm thời ở phía Nam Tần Lĩnh… Trong phim, Thẩm Đằng và Dịch Dương Thiên Tỉ đóng vai một tiểu binh và phó thống lĩnh phụng mệnh điều tra truy tìm hung thủ và chân tướng vụ án.
Hai tuyến vai nam chính của bộ phim được giao cho Thẩm Đằng và Dịch Dương Thiên Tỉ.
Nhìn vào poster phim, câu chữ 'Mãn Giang Hồng - Nộ phát xung quan' phản chiếu trên mặt đất đỏ tươi, dường như báo hiệu danh tướng Nhạc Phi sẽ 'xuất hiện' dưới một hình thức khác. Theo giới thiệu của nhà sản xuất, cốt truyện phim được sáng tác dựa trên bối cảnh lịch sử nhất định, kể lại những bí ẩn chưa được giải đáp trong truyền thuyết từ góc nhìn hoàn toàn mới.
Kiểu câu chuyện về tiểu nhân vật trong bối cảnh lịch sử vĩ đại này, rất được ưa thích trong những năm gần đây. Bộ phim Tú Xuân Đao lấy bối cảnh những năm cuối thời nhà Minh, Sùng Trinh lên ngôi, Ngụy Trung Hiền rớt đài, nhưng trọng tâm lại là những tiểu nhân vật trong Cẩm Y Vệ như Thẩm Luyện…
Tiểu thuyết của Mã Bá Dung có nét đặc trưng: 'Trong khe hở của chính sử sinh ra tiểu nhân vật sinh động', những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm của ông như Trường An 12 canh giờ, Phong khởi Lũng Tây… cũng thuộc mô tuýp này. Ưu điểm của thể loại này là, vừa có nhân vật và sự kiện lịch sử ai ai cũng biết, lại không bị gò bó trong chính sử, góc nhìn của tiểu nhân vật cũng dễ khơi dậy sự đồng cảm của khán giả.
Qua các tác phẩm gần đây của Trương Nghệ Mưu, không khó nhận ra xu hướng tương tự. Bộ phim Nhiệm vụ bí mật, One Second, Xạ thủ bắn tỉa đều thể hiện số mệnh và tình cảm của tiểu nhân vật trong bối cảnh thời đại lớn. Nhất là Xạ thủ bắn tỉa, trước câu chuyện vĩ đại về cuộc chiến chống Mỹ viện Triều, Trương Nghệ Mưu chọn mô tả sự chiến đấu anh dũng của những người lính trên chiến trường, kiểu 'bỏ phức tạp, đơn giản hóa' này ngược lại càng có sức mạnh đi thẳng vào lòng người, nhận được sự khen ngợi của khán giả. Lần này, Mãn Giang Hồng tiếp tục được ông áp dụng theo phong cách dàn dựng quen thuộc, nhưng hình ảnh tiểu nhân vật phong phú và lập thể hơn.
Cổ trang và hiềm nghi
Tính đâu ra đấy, Mãn Giang Hồng là tác phẩm điện ảnh thứ 25, và là bộ phim cổ trang thứ 7 của Trương Nghệ Mưu. 20 năm trước, bộ phim võ hiệp đầu tiên Trương Nghệ Mưu dàn dựng - Anh hùng ra lò, được xem là tác phẩm chuyển hướng của ông, thu về 250 triệu CNY tiền vé, từ đó mở ra thời đại phim bom tấn Hoa ngữ.
Sau đó, từ Thập diện mai phục, Hoàng kim giáp đến Vô ảnh, Trương Nghệ Mưu liên tục thể hiện thẩm mỹ và bản sắc dân tộc vốn là sở trường của ông lên đến cực đỉnh trong những tác phẩm cổ trang bom tấn này. Mãn Giang Hồng cũng vậy, từ trailer có thể nhận ra, bộ phim chủ yếu được ghi hình tại thành phố cổ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đầy không khí cổ kính. Tông màu tổng thể lạnh lẽo và tông màu ấm áp của ánh nến, pháo hoa tạo nên sự tương phản rõ nét, mang đậm phong cách màu sắc hóa.
Ngoài thể loại cổ trang, yếu tố hiềm nghi cũng trở thành điểm xem chính của bộ phim. Trong các tác phẩm trước đây của Trương Nghệ Mưu, yếu tố hiềm nghi không có gì mới lạ, các tình tiết ám sát, thế thân, gián điệp… từng xuất hiện trong phim Anh hùng, Vô ảnh, Nhiệm vụ bí mật… Nhưng lần này Mãn Giang Hồng thì khác, Trương Nghệ Mưu thử thách với câu chuyện hiềm nghi có thời gian và không gian có tính hạn chế nhất định.
Ở tuổi 72, đạo diễn Trương Nghệ Mưu vẫn thể hiện sức sáng tạo đỉnh cao trong Mãn Giang Hồng.
Cũng như đạo diễn Trương Nghệ Mưu giới thiệu, Mãn Giang Hồng là bộ phim hồi hộp đảo ngược trước giờ chưa từng có, ông đã chọn dùng phương thức quay và chỉnh sửa khó nhất. Ngoài yếu tố cổ trang và hiềm nghi, một từ khóa quan trọng khác của Mãn Giang Hồng là 'hài hước', đây cũng là điểm khiến khán giả tò mò nhất. Dù sao, tác phẩm tập hợp 3 yếu tố: 'cổ trang, hiềm nghi, hài hước' là một thử thách không hề nhỏ đối với Trương Nghệ Mưu.
Dàn diễn viên tương phản
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Thẩm Đằng từng nói đùa rằng mình không dám chỉnh răng, vì sợ trong thời gian đeo niềng răng, Trương Nghệ Mưu bất ngờ đến tìm anh quay phim, không ngờ lời nói đùa của Thẩm Đằng đã trở thành hiện thực. Trước khi bộ phim bấm máy, 'Thẩm thúc thúc' được yêu cầu giảm cân, khiến anh khác xa hình tượng quen thuộc của mình trong các bộ phim hài.
Sự kết hợp giữa dàn diễn viên hài và các tên tuổi gạo cội, đã khiến bộ phim có sức hút mạnh mẽ.
Ngoài Thẩm Đằng, lần này Dịch Dương Thiên Tỉ thật sự thử thách bản thân với vai 'người tàn nhẫn kiệm lời', trong trailer nhân vật Tôn Quân do anh thủ diễn vì tra án mà mấy lần giết người, khiến người ta lập tức cảm nhận được thế nào là 'giết người không chớp mắt'. Để phù hợp hơn với khí chất của nhân vật, Dịch Dương Thiên Tỉ đã mạnh dạn thử tạo hình để râu và có sẹo trên mặt, khác hoàn toàn với hình ảnh trước đây.
Đồng thời, tiềm năng diễn cảnh hành động của anh cũng được đạo diễn Trương Nghệ Mưu kích thích, những cảnh hành động trong phim không chỉ thuần thục gọn gàng, còn có chút phóng khoáng. Có lẽ, một Dịch Dương Thiên Tỉ trước giờ chưa từng có như vậy đã mang đến cảm giác mới mẻ cho khán giả đến rạp xem phim ngày đầu năm mới.
Lôi Giai Âm đóng vai phản diện 'đại gian ác', một trong những gian thần khét tiếng trong lịch sử Trung Quốc - Tần Cối.
Trong danh sách diễn viên, còn có hai 'cộng sự lâu năm' của Trương Nghệ Mưu, một người là Trương Dịch đã hợp tác với ông 4 lần, người còn lại là Lôi Giai Âm hợp tác với ông 3 lần. Trước đây, bộ phim Nhiệm vụ bí mật mà Trương Dịch hợp tác với Trương Nghệ Mưu đã giúp anh giành được 2 danh hiệu Ảnh đế Kim Kê và Bách Hoa, lần này tuy là tuyến vai phụ nhưng chỉ ánh mắt trong vài giây của Trương Dịch đã đủ khiến khán giả nhớ mãi không quên.
Riêng tuyến vai của Lôi Giai Âm là nhân vật phản diện 'đại gian ác', một trong những gian thần khét tiếng trong lịch sử Trung Quốc - Tần Cối. Làm thế nào để diễn dịch được chiều sâu và sắc thái của vai phản diện sẽ là một thách thức đối với kỹ năng diễn xuất của Lôi Giai Âm.
Nhìn lại những bộ phim cổ trang bom tấn trước đây của Trương Nghệ Mưu, trong lúc mang đến cho khán giả những 'bữa tiệc thị giác' thịnh soạn, đồng thời cũng gây ra những cuộc tranh cãi về việc 'hình thức được chú trọng hơn nội dung'. Trương Nghệ Mưu từng nói: Điều quan trọng nhất của nghệ thuật là sự khắc họa về tình cảm và nhân tính. Chúng ta cũng mong muốn được xem lịch sử, mỹ học, nhân vật trong Mãn Giang Hồng.