Theo trang Livemint, chỉ trong vòng 7 ngày, Elon Musk đã công bố áp dụng tới 7 thay đổi khác nhau đối với Twitter, và phần lớn trong số đó đi kèm với khá nhiều tranh cãi – không ít người đã trả lời các tweet của Musk để đặt câu hỏi hay thậm chí trực tiếp chất vấn những bước đi của ông. Một cách hài hước, vị tỷ phú đã tiếp tục đổi mô tả cá nhân từ 'Chief Twit' (người đứng đầu Twitter) thành 'Twitter Complaint Hotline Operator' (Quản lý đường dây khiếu nại Twitter) để nói về tình huống của mình. Vậy những thay đổi đang được quan tâm nhất ở Twitter hiện nay là gì?
Elon Musk đổi dòng mô tả thành 'Quản lý đường dây khiếu nại Twitter' sau khi tiếp quản công ty. (Nguồn: Twitter/@elonmusk)
'Nổ phát súng' cắt giảm nhân sự, nói không với làm việc từ xa
Ngay sau khi hoàn tất các thủ tục để tiếp quản Twitter, Elon Musk đã sa thải toàn bộ hội đồng quản trị cùng một loạt các quản lý cao nhất của công ty, gồm CEO Parag Agrawal, Giám đốc tài chính Ned Segal cùng luật sư trưởng Vijayya Gadde, đồng thời tự điền tên mình vào vị trí CEO mới.
Mọi thứ còn được đẩy xa hơn nữa khi trong vòng một tuần sau đó, hơn 50% trong tổng số nhân sự khoảng 7.500 người của Twitter trên toàn cầu đã nhận thông báo nghỉ việc. Tỷ phú Musk cam két các nhân viên tại Mỹ bị sa thải sẽ nhận một khoản đền bù gồm ít nhất 3 tháng lương cơ bản.
Hơn một nửa số nhân viên toàn cầu của Twitter bị sa thải. (Nguồn: CNBC)
Dù đã tinh giảm hơn một nửa nhân sự, vị tỷ phú vẫn cho rằng Twitter đang 'quá đông nhân viên' và những người còn lại cần phải tăng cường năng suất hơn nữa. Cuộc sa thải hàng loạt cũng kéo theo nhiều nhân sự cấp cao khác rời khỏi công ty, trong đó có cả những người đang tham gia thực thi và bảo vệ các chính sách mới của Twitter dưới thời Elon Musk, như giám đốc phụ trách về an toàn Yoel Roth.
Lý giải cho quyết định của mình, Elon Musk đã nói với một số nhân viên rằng 'Twitter thiếu lượng tiền mặt cần thiết để sống sót' và hoàn toàn có thể đứng trước nguy cơ phá sản. Một yếu tố khác được cho có tác động tới quyết định này, đó là con số 13 tỷ USD mà ông đã đi vay để thâu tóm Twitter. Khoản nợ này sẽ đẩy tiền lãi mà công ty phải trả lên hơn 1 tỷ USD mỗi năm, và do đó cắt giảm chi phí sẽ là yêu cầu tối cần thiết.
Twitter không phải là công ty công nghệ duy nhất đang có động thái cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Chỉ ít ngày sau đó, đối thủ số 1 của hãng là ông lớn Meta cũng công bố cắt giảm 11 nghìn nhân viên, chiếm khoảng 13% nhân sự toàn cầu. Một số hãng công nghệ khác như Lyft hay Stripe cũng đã công bố kế hoạch tương tự.
Tất cả nhân viên của Twitter sẽ phải trở lại làm việc ở văn phòng ít nhất 40 giờ/tuần. (nguồn: The Guardian)
Ông chủ mới của Twitter cũng 'nói không' với làm việc từ xa, tương tự như tại Tesla. Trong email gửi tới nhân viên, ông yêu cầu các nhân viên phải làm việc tại văn phòng ít nhất 40 giờ/tuần. Đích thân ông Musk sẽ xét duyệt danh sách những người miễn trừ đến văn phòng vì lý do xác đáng.
Đây là là sự đảo ngược hoàn toàn chính sách của Twitter trước đó cho phép nhân viên có thể 'làm việc từ xa vĩnh viễn', vốn được đưa ra dưới thời nhà đồng sáng lập Jack Dorsey – một người nhiệt tình ủng hộ ông Musk thâu tóm Twitter.
'Tick xanh 8 đô' và bài toán tăng nguồn doanh thu
Nhiều tranh cãi nhất, đó là Elon Musk đã thông báo Blue – dịch vụ trả phí của Twitter sẽ tăng phí lên 7,99 USD/tháng, đi kèm một thay đổi quan trọng: Tất cả những người đăng ký đều sẽ nhận được dấu tick xanh, vốn chỉ dành cho các tài khoản đã được xác thực danh tính người dùng – thường là các nhân vật của công chúng hay doanh nghiệp lớn.
Vị tỷ phú tuyên bố đầy hào hứng trong một tweet: 'Đây là quyền lực cho công chúng. Chỉ cần 8 đô la là có tick xanh'. Đồng thời, người dùng trả phí cũng được hưởng một số tính năng khác như xem ít quảng cáo hơn, được ưu tiên hiển thị trong kết quả tìm kiếm, hay có thể đăng tải video dài hơn.
Dịch vụ trả phí Twitter Blue cho phép tất cả người dùng nhận tick xanh với mức phí 7,99 USD/tháng. (Nguồn: CNN)
Theo ông Musk, thúc đẩy dịch vụ trả phí là điều cần thiết nhằm giúp Twitter có được một nguồn doanh thu ổn định, giảm phụ thuộc vào quảng cáo, đồng thời cũng có thể chia sẻ với những nhà sáng tạo nội dung. Ông bày tỏ tham vọng phí thuê bao định kỳ có thể chiếm khoảng 50% doanh thu của hãng trong tương lai.
Nhưng ngay sau đó, hàng loạt các tài khoản nhái, ăn theo người nổi tiếng và doanh nghiệp lớn đã mọc lên cùng với những 'tick xanh 8 đô'. Vị tỷ phú ban đầu tỏ ra không mấy lo ngại, nhưng sau đó đã thay đổi quan điểm, khi chính ông cũng bị 'tấn công' bởi làn sóng tài khoản nhái.
Tình trạng này đã buộc ông Musk công bố một số thay đổi, trong đó các tài khoản mạo danh người khác đều sẽ bị khóa trừ khi có đánh dấu là 'nội dung châm biếm', đồng thời tick xanh sẽ bị tạm ẩn với những tài khoản Blue vừa đổi tên. Hôm 10/11, Twitter cũng thử nghiệm đánh dấu tick màu xám cùng chữ 'Official' (Chính thức) với các tài khoản được xác thực đầy đủ, tuy nhiên Elon Musk đã dừng tính năng này chỉ ít giờ sau đó.
Twitter từng thử nghiệm đánh dấu 'Chính thức' với các tài khoản đã xác thực. (Nguồn: CNBC)
Trong động thái mới nhất, việc triển khai 'tick xanh 8 đô' đã được tạm dừng, với kỳ vọng sẽ trở lại sau một tuần nữa. Bên cạnh đó, tỷ phú Musk cũng đưa ra ý tưởng về một số tính năng mới có thể tạo thêm doanh thu, như các nội dung thu phí riêng, bài đăng dài, hay khôi phục dịch vụ video ngắn Vine – dù chưa có chi tiết cụ thể.
Trấn an giới quảng cáo về quản lý nội dung
Dù có nỗ lực lớn trong việc tìm nguồn thu mới, nhưng như chính Elon Musk thừa nhận với các nhân viên, 'Twitter vẫn sẽ phải phụ thuộc đáng kể vào quảng cáo', và do đó ông 'đang dành thời gian với bộ phận phụ trách kinh doanh và đối tác nhằm đảm bảo Twitter vẫn hấp dẫn với các nhà quảng cáo'.
Theo ông Musk, khó khăn là tình hình chung với các đơn vị phụ thuộc vào nguồn thu quảng cáo, và Twitter còn gặp thách thức lớn hơn bởi các quảng cáo trên nền tảng của hãng là quảng cáo thương hiệu lớn, thay vì phương thức quảng cáo được cá nhân hóa đến từng người dùng như Facebook hay Youtube.
Một số đơn vị lớn như hãng ô tô GM đã tạm dừng quảng cáo trên Twitter. (Nguồn: CNBC)
Những lùm xùm quanh vụ thâu tóm Twitter, dường như đã tạo ra hiệu ứng tiêu cực, khiến nhiều tên tuổi hàng đầu, như các hãng xe Audi và GM, thương hiệu đồ ăn nhanh Cheerios hay hãng dược Pfizer, đã tạm rút quảng cáo khỏi nền tảng này. Việc kiểm soát các nội dung đôc hại đang là mối quan tâm chính của các nhà quảng cáo đối với ông chủ mới.
Vì vậy mà ngay sau khi tiếp quản Twitter, vị tỷ phú đã đưa một bài đăng lên trang cá nhân với tiêu đề 'Gửi các nhà quảng cáo', trong đó ông khẳng định 'Twitter sẽ không trở thành một bãi rác miễn phí, nơi ai cũng có thể nói gì mình thích mà không gặp hậu quả gì', và bày tỏ mong muốn 'Twitter trở thành nền tảng quảng cáo được tôn trọng hàng đầu'.
Bài đăng của Elon Musk nhằm trấn an các nhà quảng cáo trên Twitter. (Nguồn: Twitter/@elonmusk)
Về chiến lược, ông Musk cho biết sẽ công ty sẽ thiết lập một 'hội đồng kiểm duyệt nội dung', chịu trách nhiệm cao nhất về các quyết định xem xét nội dung hay khóa các tài khoản, với các thành viên 'có quan điểm chính trị đa dạng'. Vị tỷ phú cũng nhấn mạnh 'sẽ không có quyết định khôi phục tài khoản bị khóa nào được đưa ra cho đến khi hội đồng này nhóm họp'.
Đây được xem là lời giải đáp cho những đồn đoán rằng ông Musk sẽ sớm khôi phục tài khoản của những nhân vật gây tranh cãi, chẳng hạn như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông cũng nói đùa rằng: 'Nếu được nhận 1 xu mỗi lần tôi được hỏi có khôi phục tài khoản của ông Trump không, thì Twitter hẳn là đang in ra hàng đống tiền rồi'.
Nhiều đồn đoán về khả năng Elon Musk sẽ khôi phục tài khoản Twitter của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: CNN)
Nhìn chung sau 2 tuần, những thay đổi của Twitter vẫn còn tương đối mơ hồ. Theo các chuyên gia, nhiều biến động sẽ tiếp tục diễn ra, khi mà Elon Musk vẫn đang trong quá trình định hình lại tầm nhìn với mạng xã hội này, như ông thừa nhận: 'Xin lưu ý rằng Twitter sẽ làm rất nhiều thứ ngốc nghếch trong những tháng tới. Chúng tôi sẽ giữ lại những thứ có hiệu quả, và thay đổi những thứ không được như mong muốn'.